Một nhóm nghị sĩ Quốc hội Mỹ cuối tuần trước đã dấy lên quan ngại về quan hệ đối tác giữa hãng tin AP của Mỹ và Tân Hoa Xã mới được hai bên thông báo gần đây. Nghị sĩ Mỹ lo lắng rằng tuyên truyền của Trung Quốc có thể thâm nhập vào tin tức Mỹ và gây ảnh hưởng lên độc giả Mỹ.

Embed from Getty Images

Theo Epoch Times, nhóm nghị sỹ lưỡng đảng của cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ hôm 19/12 đã viết thư gửi Chủ tịch kiêm CEO AP, ông Gary Pruitt cảnh báo rằng không giống như báo chí độc lập của AP, sứ mệnh cốt lõi của Tân Hoa Xã là định hướng dư luận theo cách đồng cảm với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Trong lá thư được Washington Post công bố đầu tiên, ngoài việc đề cập tới việc Tân Hoa Xã gần đây đã bị Bộ Tư pháp Mỹ buộc phải đăng ký là đại diện nước ngoài với chính phủ liên bang Mỹ, nhóm nghị sĩ cũng trích dẫn báo cáo vào tháng 3/2018 của Viện Project 2049 của Mỹ về việc Tân Hoa Xã đóng vai trò là “nhân tố gây ảnh hưởng” của Trung Quốc tại Mỹ.

Báo cáo của Viện Project 2049 kết luận: “Thông qua kiểm duyệt truyền thông toàn diện và kiểm soát Đảng, Tân Hoa Xã có khả năng gây tổn hại cho quyền lực mềm và thông điệp chính sách đối ngoại của Mỹ bằng cách vẽ chân dung những hành động gây rối của Trung Quốc là hợp lý, từ đó gây ảnh hưởng không chính xác tới độc giả trong nước và quốc tế.”

Nhóm nghĩ sĩ Mỹ dẫn ra báo cáo hôm 25/11 của Tân Hoa Xã tuyên bố rằng họ và AP đã ký một bản ghi nhớ để tăng cường hơn nữa “hợp tác hai bên cùng có lợi”, lưu ý rằng hai hãng truyền thông này đã hợp tác với nhau trong nhiều lĩnh vực rồi, trong đó có việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để đưa tin.

Được biết, AP là tổ chức phi lợi nhuận tập hợp nhiều tờ báo và kênh truyền hình Mỹ, cung cấp tin tức cho hơn 15.000 tờ báo trên toàn thế giới.

Với vai trò nguồn tin lớn như vậy của AP, tin tức về việc hãng này mở rộng quan hệ đối tác với Tân Hoa Xã – một hãng tin nhà nước Trung Quốc khiến cho các nhà lập pháp Mỹ quan ngại về ảnh hưởng tiềm tàng lên tự do báo chí tại Mỹ.

“Khi các tổ chức truyền thông truyền thống coi các hãng tin tuyên truyền của nhà nước kiểu như Tân Hoa Xã như đối tác hợp pháp, điều đó dấy lên những vấn đề quan trọng. Những thỏa thuận như vậy có thể thúc đẩy việc tiếp cận [độc giả Mỹ] của các hãng tin như Tân Hoa Xã và mở cửa cho việc tuyên truyền vô tình tô vẽ báo cáo trong nước, đặc biệt là các tin tức về Trung Quốc và các hoạt động của nước này”, lá thư của nhóm nghị sĩ Mỹ viết.

Nhóm nghị sĩ Mỹ cũng lưu ý thêm rằng những thỏa thuận tài chính “với chính phủ Trung Quốc” có thể gây ảnh hưởng đến khả năng đưa tin độc lập về Trung Quốc của các cơ quan truyền thông.

Các nhà lập pháp cũng yêu cầu AP cung cấp thêm thông tin và nội dung chính xác bản ghi nhớ hợp tác giữa AP và Tân Hoa Xã. Họ cũng hỏi AP liệu hãng tin này có “những quyết nghị mạng tính thể chế” để “ngăn chặn việc Tân Hoa Xã gây ảnh hướng tới báo cáo của AP” hay không? Và liệu nhân viên của Tân Hoa Xã có thể tiếp cận “tin tức nhạy cảm mà có thể là sở hữu riêng của AP” hay không?

Trả lời qua thư yêu cầu bình luận của Epoch Times về việc hợp tác với Tân Hoa Xã, giám đốc quan hệ truyền thông của AP, bà Lauren Easton viết: “Tân Hoa Xã hay bất kỳ thể chế nào đều không thể gây bất kỳ ảnh hưởng gì lên báo chí của AP, nội dung bài vở và các vấn đề khác”. Bà Easton cũng nói rằng Tân Hoa Xã không được quyền tiếp cận “tin tức độc quyền của AP”.

Liên quan đến bản ghi nhớ hợp tác, bà Easton trả lời rằng đó là bản cập nhật của một thỏa thuận mà AP đã ký với hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc từ năm 1972 để AP được phép hoạt động bên trong đất nước Trung Quốc. “Thỏa thuận đó không gây ảnh hưởng tới tính độc lập, bài vở hoặc bất cứ gì khác của AP”, bà Easton khẳng định.

Được hỏi về việc liệu thỏa thuận đó có liên quan đến việc chia sẻ nội dung bài vở, bà Easton nói rằng hai tổ chức “đã trao đổi một số bức ảnh và các bản tin mỗi ngày”.

Bà Easton nói thêm rằng bản ghi nhớ cung cấp “khả năng tương tác thương mại trong tương lai, tương tự như các thỏa thuận mà AP đã có với các cơ quan thông tấn nhà nước khác trên toàn thế giới. Nó không bao gồm hoặc tầm nhìn về bất kỳ chia sẻ thông tin trí tuệ nhân tạo, hoặc bất kỳ công nghệ nào khác.”

Đầu năm nay, AP cũng công bố bắt đầu quan hệ đối tác với Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc – CCTV, cho phép khách hàng sử dụng dịch vụ video của AP có thể tiếp cận các đoạn video do CCTV sản xuất.

Trong thông cáo báo chí phát hành hồi tháng 3/2018, AP đã đánh giá cao “chất lượng và chiều sâu” của các bản tin video của CCTV, chẳng hạn như đoạn video đưa tin về chuyến thăm của ông Trump tới Trung Quốc.

Xuân Thành

Xem thêm: