Các thành viên Nghị viện Canada đã nhất trí ủng hộ một dự luật nhằm hạn chế buôn bán nội tạng quốc tế trong bối cảnh nạn thu hoạch nội tạng đang diễn ra trên thế giới, “đặc biệt là ở Trung Quốc”.

Dự luật S-240, được bảo trợ bởi Thượng nghị sĩ Salma Ataullahjan trước đó đã nhận được sự nhất trí của Thượng viện trước khi chuyển tiếp đến Hạ viện. Dự luật nhắm đến hai mục đích chính:

  • Không cho phép công dân Canada ghép tạng sử dụng nguồn nội tạng nước ngoài mà không có sự tình nguyện của người hiến tạng (bao gồm cả việc du lịch ghép tạng).
  • Những người liên quan đến việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng sẽ không được tới Canada.

Dự luật đã được thông qua tại phiên họp Hạ viện sau một số sửa đổi vào ngày 30/4/2019. Sau đó dự luật này sẽ được đưa trở lại cho Thượng viện biểu quyết về các sửa đổi của Hạ viện trước khi có thể được ký thành luật.

thu hoạch nội tạng
Nghị sĩ Salma Ataullahjan và Nghị sĩ Garnett Genuis phát biểu trong một cuộc họp báo về dự luật S-240. (Limin Zhou, Epoch Times)

Thư ký nghị viện của Bộ trưởng Tư pháp Canada, ông Arif Virani, cho biết dự luật này đã trải qua một quá trình nỗ lực suốt 10 năm. Theo đó, đã từng có bốn dự luật được đưa lên Nghị viện Canada, và phải đến khi S-240 được ủng hộ tại cả Thượng viện và Hạ viện thì nó mới “cho phép Canada thể hiện vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống buôn bán nội tạng và bảo vệ nhân quyền quốc tế.”

Nghị sĩ đảng Bảo thủ Garnett Genuis, người bảo trợ của dự luật tại Hạ viện, cho biết rằng ông đã tham gia vào đề xuất lập pháp này sau khi biết rằng ở một số quốc gia trên thế giới, “mà đặc biệt là ở Trung Quốc trên quy mô công nghiệp”, người dân đang bị giết để lấy nội tạng.

“Đôi khi các bộ phận cơ thể được lấy đi trong khi [nạn nhân] vẫn còn sống trong một quá trình đau đớn khủng khiếp, và những bộ phận đó sẽ được sử dụng để cấy ghép”, ông Genuis cho biết.

Wrzesnewskyj, nghị sĩ từng bảo trợ các dự luật tương tự tại các kỳ Nghị viện trước đây cho biết, ông đã lo ngại về vấn đề buôn bán nội tạng sau khi nghe các báo cáo về việc cưỡng bức lấy nội tạng của các nhóm tội phạm ở Ukraine và mổ lấy nội tạng tại các phòng khám bất hợp pháp ở Ấn Độ.

Nhưng theo ông Wrzesnewskyj, hành vi “man rợ” nhất là ngành công nghiệp trị giá hàng triệu đô “điều hành bởi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, tổ chức đã thông qua các bệnh viện quân đội để xây dựng một hoạt động quy mô công nghiệp, nhằm mổ lấy theo đặt hàng các bộ phận cơ thể của tù nhân lương tâm bị giam giữ trong mạng lưới nhà tù tại Trung Quốc.”

Tù nhân lương tâm là các tù nhân bị giam giữ chỉ do đức tin của họ, thường thuộc về nhóm các tín ngưỡng và tôn giáo đang bị đàn áp tại Trung Quốc, bao gồm nhóm Pháp Luân Công, nhóm Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, nhóm Phật giáo Tây Tạng, và các thành viên Cơ đốc giáo không tham gia vào các Nhà thờ do nhà nước quản lý.

Dự luật S-240 được đưa ra trong bối cảnh cuối năm 2018, đầu năm 2019, một loạt cơ quan truyền thông quốc tế đã tập trung vào tội ác thu hoạch nội tạng do chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn. BBC đăng tải phóng sự độc quyền về “bí mật công khai” của giới y học Trung Quốc. Forbes đăng tải chuỗi bài viết của chuyên gia nghiên cứu diệt chủng Ewelina U. Ochab kêu gọi điều tra đến cùng tội ác này. Wall Street Journal gọi đó là một “cơn ác mộng”.

Trước đó, vào đầu tháng 12/2018, luật sư Anh Quốc uy tín hoạt động trong Tòa án Hình sự Quốc tế Geoffrey Nice tuyên bố trong Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc rằng: “Chúng tôi chắc chắn không chút hoài nghi rằng tại Trung Quốc, việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm đã được thực hiện trên quy mô lớn, trong một thời gian dài, dẫn tới số lượng nạn nhân rất lớn”.

“Những điều khoản [trong Dự luật S-240] không giải quyết toàn bộ vấn đề, và còn nhiều việc phải làm, nhưng nó chính thức đặt Canada vào phía chính nghĩa và chấm dứt mọi khả năng đồng lõa của người Canada,” ông Genuis nói.

Ông Genuis kêu gọi các nghị sĩ Canada ủng hộ dự luật S-240 sửa đổi của Hạ viện để nó được thông qua tại Thượng viện trong cuộc bỏ phiếu tiếp theo, dự kiến vào tháng Mười. Nếu dự luật sửa đổi không được Thượng viện chấp thuận, thì quy trình sẽ phải khởi động lại từ đầu.

“Hãy để cho việc thông qua dự luật này trở thành một di sản của kỳ họp thứ 42… rằng chúng ta có thể làm một điều gì đó đáng kinh ngạc cho bộ phận những người dễ bị tổn thương nhất của thế giới”, Genius nói với các nghị sĩ trong phiên họp về dự luật tại Hạ viện trước khi bỏ phiếu.

Minh Nhật tổng hợp

Xem thêm: