Nghị viện Lithuania hôm thứ Năm (20/5, giờ địa phương) đã thông qua nghị quyết mô tả cách chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối xử với người Duy Ngô Nhĩ là “diệt chủng”. Nghị quyết cũng kêu gọi Liên Hiệp Quốc điều tra các trại tập trung Tân Cương và yêu cầu Ủy ban châu Âu đánh giá lại mối quan hệ với Bắc Kinh.

Embed from Getty Images

Nghị quyết không ràng buộc nhận được sự ủng hộ của 3/5 thành viên Nghị viện Lithuania và được thông qua với 86 phiếu ủng hộ, 1 phiếu phản đối và 7 phiếu trắng.

Cả Thủ tướng Ingrida Simonyte và Ngoại trưởng Gabrielius Landsbergis đều có mặt trong phiên bỏ phiếu tại Nghị viện, nhưng hai quan chức hành pháp này không tham gia bỏ phiếu.

Nghị quyết được Nghị viện Lithuania thông qua cũng đã lên án mạnh mẽ chế độ ĐCSTQ vi phạm nhân quyền có hệ thống và phạm tội ác chống lại nhân loại, theo hãng tin LRT.

Nghị quyết cũng kêu gọi chế độ ĐCSTQ phải “chấm dứt ngay lập tức hành vi thu hoạch nội tạng bất hợp pháp từ các tù nhân lương tâm, thả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm tại Trung Quốc, trong đó có các thành viên của phong trào tinh thần Pháp Luân Công”, cũng theo LRT.

Nghị quyết cũng thúc giục chế độ ĐCSTQ phải bãi bỏ luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông và cho phép các quan sát viên quốc tế vào Tây Tạng, cũng như bắt đầu đàm phán với lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, Đức Dalai Lama.

Chúng tôi ủng hộ nền dân chủ, bởi vì chúng tôi không bao giờ quên bài học tàn ác khi sống dưới sự chiếm đóng của chế độ cộng sản trong 50 năm”, nhà lập pháp Dovile Sakaliene nói. Bà Dovile Sakaliene là người bảo trợ nghị quyết và đã bị chế độ Trung Quốc liệt vào danh sách đen.

Lithuania đã từng bị chế độ cộng sản Liên Xô chiếm đóng và đàn áp từ năm 1940 đến năm 1991. Hiện nay, Lithuania là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Khối Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Lithuania thường đóng vai trò nổi bật trong việc thúc đẩy phương Tây thực thi các biện pháp ngoại giao cứng rắn hơn đối với Nga và các quốc gia cộng sản như Trung Quốc.

Vào tháng Ba, Lithuania cho biết họ sẽ mở văn phòng đại diện thương mại tại Đài Loan. Nếu động thái này được thực thi, chắc chắn sẽ kích hoạt sự giận dữ của chế độ ĐCSTQ vốn luôn coi quốc đảo Đài Loan dân chủ là lãnh thổ ngoài khơi xa của họ.

Chính quyền Trump và chính quyền Biden tại Mỹ đều đã sử dụng thuật ngữ “diệt chủng” để mô tả các hành động của chế độ ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ. Nghị viện của một số quốc gia, trong đó có Anh Quốc và Canada, cũng đã liệt chế độ ĐCSTQ phạm tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ. Bắc Kinh phủ nhận việc lạm dụng các cộng đồng thiểu số và lên án các nước sử dụng thuật ngữ “diệt chủng” để nói về tình hình Tân Cương.

Các nhóm nhân quyền, các nhà nghiên cứu và những người Tân Cương đào thoát được ra nước ngoài, cùng một số nhà lập pháp phương Tây nói rằng các nhà chức trách tại Tân Cương đã giam giữ tùy tiện khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên của các nhóm thiểu số Hồi giáo khác trong một mạng lưới các trại tập trung từ năm 2016.

Chế độ ĐCSTQ ban đầu đã bác bỏ sự tồn tại của các trại tập trung, nhưng sau đó đã nói rằng đó là các trung tâm đào tạo nghề được lập ra để đấu tranh với chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Như Ngọc 

Xem thêm: