Thượng nghị sĩ (TNS) Mỹ Rick Scott (Đảng Cộng hòa – bang Florida) và sáu thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa khác đã giới thiệu một nghị quyết kêu gọi Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) chuyển Thế vận hội mùa đông 2022 ra khỏi Trung Quốc do hồ sơ vi phạm nhân quyền tệ hại của nước này.

Embed from Getty Images

Nghị quyết nêu rõ nếu Trung Quốc không thể hiện “sự tiến bộ đáng kể trong việc đảm bảo các quyền cơ bản của con người, bao gồm tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do lập hội, và tự do hội họp,” IOC nên cho bỏ phiếu lại và chọn “một quốc gia công nhận và tôn trọng nhân quyền đăng cai” Thế vận hội này.

Vào tháng 7/2015 tại Almaty, Kazakhstan, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã được chọn là thành phố đăng cai Thế vận hội 2022. Khi Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội mùa hè năm 2008 lần trước, nhiều người cũng chỉ trích quyết định của IOC khi cho phép Trung Quốc đăng cai trong bối cảnh nước này vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Ông Scott cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 2/2 từ văn phòng của mình: “Trung Quốc Cộng sản đang thực hiện hành động diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, hạn chế nhân quyền của người Hồng Kông và đe dọa Đài Loan. Trung Quốc Cộng sản không nên được phép đăng cai Thế vận hội 2022 trong bối cảnh [nước này] đang điều hành các trại tập trung, vi phạm nhân quyền, và đàn áp một cách có hệ thống người dân Hồng Kông.”
Bắc Kinh đã giam giữ hơn một triệu người dân tộc thiểu số Hồi giáo, bao gồm người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan, người Kyrgyzstan, trong các trại giam giữ tại khu vực viễn tây Tân Cương của Trung Quốc. Bắc Kinh tuyên bố các trại này là “các trung tâm đào tạo nghề.”

Tháng trước, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã coi việc bức hại của chính quyền cộng sản Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác là hành động diệt chủng và là “tội ác chống lại loài người.”

>>Tại Indonesia, ông Pompeo lên án Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ

Vào ngày 2/2, Liên minh Liên Nghị viện về Trung Quốc (IPAC), một nhóm các nhà lập pháp quốc tế, đã phát hành một thông báo kêu gọi một cuộc điều tra pháp lý quốc tế về việc vi phạm nhân quyền tại Tân Cương, nhằm phản ứng trước một báo cáo của BBC về việc những người đàn ông Trung Quốc tham gia hãm hiếp hàng loạt, lạm dụng tình dục, và tra tấn phụ nữ trong các trại giam giữ tại Tân Cương.

IPAC tuyên bố: “Thời gian dành cho các từ ngữ nhẹ nhàng [ngoại giao] đã qua lâu rồi. Chúng ta bây giờ phải hướng đến một hành động phối hợp để buộc chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm. Những hành động tàn bạo này phải được ngăn chặn.”

Tại Hồng Kông, Bắc Kinh đang thực hiện luật an ninh quốc gia hà khắc để trừng phạt các tội danh được định nghĩa mơ hồ như lật đổ và ly khai với mức án tối đa là tù chung thân.

Theo cảnh sát Hồng Kông, tính đến hôm thứ Ba (2/2), ít nhất 97 người đã bị bắt theo luật an ninh này, trong đó 8 người đã bị truy tố. Trong số những bị bắt có ông Jimmy Lai, một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và là người sáng lập của tờ báo địa phương Apple Daily. Ông đã bị buộc tội và hiện đang bị giam giữ chờ xét xử.

>>Chính quyền Hồng Kông đã bắt giữ 53 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ

Ông Scott nói thêm: “Thế vận hội là một cơ hội đặc biệt cho phép các vận động viên xuất sắc nhất thế giới đại diện cho đất nước của họ và gắn kết các quốc gia chúng ta, và [do đó] trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không nên để một trong những quốc gia vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất thế giới đăng cai.”

“Tôi tự hào cùng các đồng nghiệp của mình gửi một thông điệp rõ ràng đến IOC: Hãy bảo vệ quyền tự do và yêu cầu Trung Quốc Cộng sản làm điều đúng đắn, hoặc tìm một địa điểm mới cho Thế vận hội 2022”, ông Scott nhấn mạnh.

Nghị quyết được bảo trợ bởi các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marsha Blackburn ( bang Tennessee), Mike Braun (bang Indiana), Tom Cotton (bang Arkansas), Jim Inhofe (bang Oklahoma), Marco Rubio (bang Floria), và Todd Young (bang Indiana). Vào tháng Ba năm ngoái, các nhà lập pháp này cũng đã giới thiệu một nghị quyết tương tự.

TNS Rubio nói trong một thông báo: “Thật điên rồ khi một quốc gia tích cực tham gia vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đến mức diệt chủng lại được quyền đăng cai Thế vận hội hoặc bất kỳ sự kiện thể thao quốc tế nào khác. Trung Quốc cũng không được ngoại lệ.”

Trong một phản hồi qua email, IOC cho biết khi lựa chọn Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội, ủy ban đánh giá của họ đã “xem xét nhiều quan điểm của các tổ chức phi chính phủ độc lập về một số vấn đề, bao gồm cả vấn đề nhân quyền” và [họ] đã nêu lên những quan ngại với các cơ quan chính phủ [Trung Quốc]. Tổ chức này cho biết thêm: “Chúng tôi đã nhận được sự đảm bảo rằng các nguyên tắc của Hiến chương Olympic sẽ được tôn trọng trong bối cảnh Thế vận hội” và cho biết họ sẽ tiếp tục thảo luận “các vấn đề liên quan đến Thế vận hội” với các nhà tổ chức (chính phủ Trung Quốc).

Các tổ chức nhân quyền quốc tế cũng lên tiếng quan ngại về việc Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội mùa đông 2022.

Vào ngày 2/2, một liên minh hơn 180 nhóm, bao gồm Mạng lưới Tây tạng Quốc tế, Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, và Tổ chức Đức sát cánh cùng Hồng Kông (Germany Stands with Hong Kong), đã ký một lá thư chung gửi đến các nhà lãnh đạo thế giới, kêu gọi chính phủ các nước tẩy chay Thế vận hội mùa đông tại Bắc Kinh 2022.

Bức thư viết: “Bất kỳ điều gì ít hơn [sự tẩy chay] sẽ được coi là một sự ủng hộ cho sự cai trị độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc và là một sự coi thường trắng trợn đối với nhân quyền và các quyền nhân sự.”

Khi các phóng viên hỏi thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki về quan điểm của chính quyền mới về việc kêu gọi tẩy chay Thế vận hội 2022 trong cuộc họp báo chí hàng ngày hôm thứ Ba (2/2), bà cho biết Washington không có bất kỳ “sự thay đổi nào trong cách tiếp cận đối Thế vận hội Bắc Kinh.”

Ông Kenneth Roth, giám đốc điều hành của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phi chính phủ đặt tại New York, đã viết trên Twitter vào ngày 30/1: “Hãy nhớ rằng khi mọi người cho rằng việc tổ chức Thế vận hội mùa hè 2008 tại Bắc Kinh sẽ giúp giảm bớt sự đàn áp của Trung Quốc. [Tuy nhiên] Điều đó đã không xảy ra. Mọi thứ ngày nay còn tồi tệ hơn rất nhiều, nhưng Bắc Kinh hiện lên kế hoạch đăng cai Thế vận hội mùa đông 2022 bất chấp [việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng] tại Tân Cương, Hồng Kông, Tây Tạng,…”

Vào tháng Mười Hai năm ngoái, Tổ chức Theo Dõi Nhân quyền đã gửi một lá thư cho Chủ tịch IOC Thomas Bach, kêu gọi ông “ngay lập tức tiến hành thẩm tra vấn đề nhân quyền một cách thiết thực xung quanh việc chuẩn bị cho Thế vận hội Bắc Kinh 2022, đồng thời giải thích những nỗ lực của tổ chức này trong việc quản lý các rủi ro về nhân quyền liên quan đến Thế vận hội trước tháng 2/2021.”

Vào tháng 9/2020, hơn 160 tổ chức nhân quyền cũng đã gửi một lá thư cho ông Bach, yêu cầu ông “đảo ngược sai lầm của tổ chức này” khi chọn Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội mùa đông 2022.

Gia Huy (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: