Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết mới về Hồng Kông, ủng hộ các biện pháp cứng rắn nhằm đáp lại cuộc đàn áp của chính phủ đối với quyền tự do báo chí của thành phố.

Embed from Getty Images

Nghị quyết 28 điểm đã được thông qua với sự ủng hộ rộng rãi trong phiên họp toàn thể ở Strasbourg hôm thứ Năm (8/7), với 578 thành viên Quốc hội bỏ phiếu thông qua và 29 phiếu chống, 73 bỏ phiếu trắng.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau một cuộc tranh luận, trong đó một loạt các nghị viên đã lên án việc Bắc Kinh siết chặt kiểm soát ở Hồng Kông, đặc biệt là việc đóng cửa tờ Apple Daily.

Các biện pháp này tuy không có tính ràng buộc, nhưng là một tập hợp các khuyến nghị đối với Ủy ban châu Âu và Hội đồng Liên minh châu Âu. 

Tuy vậy, việc Ủy ban châu Âu hoặc Hội đồng Liên minh châu Âu sẽ hiện thực hóa các biện pháp được khuyến nghị hay không còn chưa rõ ràng. Trước đây, đã có nhiều lời kêu gọi hành động đối với Hồng Kông, bao gồm cả các lệnh trừng phạt đối với các quan chức hàng đầu, nhưng đã không được lắng nghe và thực thi.

Một số Nghị viên nói rằng Trung Quốc đã từ bỏ các giao ước quốc tế của mình sau khi vi phạm các điều khoản của tuyên bố chung với Anh về việc bàn giao Hồng Kông vào năm 1997, và đây phải là một yếu tố quan trọng trong bất kỳ thỏa thuận tương lai nào được thực hiện giữa EU và Trung Quốc.

“Trung Quốc đang tấn công tự do ở Hồng Kông, và thực sự là thế giới phương Tây nói chung. Nó đang làm suy yếu bất kỳ mối quan hệ nào mà chúng ta có thể xây dựng với Trung Quốc, bao gồm bất kỳ mối quan hệ thương mại nào. Còn đầu tư với Trung Quốc thì sao? Chúng ta có thể có niềm tin vào các khoản đầu tư không?” François-Xavier Bellamy, một thành viên Quốc hội Pháp trong Đảng Nhân dân châu Âu trung hữu cho biết.

Các Nghị viên đã kêu gọi các cơ quan quyền lực của EU cũng như các quốc gia thành viên áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức hàng đầu của Hồng Kông và Trung Quốc đại lục liên quan đến việc áp dụng Luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông.

Nghị quyết kêu gọi EU làm nhiều hơn nữa để giúp những người Hồng Kông bị ảnh hưởng bởi luật, bao gồm các nhà báo, các chính trị gia và các nhà hoạt động của phe ủng hộ dân chủ.

Trong số các biện pháp được khuyến nghị là tăng số lượng cơ hội trong chương trình học bổng Erasmus cho sinh viên Hồng Kông, và cấp giấy thông hành khẩn cấp cho các nhà báo ở Hồng Kông “có nguy cơ bị bắt giữ theo luật an ninh quốc gia”.

Họ cũng kêu gọi cả các tổ chức EU và 27 quốc gia thành viên từ chối lời mời tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào năm tới, “trừ khi chính phủ Trung Quốc thể hiện một sự cải thiện có thể kiểm chứng được” trong hồ sơ nhân quyền của mình.

Tuy nhiên, điều này dường như không nhận được sự ủng hộ nhất trí của toàn EU. Hôm thứ Tư, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã chấp nhận lời mời từ nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình để tham dự Thế vận hội, theo thông báo chính thức về cuộc gọi từ Athens.

Phái đoàn Trung Quốc tại EU đã mô tả nghị quyết này là “sự vi phạm trắng trợn các quy tắc cơ bản điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế và tinh thần thượng tôn pháp luật, đồng thời can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.

“Trung Quốc kiên quyết phản đối việc chính trị hóa thể thao. Những nỗ lực vì lý do chính trị nhằm gây rối, cản trở và phá hoại việc chuẩn bị và tổ chức Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh là hết sức vô trách nhiệm,” một phát ngôn viên của Trung Quốc nói.

Ủy viên tài chính Mairead McGuinness thay mặt Hội đồng châu Âu đã mô tả luật an ninh quốc gia là “hà khắc” và việc đóng cửa Apple Daily là “bước đi mới nhất trong tình trạng suy thoái chính trị nghiêm trọng”.

Bà McGuinness nói: “Chúng tôi cũng sẽ tăng cường phản ứng thông qua việc tăng cường hỗ trợ xã hội dân sự, bao gồm cả những người bên ngoài Hồng Kông và các phương tiện truyền thông, thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển, cũng như đảm bảo quan sát các phiên tòa xét xử các nhà hoạt động dân chủ.” 

Bà bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng EU đang “can thiệp” vào các vấn đề trong nước, nói: “Những gì đang xảy ra ở Hồng Kông vi phạm các cam kết quốc tế, đặc biệt là Tuyên bố chung Trung – Anh, đã được đăng ký với Liên Hợp Quốc như một Hiệp ước quốc tế.”

Các điều khoản khác của nghị quyết bao gồm việc lên án các ngân hàng châu Âu đã “đồng lõa” trong việc áp đặt Luật an ninh quốc gia bằng cách “đóng băng tài sản và tài khoản ngân hàng của các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ trước đây”. Nghị quyết kêu gọi EU đánh giá sự tham gia của các tổ chức này.

Trong bối cảnh lo ngại rằng Luật an ninh được sử dụng để xóa bỏ các sách khỏi thư viện và cửa hàng, nghị quyết kêu gọi EU hỗ trợ trong việc lưu trữ, công bố, ghi lại các vi phạm nhân quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bằng cách đăng tải các sách bị cấm ở Hồng Kông lên trên mạng.

Nghị quyết cũng khuyến nghị EU vận động Liên Hợp Quốc bổ nhiệm một đặc phái viên cho Hồng Kông và ngày 1/7 sẽ được chỉ định là “’Ngày sát cánh cùng Hồng Kông” để hàng năm nâng cao nhận thức của công chúng châu Âu về tình hình của Hồng Kông.

Lê Vy (theo SCMP)

Xem thêm: