Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp nói rằng các vụ lừa đảo tại Campuchia là di sản của “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” của chính quyền Bắc Kinh.

p2842371a793052452
Ngày 20/8, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp đã nói rằng các vụ lừa đảo ở Campuchia là di sản của “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” của chính quyền Bắc Kinh. (Ảnh: CNA)

Tờ Thời báo Tự do của Đài Loan đưa tin, vào ngày 20/8, trước khi tham dự “Lễ hội mùa hè trái cây Đài Loan – Nhật Bản”, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp đã nhận lời phỏng vấn chung với giới truyền thông. Đối với các vụ án lừa đảo liên quan đến Campuchia, ông Ngô Chiêu Nhiếp cho biết Viện Hành chính (cơ quan hành pháp) đã thành lập một nhóm chuyên án nhắm vào nhóm lừa đảo tại Campuchia. Bộ ngoại giao cũng phối hợp toàn lực với Viện Hành chính về vấn đề này, yêu cầu văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam, Thái Lan cần phải thành lập tiểu tổ chuyên án liên quan đến các vụ lừa đảo Campuchia, đồng thời duy trì quan hệ hợp tác với các quốc gia khác.

Trước tuyên bố của chính quyền Bắc Kinh rằng họ sẵn sàng giúp đỡ, ông Ngô Chiêu Nhiếp hồi đáp rằng các vụ lừa đảo ở Campuchia là di sản của “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” của chính quyền Bắc Kinh, vốn đã khiến người Đài Loan phải chịu nạn ở nước ngoài. Do đó, các tuyên bố có liên quan của chính quyền Bắc Kinh đang gây tranh cãi.

Theo “Báo cáo buôn bán người” (Trafficking in Persons Report, TIP report) hàng năm do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố, các nhóm tội phạm người Trung Quốc ở Campuchia lừa người lao động nước ngoài vào nước này để thực hiện các hoạt động tội phạm lừa đảo liên lạc viễn thông. Báo cáo đã xếp Campuchia đứng thứ 3 trong danh sách theo dõi về nạn buôn người tồi tệ, việc này đã gây ra sự bất mãn mạnh mẽ đối với Chính phủ Campuchia.

Ngày 18/8, Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho biết Đại sứ quán và Lãnh sự quán của nước này tại Campuchia đã liên lạc và phối hợp với Chính phủ Campuchia, để tìm kiếm và giải cứu nạn nhân của các vụ lừa đảo.

Hãng tin BBC của Anh trích dẫn một bình luận cho biết, trong nhiều năm, Chính phủ Campuchia đã thực hiện cái gọi là chính sách “một Trung Quốc” của ĐCSTQ, dẫn đến việc Đài Loan không thể đặt văn phòng đại diện ở nước này, do đó cũng làm tăng thêm độ khó trong việc giúp đỡ nạn nhân người Đài Loan trong các vụ lừa đảo.

Trích dẫn số liệu thống kê từ Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM, Việt Nam, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết từ ngày 21/6 đến ngày 10/8, có tổng số 222 người Đài Loan bị hạn chế quyền tự do cá nhân khi làm việc tại Campuchia. Thành phố cảng Sihanoukville ở phía nam Campuchia có khả năng là nơi ở của nạn nhân người Đài Loan.

Ông Lý Cường (Li Qiang), người sáng lập tổ chức “Quan sát lao động Trung Quốc” (China Labour Watch), từ lâu đã lo ngại về các vấn đề như nhân quyền lao động của người Hoa ở nước ngoài. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông, ông cho biết phần lớn nạn nhân của vụ lừa đảo ở Campuchia là đến từ Trung Quốc Đại Lục, và hàng chục công ty lừa đảo đang tham gia vào các hoạt động tội phạm như vậy ở mỗi một khu công nghiệp trong nhiều khu vực phát triển kinh tế của Campuchia. Khoảng 5% nạn nhân đến từ Đài Loan, đặc biệt là sau khi bùng phát dịch virus corona mới, hiện tượng người Đài Loan bị lừa trở lên nghiêm trọng hơn.

Ông Lý Cường nói: “Bởi vì sau khi Trung Quốc Đại Lục đóng cửa (vì dịch bệnh) nhiều người không thể ra nước ngoài, và các nhóm lừa đảo bắt đầu nhắm vào người Đài Loan. Người Đài Loan vẫn có thể vào Campuchia tự do”. “Thủ đoạn lừa đảo của họ là ‘người lừa người’, đầu tiên là lừa một người Đài Loan đến, sau đó thông qua người Đài Loan này để tiếp tục lừa những người Đài Loan khác đến. Vì vậy, đây giống như phương thức quả cầu tuyết đang lăn.”