Bộ trưởng Ngoại giao Iran hôm Chủ nhật (2/5) đã xin lỗi vì những bình luận của ông vào tuần trước bị rò rỉ ra công chúng, bao gồm đánh giá cá nhân về cuộc tranh giành quyền lực của đất nước, trong đó có cả phần liên quan đến cựu Ngoại trưởng John Kerry. Những bình luận này đã trở thành “scandal chính trị” ở Iran khi chỉ chưa đầy hai tháng nữa đất nước này sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống. 

Embed from Getty Images

(Ảnh: Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif)

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif là gương mặt đại diện cho nền ngoại giao Iran trong một loạt vấn đề, bao gồm các cuộc đàm phán với các cường quốc thế giới về cách hồi sinh Hiệp định hạt nhân năm 2015 của Iran mà Washington đã từ bỏ ba năm trước.

Các đoạn ghi âm bị rò rỉ của ông Zarif bao gồm những bình luận thẳng thắn của ông về cố tướng quyền lực Qassem Soleimani, người đã bị giết bởi trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Iraq vào năm ngoái; cũng như những lời than phiền về các chính sách của ông ở Syria và mối quan hệ của ông với Nga.

Sử dụng ngôn ngữ hiếm khi được nghe thấy trong chính trị ở Iran, ông Zarif đã phàn nàn về mức độ ảnh hưởng của tướng Soleimani – cố lãnh đạo Lực lượng Quds bí mật ở nước ngoài của Lực lượng Vệ binh, đối với chính sách đối ngoại. Ông ám chỉ rằng tướng Soleimani đã cố gắng làm hỏng thỏa thuận hạt nhân năm 2015 bằng cách thông đồng với Nga.

Trong đoạn băng dài 7 tiếng đồng hồ, có thể thấy nhiều thời điểm, ông Zarif dường như rất căng thẳng. Các bình luận bị rò rỉ của ông Zarif sau đó đã gây ra tranh cãi dữ dội ở Iran.

“Tôi hy vọng rằng những người dân vĩ đại của Iran và tất cả những người yêu mến tướng (Soleimani) và đặc biệt là đại gia đình của Soleimani, sẽ tha thứ cho tôi”, ông Zarif nói trong một bài đăng trên Instagram.

Không chỉ Iran, đoạn băng còn gây ra cú sốc đối với chính trường Mỹ, khi ông Zarif nói rằng ông John Kerry khi còn làm Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã thông tin cho ông về hơn 200 hoạt động của Israel tại Syria.

Trước đây, ông Kerry đã từng nói ông đã gặp ông Zarif ít nhất hai lần trong thời điểm ông Donald Trump đứng đầu Nhà Trắng. Tổng thống Trump khi đó đã nói rằng ông Kerry nên bị “truy tố”.

Nhiều thành viên Đảng Cộng hòa đã gọi việc ông Kerry tiết lộ thông tin cho ngoại trưởng Iran là phản bội lại Israel – đồng minh quan trọng của Mỹ tại Trung Đông. Một số thành viên Đảng Cộng hòa thậm chí đã kêu gọi ông Kerry từ chức đặc sứ của tổng thống Biden về khí hậu.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz cho biết trong một tuyên bố trên Daily Wire rằng: “Nếu băng ghi âm được xác minh, điều này sẽ đánh dấu cho hành vi liều lĩnh mang tính thảm họa và mất tư cách của Đặc sứ Kerry đối với Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif, làm nguy hại đến an toàn của người Mỹ và đồng minh của chúng ta. Và điều này phù hợp với mô thức trao quyền lực cho chính quyền Iran trong thời gian dài của ông ta. Ông Kerry đã rót hàng trăm tỷ USD vào tài khoản ngân hàng khủng bố của chế độ Ayatollah [Iran], trong thời kỳ ông Obama làm Tổng thống, [Kerry] là bạn thân tình với ông Mohammad Javad Zarif. Trong thời kỳ chính quyền Trump, ông Kerry nhiều lần bị bắt gặp đã gặp mặt ông Mohammad Javad Zarif (bất chấp Đạo luật Logan) – và  chưa bao giờ công khai rằng họ đã thảo luận những gì.”

Ông Kerry sau đó đã lên tiếng phủ nhận những cáo buộc về việc ông khi còn tại nhiệm vai trò Ngoại trưởng Mỹ đã thông tin cho ngoại trưởng Iran về hoạt động của quân đội Israel tại Syria. 

Trong một bài phát biểu được phát sóng vào Chủ nhật sau đó, nhà lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei đã xuất hiện và tỏ ra tức giận trước vụ việc, mặc dù ông không gọi thẳng tên ông Zarif.

“Đó là một sai lầm lớn mà một quan chức của Cộng hòa Hồi giáo không thể mắc phải”, ông Khamenei nói, liên hệ đến những bình luận bị rò rỉ. “Một số nhận xét được nghe từ miệng các quan chức thật đáng tiếc và đáng ngạc nhiên.”

Ông nói thêm: “Một số bình luận này là sự lặp lại những gì kẻ thù của Iran nói.”

“Không nơi nào trên thế giới mà Bộ ngoại giao quyết định chính sách đối ngoại. Có những quan chức cấp cao hơn đưa ra quyết định và chính sách. Tất nhiên, Bộ ngoại giao cũng tham gia.”

Trong những tuần gần đây, nhiều suy đoán đã dấy lên rằng ông Zarif, quan chức Iran được cho là gắn bó mật thiết nhất với Thỏa thuận hạt nhân hiện đã bị hủy bỏ, sẽ thách thức các đối thủ khác trong cuộc bỏ phiếu sắp tới. 

Một số nhà phê bình cho rằng những bình luận của ông Zarif trong đoạn băng là nhằm thu hút phiếu bầu từ những người Iran đang vỡ mộng vì nền kinh tế đình trệ và thiếu các quyền tự do chính trị và xã hội.

Tuy vậy, ông Zarif nói rằng ông không có ý định tranh cử.

Iran đã áp đặt lệnh cấm đi lại đối với 15 người vì bị cáo buộc liên quan đến đoạn ghi âm bị rò rỉ.

Lê Vy (t/h)

Xem thêm: