Theo tờ Telegraph đưa tin vào ngày 26/3, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết lệnh trừng phạt áp đặt lên các doanh nghiệp và cá nhân tại Nga có thể được dỡ bỏ nếu Nga rút khỏi Ukraine và cam kết chấm dứt hành động gây hấn.

Embed from Getty Images

Anh và các quốc gia phương Tây khác đang sử dụng những biện pháp chế tài để làm tê liệt nền kinh tế Nga cũng như trừng phạt Tổng thống Vladimir Putin vì đã xâm lược Ukraine, hy vọng ép ông Putin từ bỏ cái mà ông gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” nhằm phi quân sự hóa và “phi phát-xít hóa” Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn với Telegraph, Ngoại trưởng Truss đã đưa ra khả năng chấm dứt các biện pháp trừng phạt nếu Moscow thay đổi hướng đi.

Bà Truss phát biểu: “Những gì chúng tôi biết là Nga đã ký nhiều thỏa thuận mà họ chỉ đơn giản là không tuân thủ. Vì vậy, cần phải có các đòn bẩy cứng rắn. Tất nhiên, các lệnh trừng phạt là đòn bẩy cứng rắn.”

“Các biện pháp trừng phạt chỉ nên chấm dứt khi [Nga] ngừng bắn và rút lui hoàn toàn, đồng thời cam kết sẽ không có hành động gây hấn nào nữa. Và các lệnh trừng phạt này cũng có thể được phục hồi nhanh chóng nếu [Nga] có thêm hành động gây hấn trong tương lai. Đó là một đòn bẩy thực sự mà tôi nghĩ rằng có thể hữu dụng.”

Chính phủ Anh cho biết họ đã chế tài các ngân hàng Nga có tổng tài sản 500 tỷ bảng Anh, các nhà tài phiệt và các thành viên trong gia đình với giá trị tài sản ròng hơn 150 tỷ bảng Anh.

Bà Truss cũng cho rằng cuộc khủng hoảng đã kéo Anh và Liên minh châu Âu xích lại gần nhau hơn sau khi mối quan hệ trở nên căng thẳng từ đợt Brexit.

“Một trong những điểm tôi muốn nói về cuộc khủng hoảng này là chúng tôi đã làm việc rất, rất chặt chẽ với Liên minh châu Âu (EU)”, bà nói.

“Tất nhiên, có một số lĩnh vực mà chúng tôi không đồng nhất với EU. Nhưng về cơ bản, chúng tôi đều là các quốc gia dân chủ, chúng tôi đều tin tưởng vào tự do và quyền của người dân khi lựa chọn chính phủ của riêng mình và chúng tôi rất đoàn kết trong cuộc chiến.”

Vy An