Ngày 14/5, sau cuộc họp G7, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock khẳng định giá lương thực tăng vọt trên toàn thế giới hiện nay chính là kết quả của việc Nga theo đuổi chiến lược chiến tranh hỗn hợp.

Embed from Getty Images

Tuy nhiên, Moscow ngay lập tức đáp trả bằng cách đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra hiện tượng tăng giá đột biến này.

Bộ trưởng Đức nhấn mạnh: “Nga đã cố ý trong việc biến cuộc chiến chống Ukraine thành một cuộc chiến ‘ngũ cốc’.” Bà cáo buộc, tình trạng này ảnh hưởng đến một loạt các quốc gia, đặc biệt là các nước ở châu Phi.

“Có một mối đe dọa hiện hữu của nạn đói nghiêm trọng,” bà Baerbock nhận định, đồng thời cảnh báo: “Chúng ta không được ngây thơ về điều này. Đó không phải thiệt hại phái sinh, mà là một công cụ hoàn toàn có chủ ý trong một cuộc chiến hỗn hợp hiện đang được tiến hành.”

Bà cho hay, các nước G7 muốn tìm kiếm những cách thay thế để vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine ra ngoài.

Hồi đầu tuần, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đăng tweet: “Trong khi Ukraine từng xuất khẩu tới 5 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng, các chuyến hàng đã bị dừng lại do Điện Kremlin phong tỏa các cảng của Ukraine.” Washington tuyên bố, những hành động như vậy khiến “hàng triệu người đối mặt nguy cơ xảy ra nạn đói”.

Ukraine hiện không thể xuất khẩu khoảng 90 triệu tấn nông sản do Nga đã phong tỏa các cảng của Ukraine, Thủ tướng Denys Shmygal phát biểu với truyền thông địa phương. Nước này sản xuất một phần đáng kể lương thực thế giới – khoảng 27% hạt hướng dương, 5% lúa mạch, 3% lúa mì và hạt cải dầu, và 2% ngô.

Nga cũng là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Mặc dù có khả năng xuất khẩu ngũ cốc nhưng nước này cũng phải đối mặt với các vấn đề do các lệnh trừng phạt liên tiếp.

Đáp lại bình luận của ngoại trưởng Đức,  Moscow cáo buộc phương Tây đã gây ra sự tăng vọt về giá lương thực. “Giá lương thực tăng do các lệnh trừng phạt tập thể phương Tây tập thể dưới áp lực của Hoa Kỳ,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova viết trên kênh Telegram của mình.

Kể từ khi các lực lượng Moscow xâm lược, Ukraine đã phải xuất khẩu ngũ cốc bằng tàu hỏa qua biên giới phía Tây hoặc từ các cảng sông Danube nhỏ thay vì đường biển. Tuy nhiên, nhiều báo cáo cho thấy, các toa xe chở ngũ cốc đã phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như gặp phải lực lượng Nga trên đường vận chuyển, cũng như thách thức về hậu cần cùng tình trạng thiếu lao động và toa tàu.

Một mối quan ngại khác là một số kho trữ ngũ cốc có thể đã bị phá hủy trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra.

Ông Josef Schmidhuber, Phó Chủ tịch FAO phụ trách mảng thị trường và thương mại, phát biểu trong một cuộc họp báo ở Geneva hôm 6/5: “Vào lúc này chúng tôi thấy một tình huống oái oăm ở Ukraine, gần 25 triệu tấn ngũ cốc sẵn sàng cho xuất khẩu nhưng không thể rời khỏi đất nước chỉ vì thiếu cơ sở hạ tầng và các cảng bị phong tỏa.”

Ông Schmidhuber nhận định, việc ngũ cốc bị chặn xuất khẩu có thể dẫn đến tình trạng thiếu kho dự trữ trong vụ thu hoạch tiếp theo vào tháng 7 và tháng 8, đặc biệt nếu các cảng ở Biển Đen vẫn bị lực lượng Nga phong tỏa.

Nhật Minh (Theo T/h)