Dân biểu Ken Buck (Đảng Cộng hòa – bang Colorado) cho biết việc một số công ty công nghệ Mỹ chọn làm vừa lòng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) để được kinh doanh tại nước này là một “vấn đề nghiêm trọng”.

Embed from Getty Images

“Tôi cho rằng điều thực sự quan trọng là chúng ta nhận ra những công ty này đã thỏa hiệp đến mức nào khi họ làm ăn với các chính phủ nước ngoài và cố gắng thâm nhập vào các thị trường nước ngoài,” ông Buck nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với NTD, ám chỉ đến Trung Quốc.

Nhà lập pháp lấy Apple làm ví dụ, cụ thể là về quyết định rút ứng dụng Hkmap.live khỏi App Store của họ tại Trung Quốc.

Ứng dụng bản đồ này rất phổ biến đối với những người biểu tình Hồng Kông để tránh đối đầu trực diện với cảnh sát trong phong trào phản kháng ủng hộ dân chủ năm 2019 và 2020. Các sĩ quan cảnh sát của thành phố đã bị chỉ trích gay gắt vì cách xử lý bạo lực của họ đối với những người biểu tình và các nhà báo. 

Nghị sĩ Buck nói, “Khi [Apple] làm như vậy, những người biểu tình gặp nguy hiểm. Họ có nguy cơ bị chế độ độc tài đàn áp tự do ngôn luận và đàn áp những điều mà quốc gia chúng ta coi là sống còn với nền dần chủ của mình.”

Hiện tại, ông Buck là người đứng đầu đảng Cộng hòa tại Tiểu ban Tư pháp Hạ viện về Luật Chống Độc quyền, Thương mại và Hành chính. Ông cũng tham gia Tiểu ban Đối ngoại Hạ viện về châu Á, Thái Bình Dương và Không phổ biến hạt nhân.

Ông Buck còn là đồng chủ tịch nhóm Freedom from Big Tech (Tự do khỏi Big Tech) do đảng Cộng hòa lãnh đạo.

 

Hiện nay, phong trào phản kháng của Hồng Kông được coi là đã chấm dứt do sự lan rộng của virus Trung Cộng và do việc Bắc Kinh thực hiện Luật An ninh quốc gia tàn bạo vào mùa hè 2020. Đạo luật này trừng phạt những tội danh mơ hồ như  âm mưu lật đổ với hình phạt tối đa là tù chung thân. 

Cho tới ngày 31/7/2021, cảnh sát Hồng Kông đã bắt ít nhất 10.265 cá nhân liên quan tới các cuộc biểu tình, theo dữ liệu do chính quyền Hồng Kông công bố. Trong số đó, 2.684 đã bị khởi tố vào thời điểm đó.

Bên cạnh việc gỡ bỏ ứng dụng bản đồ, trong những năm gần đây Apple còn đưa ra nhiều quyết định gây tranh cãi khác liên quan đến Trung Quốc, bao gồm chuyển một số dữ liệu đám mây của họ tới các máy chủ đặt tại Trung Quốc, hay việc CEO của Apple Tim Cook được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng tư vấn Trường Kinh tế và Quản lý Đại học Thanh hoa của Trung Quốc.

Ngoài Apple, công ty công nghệ Mỹ Cisco Systems đã giúp Bắc Kinh xây dựng bộ máy kiểm duyệt mạng được biết với tên Trường thành lửa (Great Firewall).

Google cũng bị chỉ trích vì không gia hạn một hợp đồng với Bộ quốc phòng năm 2018, nhưng lại quyết định hợp tác với Đại học Thanh Hoa liên quan đến nghiên cứu trí tuệ nhân tạo.

Tháng 7/2020, cựu Bộ trưởng Tư pháp William Barr đã lên án các công ty công nghệ Mỹ và Hollywood trở thành “quân cờ” dưới ảnh hưởng của Trung Quốc.

“Vì những lợi ích ngắn hạn, các công ty Mỹ đã  khuất phục trước ảnh hưởng [của Trung Quốc], ngay cả khi phải trả giá bằng sự tự do và cởi mở tại Mỹ,” ông Barr nói thêm trong bài phát biểu tại Bảo tàng Tổng thống R.Ford Grand Rapids ở Michigan.

Ngân Hà (theo The Epoch Times)

Xem thêm: