Nghị viện Anh Quốc hôm thứ Năm (22/4, giờ địa phương) đã nhất trí hoàn toàn thông qua một kiến nghị không ràng buộc, tuyên bố chế độ Trung Quốc phạm tội ác diệt chủng đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo thiểu số khác tại Tân Cương. Kiến nghị này kêu gọi chính phủ Anh Quốc phải sử dụng luật pháp quốc tế để chấm dứt hành vi diệt chủng của Bắc Kinh.

Embed from Getty Images

Các thành viên của Nghị viện Anh đã viện dẫn bằng chứng, trong đó có khai chứng về các trại giam giữ, giám sát quy mô lớn, hiếp dâm, triệt sản cưỡng bức, và thu hoạch nội tạng. Các nghị sĩ khẳng định rằng “đã đến lúc” Anh Quốc phải hành động.

Kiến nghị kêu gọi chính phủ Anh Quốc phải “hành động để hoàn thành các nghĩa vụ của mình theo Công ước về Ngăn chặn và Trừng phạt Tội ác diệt chủng và sử dụng tất cả các công cụ liên quan của luật pháp quốc tế để chấm dứt tội ác này”.

Nghị sĩ Benedict Rogers, đồng sáng lập Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo thủ, đã gọi sự kiện 22/4 tại Nghị viện Anh Quốc là “ngày thực sự mang tính lịch sử”.

Ông Benedict Rogers viết trên Twitter: “Một ngày thực sự mang tính lịch sử. Nghị viện Anh Quốc đã làm được điều cực kỳ đúng đắn và đã công nhận rằng chế độ Trung Quốc đang phạm tội ác diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ”.

Nghị sĩ Charles Walker, trong buổi thảo luận hôm 22/4, đã nói rằng tất cả thành viên Nghị viện Anh Quốc phải đưa ra ý kiến về tội ác diệt chủng của chế độ Trung Quốc.

Khi một chính phủ quốc gia chế tài một thành viên của Nghị viện này, thì chính phủ đó, chính phủ quốc gia đó thực sự đang chế tài tất cả thành viên của nghị viện này, và tất cả chúng ta, tất cả 650 nghị sĩ chúng ta có phận sự phải trở thành một vào thời điểm này”, Nghị sĩ Charles Walker nói.

Nghị sĩ Nusrat Ghani, nhà lập pháp đề xuất kiến nghị, đã phản hồi ý kiến của nghị sĩ Charles Walker rằng bà tin các chế tài mà Bắc Kinh áp lên một số nghị sĩ Anh Quốc là “đang chế tài nghị viện này và đang yêu cầu nghị viện này phải dừng dấy lên các vi phạm nhân quyền tại Tân Cương”. Bà Ghani nhấn mạnh rằng “thực sự với việc chúng ta ở đây hôm nay và đang có cuộc thảo luận này cho thấy rằng các chế tài đó của chế độ Trung Quốc đã không hiệu quả”.

Bà Ghani là một trong 5 nghị sĩ Anh Quốc gần đây đã bị chế độ Trung Quốc chế tài vì công khai lên tiếng phản đối nạn vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Garnett Genuis, một thành viên Canada của Liên minh liên Nghị viện về Trung Quốc (IPAC), đã gọi kiến nghị của Nghị viện Anh Quốc hôm 22/4 là một cột mốc mới đối với công cuộc đấu tranh vì công lý cho người Duy Ngô Nhĩ.

Cuộc bỏ phiếu hôm nay là một cột mốc khác trong con đường dài vì công lý cho người Duy Ngô Nhĩ. Từng bước một, các nghị viện dân chủ khắp thế giới đang bắt đầu công nhận rằng nỗi khổ đau mà người Duy Ngô Nhĩ đang phải hứng chịu là không gì khác hơn nạn diệt chủng”, IPAC dẫn lời ông Genuis qua Twitter.

Cùng trong ngày 22/4, Quốc hội Lithuania cũng đã triệu tập một phiên điều trần để nghe khai chứng về những hành vi vi phạm nhân quyền đang diễn ra tại Tân Cương.

Với việc thông qua kiến nghị hôm 22/4, Nghị viện Anh Quốc trở thành cơ qua lập pháp thứ ba trên thế giới – sau Canada và Hà Lan – đã phê chuẩn các kiến nghị đề cập cách chế độ Trung Quốc đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương là “tội ác diệt chủng”.

Ngoài ra, chính phủ Mỹ hồi tháng Một cũng đã tuyên bố rằng chế độ Trung Quốc đã phạm “tội ác diệt chủng” và “tội ác chống lại loài người” đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Hạ viện Mỹ hôm 15/4 đã giới thiệu một nghị quyết lưỡng đảng, trong đó lên án chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc phạm tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng sắc tộc thiểu số khác tại Tân Cương.

Như Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: