Nga đã tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật với quân đội và xe tăng gần biên giới Ukraine hôm thứ Ba (11/1) trong bối cảnh cuộc đàm phán với Washington bế tắc. 

Embed from Getty Images

Một ngày sau khi phía Hoa Kỳ thúc giục Nga rút khoảng 100.000 quân từ gần biên giới, Bộ Quốc phòng Nga cho biết khoảng 3.000 quân nhân đã bắt đầu huấn luyện chiến đấu, bao gồm cả các trận đánh giả ở bốn khu vực phía Tây Nam nước Nga.

Các cuộc tập trận cho thấy Điện Kremlin không có ý định giảm bớt áp lực quân sự.

Hôm 10/1, trong cuộc đàm phán tại Geneva, hai nước Mỹ – Nga đã không thể hiện dấu hiệu nào cho thấy có thể thu hẹp khác biệt về vấn đề Ukraine và an ninh của châu Âu, khi Moscow nhắc lại những yêu cầu mà Mỹ nói là không thể chấp nhận.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết điều tích cực là các cuộc đàm phán hôm thứ Hai đã được tổ chức một cách cởi mở, thực chất và trực tiếp, nhưng không có lý do thực sự nào cho sự lạc quan.

Nga muốn có kết quả nhanh chóng, ông nói. “Quan điểm của Nga là chúng tôi sẽ không hài lòng với sự kéo dài vô tận của quá trình này.”

Ông Peskov cho biết tình hình sẽ rõ ràng hơn sau hai vòng đàm phán nữa mà Nga sẽ tổ chức trong tuần này: một với NATO ở Brussels vào thứ Tư và tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ở Vienna vào thứ Năm.

Nga đã nhiều lần nói rằng họ không có ý định tấn công Ukraine nhưng họ có quyền triển khai lực lượng trên lãnh thổ của mình.

Moscow kiên quyết rằng Hoa Kỳ và các đồng minh phải loại trừ khả năng Ukraine có thể gia nhập NATO. Nga cũng muốn NATO loại bỏ lực lượng và vũ khí khỏi các nước cộng sản cũ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Washington cho biết họ không thể chấp nhận những yêu cầu này, mặc dù họ sẵn sàng can dự vào các khía cạnh khác trong đề xuất của Nga bằng cách thảo luận về việc triển khai tên lửa hoặc giới hạn về quy mô các cuộc tập trận quân sự.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết sau cuộc hội đàm ở Geneva hôm thứ Hai rằng hai bên có “quan điểm trái ngược về một số vấn đề”. Ông nói với các phóng viên: “Đối với chúng tôi, điều bắt buộc là phải đảm bảo rằng Ukraine không bao giờ, không bao giờ, trở thành thành viên của NATO.”

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman cho biết: “Chúng tôi kiên quyết từ chối chấp nhận các đề xuất an ninh không có lợi cho Hoa Kỳ.”

NATO không có kế hoạch kết nạp Ukraine ngay lập tức, nhưng nói rằng Nga không thể sai khiến mối quan hệ của mình với các quốc gia có chủ quyền khác. Lập trường này đã được Ngoại trưởng Ukraine tái khẳng định vào hôm thứ Ba.

“Nga không có quyền bỏ phiếu về tư cách thành viên NATO của Ukraine. Đây là lằn ranh đỏ mà cả Ukraine và các đối tác của chúng tôi sẽ không vượt qua,” ông Dmytro Kuleba nói với hãng truyền thông RBK-Ukraine.

Ông nói thêm: “Bất kể các nhà ngoại giao Nga đi lòng vòng thế nào, điểm khởi đầu để thảo luận về đảm bảo an ninh trong khu vực Châu Âu – Đại Tây Dương nên bắt đầu bằng việc Nga giảm leo thang tình hình an ninh gần biên giới Ukraine và việc Nga rút khỏi Donbass và Crimea.”

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo ông Putin trong hai cuộc điện đàm hồi tháng trước rằng bất kỳ hành động gây hấn mới nào của Nga sẽ phải gánh chịu các đòn trừng phạt nặng nề về kinh tế.

Tổng thống Nga Putin đã đáp lại rằng những động thái như vậy sẽ là một sai lầm to lớn và dẫn đến sự rạn nứt hoàn toàn trong quan hệ.

Căng thẳng Mỹ – Nga hiện đang ở mức cao nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Lê Vy

Xem thêm: