Vào thứ Năm (16/9), Nghị viện Liên minh châu Âu (EU) đã công bố kết quả của cuộc họp toàn thể, theo đó đã hoàn toàn chấp thuận đề xuất báo cáo chiến lược mới của EU về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thúc đẩy giải quyết các vi phạm của ĐCSTQ về nhân quyền và thông tin sai lệch từ Trung Quốc, đồng thời một lần nữa kêu gọi thúc đẩy EU và Đài Loan hoàn thành thông qua thỏa thuận đầu tư.

liên minh châu âu
Trụ sở liên minh châu Âu (Ảnh từ Wikimedia)

Trước đó vào thứ Tư (15/9), Nghị viện EU đã tổ chức một cuộc họp toàn thể để bỏ phiếu về báo cáo chiến lược mới của EU về ĐCSTQ. Theo kết quả bỏ phiếu được công bố hôm thứ Năm thì báo cáo nói trên đã được thông qua với 570 phiếu thuận, 61 phiếu chống và 40 phiếu trắng.

Báo cáo này đề xuất EU nên thiết lập 6 trụ cột của chiến lược mới đối với ngoại giao của ĐCSTQ: hợp tác để ứng phó với các thách thức toàn cầu, nhấn mạnh quyền con người và các chuẩn mực quốc tế, xác định các rủi ro và tính dễ bị tổn thương, làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác cùng chí hướng, thúc đẩy quyền tự chủ chiến lược, bảo vệ các giá trị và lợi ích của EU.

EU sẽ tiếp tục làm việc với ĐCSTQ để giải quyết các thách thức chung, bao gồm biến đổi khí hậu, giải trừ vũ khí hạt nhân, cải cách tổ chức đa phương, chống lại các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, chẳng hạn như đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), đồng thời sử dụng các hệ thống cảnh báo sớm và rủi ro để đối phó với các bệnh truyền nhiễm có thể phát triển thành dịch bệnh hoặc đại dịch bệnh.

Các nghị sĩ EU yêu cầu ĐCSTQ cho phép các cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc và sự lây lan của COVID-19 (dịch bệnh khởi phát từ Vũ Hán của Trung Quốc).

Đồng thời, các nghị sĩ lên án các vi phạm nhân quyền có hệ thống của ĐCSTQ và kiến nghị EU và ĐCSTQ cần có hoạt động đối thoại về nhân quyền theo định kỳ và đưa ra các cơ chế đo lường; trong đó phạm vi thảo luận nên bao gồm các vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, Nội Mông, Tây Tạng và Hồng Kông.

Nghị viện EU cũng bày tỏ sự hối tiếc trước việc ĐCSTQ đối xứ không công bằng với các doanh nghiệp châu Âu. Các công ty này đã cắt đứt chuỗi cung ứng với khu vực Tân Cương vì lo ngại xuất khẩu các sản phẩm lao động cưỡng bức. Nghị viện kêu gọi EU hỗ trợ hoạt động của các công ty này và đảm bảo vấn đề lập pháp của EU ngăn chặn các công ty liên quan đến đàn áp nhân quyền ở Tân Cương hoạt động trong EU.

Nghị viện EU nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của quan hệ EU-Trung Quốc, nhưng cho biết rõ sẽ không khởi động lại chương trình phê duyệt “Thỏa thuận toàn diện về đầu tư Trung Quốc – EU” (CAI) trước khi ĐCSTQ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các thành viên của Nghị viện EU và các tổ chức EU.

Ngoài ra, báo cáo cũng kêu gọi EU tăng cường hợp tác sâu rộng với các đồng minh dân chủ như Mỹ, Canada, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Ấn Độ và Đài Loan, đồng thời một lần nữa kêu gọi Ủy ban và Hội đồng EU thúc đẩy Thỏa thuận đầu tư song phương với Đài Loan (BIA), sớm triển khai đánh giá thỏa thuận và xác định phạm vi.

Báo cáo cũng kêu gọi EU đề xuất các hành động cụ thể để thúc đẩy sự tham gia của Đài Loan với tư cách quan sát viên trong các cuộc họp liên quan cùng các cơ chế và hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và “Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu” (UNFCCC).

Các nghị sĩ Nghị viện EU cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải làm việc với các đồng minh cùng chí hướng để phát triển các tiêu chuẩn toàn cầu cho các công nghệ thế hệ tiếp theo, chẳng hạn như mạng 5G và 6G, theo đó phải loại bỏ các công ty không đáp ứng các tiêu chuẩn bảo mật.

Cuối cùng, báo cáo yêu cầu Cơ quan Hành động Đối ngoại EU dùng các nguồn lực cần thiết được trao quyền để đối phó với thông tin sai lệch của ĐCSTQ, bao gồm cả việc thành lập Lực lượng Đặc nhiệm StratCom Viễn Đông (Far-East StratCom Task Force).

Sau khi bỏ phiếu, phóng viên Hilde Vautmans cho biết, “Chúng ta không được quá ngây thơ khi giao dịch với Trung Quốc (ĐCSTQ). Mặc dù Trung Quốc là một đối tác thương mại quan trọng, nhưng ĐCSTQ cũng là một đối thủ mang tính hệ thống, đặt ra thách thức đối với lối sống và trật tự thế giới tự do của chúng ta”.

Nghị sĩ của Bỉ thuộc đảng Renew Europe cho biết, “Chúng ta không nên vì lợi ích kinh tế mà làm ngơ trước các chương trình nghị sự chính trị đầy tham vọng của ĐCSTQ, chính sách đối ngoại ngày càng hung hăng vô lối và thủ đoạn áp bức [nhân quyền] của ĐCSTQ ở Tân Cương và Hồng Kông. Chúng ta phải bảo vệ các giá trị và lợi ích của mình bằng cách giành quyền tự chủ chiến lược của EU trong các lĩnh vực như thương mại, kỹ thuật số và an ninh cũng như quốc phòng”.

Theo Lâm Nghiên, Epoch Times

Xem thêm: