Nghị viện Anh Quốc hôm thứ Ba (15/1) đã bác bỏ dự luật liệt kê các điều khoản Vương Quốc Anh rút khỏi Liên minh Châu Âu (EU). Tương lai Brexit và tương lai chính trị của Thủ tướng Theresa May đang bị đặt dấu hỏi.

Embed from Getty Images

Nghị viện Anh Quốc hôm 15/1 đã bỏ phiếu với đa số không tán thành thỏa thuận Brexit mà chính phủ của bà May đạt được với EU hồi tháng Mười Một năm ngoái.

Việc chưa thể thông qua được dự luật Brexit khiến cho chính trị Anh Quốc rơi vào tình trạng hỗn loạn khi thời hạn nước Anh rời EU vào ngày 29/3 sắp tới gần. Viễn cảnh có thể là nước Anh sẽ rút khỏi EU mà không có thỏa thuận giữa hai bên, điều này được các chuyên gia kinh tế cảnh báo có thể tàn phá nền kinh tế Anh Quốc.

Thỏa thuận Brexit vấp phải sự phản đối sâu sắc từ cả hai phe phái tại Anh. Các nhà lập pháp ủng hộ Brexit nói rằng thỏa thuận sẽ khiến nước Anh bị ràng buộc vô thời hạn vào các luật lệ của EU, trong khi các chính trị gia thân EU thậm chí đòi một thỏa thuận để nước Anh dù rời EU vẫn có mỗi quan hệ kinh tế gần gũi với khối này.

Điều gì xảy ra khi không có thỏa thuận Brexit?

Ngay thứ Hai tuần tới bà May sẽ đưa ra Nghị viện phương án B để hy vọng dự luật Brexit sẽ được thông qua.

Nếu thỏa thuận tiếp tục bị bác bỏ với số phản đối không quá cao, chính phủ của bà May có thể tiếp tục thảo luận lại với EU để tìm kiếm sự nhượng bộ và trình lại Nghị viện Anh sau đó.

Tuy nhiên, theo Fox News, các nhà lãnh đạo EU đã tuyên bố rõ ràng rằng thỏa thuận Brexit 585 trang không thể mở đàm phán lại.

Những lựa chọn khác bao gồm khả năng hoãn thời gian nước Anh rút khỏi EU hoặc tổ chức trưng cầu Brexit lần hai. Phương án trưng cầu dân ý lần 2 được phe thân EU ủng hộ, nhưng bà May và chính phủ cánh hữu hiện tại đã từng xác nhận với báo giới rằng họ phản đối phương án này.

Ngoài ra, Đảng Lao động đối lập có khả năng sẽ kêu gọi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ hiện tại nếu thỏa thuận Brexit thất bại. Cuộc bỏ phiếu này là nỗ lực ban đầu để Đảng Lao động kích hoạt một cuộc tổng tuyển cử.

Theo Fox News, Đảng Lao động chưa tiết lộ thời gian cho một chuyển động như vậy. Lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn nói với các đồng nghiệp hôm thứ Hai (14/1) rằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sẽ “đến sớm”.

Tại sao lại cần thỏa thuận Brexit?

Thỏa thuận Brexit mà chính phủ Anh đạt được với EU tạo ra một thời kỳ chuyển tiếp từ 29/3/2019 đến 31/12/2020. Khoảng thời gian chuyển tiếp này sẽ cho phép các doanh nghiệp tại Anh điều chỉnh các quy định mới giữa Anh Quốc và EU sau khi Brexit chính thức bắt đầu.

Sở dĩ có mốc 29/3 là vì để Anh Quốc rời EU, nước này phải viện dẫn Điều 50 của Hiệp ước Lisbon – điều khoản cho phép hai bên có 2 năm để đạt được một thỏa thuận chia tách. Thủ tướng Anh Therasa May đã kích hoạt tiến trình này vào ngày 29/3/2017, có nghĩa rằng Anh Quốc sẽ chính thức rút khỏi EU vào 23h (giờ Anh Quốc) ngày thứ Sáu 29/3/2019.

Thời kỳ chuyển tiếp từ 29/3 tới 31/12/2020 sẽ chỉ diễn ra nếu có thỏa thuân Brexit giữa EU và Anh Quốc. Chính phủ của bà May đã đàm phán xong với EU, nhưng đang gặp vướng mắc tại Nghị viện và khả năng Anh Quốc sẽ rút khỏi EU mà không có thỏa thuận.

Các nhà kinh tế cảnh báo rằng nếu nước Anh rút khỏi EU một cách đột ngột, không có thời gian chuyển tiếp sẽ có thể tàn phá nền kinh tế Anh và diễn ra hỗn loạn tại vùng biên giới, bến cảng và sân bay. Chính phủ Anh được cho là đã lên phương án cho viễn cảnh Brexit mà không có thời gian chuyển tiếp.

Xuân Thành (T/h)

Xem thêm: