Nghiên cứu về 1.000 nhà máy sản xuất quần áo cho thấy một số công ty thời trang đang có những hành động “không công bằng” đối với công nhân, bao gồm H&M, Lidl và GAP.

Embed from Getty Images

Theo một nghiên cứu được công bố hôm thứ Tư, các thương hiệu thời trang quốc tế lớn, bao gồm Zara, H&M và GAP đang bóc lột công nhân ngành may mặc Bangladesh, như việc trả cho các nhà cung cấp dưới giá thành sản xuất.

Nghiên cứu khảo sát 1.000 nhà máy ở Bangladesh sản xuất hàng may mặc cho các thương hiệu và nhà bán lẻ toàn cầu trong thời kỳ đại dịch COVID cho thấy nhiều nhà máy được trả mức giá như nhau bất chấp đại dịch toàn cầu và chi phí gia tăng.

Theo một nghiên cứu được công bố bởi Đại học Aberdeen và nhóm vận động Transform Trade, hơn một nửa số nhà máy sản xuất quần áo đã trải qua ít nhất một trong các trường hợp sau: bị hủy đơn hàng, từ chối thanh toán, giảm giá hoặc thanh toán chậm cho hàng hóa.

Nghiên cứu cho thấy: “Các hoạt động giao dịch không công bằng như vậy đã ảnh hưởng đến hoạt động tuyển dụng của các nhà cung cấp, dẫn đến việc thay thế công nhân, mất việc làm và giảm lương”.

Trong số 1.138 thương hiệu/nhà bán lẻ có tên trong nghiên cứu, 37% được báo cáo là có hành vi không công bằng, bao gồm Inditex của Zara, H&M, Lidl, GAP, New Yorker, Primark, Next và những thương hiệu khác.

Nghiên cứu cũng cho thấy cứ 5 nhà máy thì có 1 nhà máy phải vật lộn để trả mức lương tối thiểu theo luật định kể từ khi họ mở cửa trở lại sau đợt phong tỏa vào tháng 3 và tháng 4 năm 2020.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng một số công ty yêu cầu giảm giá đối với quần áo được đặt hàng trước khi đại dịch bắt đầu vào tháng 3 năm 2020, trong khi một số công ty khác từ chối giảm giá, bất chấp chi phí tăng cao và lạm phát tràn lan.

Báo cáo cũng bao gồm các phản hồi của một số công ty.

Inditex cho biết họ đã “đảm bảo thanh toán cho tất cả các đơn hàng đã được đặt và đang trong quá trình sản xuất, đồng thời làm việc với các tổ chức tài chính để tạo điều kiện cung cấp các khoản vay cho các nhà cung cấp với các điều khoản có lợi”.

Chuỗi siêu thị Lidl của Đức cho biết họ rất coi trọng “các cáo buộc”, đồng thời nói thêm rằng họ “chịu trách nhiệm đối với người lao động ở Bangladesh và các quốc gia khác, nơi các nhà cung cấp của chúng tôi sản xuất nghiêm túc và cam kết đảm bảo rằng các tiêu chuẩn xã hội cốt lõi được tuân thủ trong toàn bộ chuỗi cung ứng”.

Primark cho biết, do đại dịch, họ đã đưa ra “quyết định vô cùng khó khăn vào tháng 3 năm 2020 là hủy bỏ tất cả các đơn đặt hàng chưa được bàn giao”.

Nghiên cứu khuyến nghị thành lập một cơ quan giám sát thời trang giúp hạn chế các hành vi không công bằng bằng cách đảm bảo rằng “người mua/nhà bán lẻ không thể đổ những rủi ro không tương xứng và không phù hợp lên các nhà cung cấp của họ và rằng các nhà bán lẻ và thương hiệu tuân thủ các tiêu chuẩn của hoạt động thương mại công bằng”.

Vào tháng 8, ngành may mặc của Bangladesh đã phải đối mặt với khó khăn kép do nhu cầu toàn cầu chậm lại và cuộc khủng hoảng năng lượng trong nước đe dọa cản trở sự phục hồi sau đại dịch của quốc gia.

Tình trạng bóc lột công nhân và các tiêu chuẩn an toàn lao động kém đã được đề cập đến sau vụ sập khu phức hợp Rana Plaza năm 2013 khiến hơn 1.100 công nhân may thiệt mạng. Đây sự cố chết chóc nhất trong lịch sử ngành may mặc.

Liên minh châu Âu đã cảnh báo người tiêu dùng ngừng sử dụng quần áo của họ như những món đồ vứt đi và cho biết họ có kế hoạch chống lại việc sử dụng thời trang nhanh gây ô nhiễm môi trường.

Nhật Minh (t/h)