Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng về khả năng Chủ tịch Hạ viện Mỹ McCarthy thăm Đài Loan, tờ Financial Times của Anh ngày 2/2 đã đưa tin rằng Ngoại trưởng Mỹ Blinken sẽ gặp lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc tuần này. Chuyến đi khiến ông trở thành quan chức cấp Bộ trưởng đầu tiên trong nội các của Tổng thống Biden đến thăm Bắc Kinh.

shutterstock 2232963845
Ngày 30/11/2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tổ chức họp báo vào cuối cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao NATO tại Bucharest. (Ảnh: roibu / Shutterstock)

Hãng truyền thông Mỹ Politico trước đó đã đưa tin rằng ông Blinken ​​(Antony Blinken) sẽ đến thăm Trung Quốc vào ngày 5 và 6/2. Nhiều nguồn thạo tin nói với Financial Times rằng ông Blinken sẽ gặp ôngTập Cận Bình. Trước chuyến thăm của ông Blinken, vào tháng 11 năm ngoái tại Bali – Indonesia, ông Biden và ông Tập Cận Bình đã đồng ý rằng họ nên tìm cách ổn định mối quan hệ đầy biến động giữa Mỹ và Trung Quốc. Vào tháng trước tại Zurich – Thụy Sĩ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, người dự kiến ​​sẽ thăm Bắc Kinh sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken, đã hội đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.

Các cuộc đàm phán trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Blinken dự kiến ​​sẽ đề cập đến các vấn đề như chiến tranh Nga-Ukraine, Đài Loan, sự phát triển nhanh chóng lực lượng hạt nhân của Bắc Kinh, vấn đề xuất khẩu công nghệ cao, và nhân quyền. Ông Blinken cũng sẽ gặp ông Vương Nghị hiện trong vai trò Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại của ĐCSTQ và tân Ngoại trưởng ĐCSTQ Tần Cương.

Trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times, học giả Dennis Wilder từng là chuyên gia cấp cao về các vấn đề Đông Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (thời chính quyền Tổng thống Bush) cho biết, “Kể từ khi kết thúc chính sách ‘Zero COVID’ thảm hại, rõ ràng ông Tập đang tung ra thế trận trong đó có mục tiêu để thuyết phục các công ty Mỹ không chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc”.

Các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nước (G20) tại New Delhi vào tháng 9 năm nay, sau đó là chuyến thăm Mỹ của các bộ trưởng Trung Quốc trước cuộc họp không chính thức vào tháng 11 tại California (Mỹ) của các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Chuyên gia: Không kỳ vọng có gì đột phá

Một số chuyên gia không lạc quan rằng chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Blinken sẽ đạt được bước đột phá gì lớn. Kenneth Lieberthal – chuyên gia nổi tiếng về các vấn đề Trung Quốc là cựu giám đốc và thành viên cấp cao của Trung tâm Trung Quốc Thornton tại Viện Brookings, nói với VOA rằng mục đích chuyến thăm của ông Blinken là tìm kiếm đồng thuận từ cuộc gặp Biden – Tập Cận Bình tại cuộc gặp ở Bali, chủ yếu liên quan đến việc ngăn chặn mối quan hệ đang xấu đi bùng phát thành xung đột. Tuy nhiên ông Kenneth Lieberthal dự đoán sẽ không có bước đột phá lớn từ chuyến thăm.

Jude Blanchette, giám đốc Nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS – một tổ chức nghiên cứu chính sách của Washington, cũng cho rằng không nên quá kỳ vọng vào chuyến đi của ông Blinken. Vào ngày 30/1, bà nói rằng chuyến thăm Trung Quốc của ông Blinken nhằm “Thúc đẩy việc tái thiết nền tảng của mối quan hệ Mỹ-Trung, đồng thời thiết lập một số thủ tục và cơ chế để có thể xử lý một số căng thẳng trong mối quan hệ hai bên hiện nay”.

Craig Singleton, một nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại Tổ chức Bảo vệ Dân chủ (Foundation for Defense of Democracies) – một tổ chức tư vấn phi đảng phái, cho biết Trung Quốc dường như đang phát động “thế công uy lực mềm” (charm offensive) vào Mỹ. “Thế công uy lực mềm tạm thời của chính phủ Trung Quốc dường như tập trung vào vấn đề tấn công của Mỹ đối với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, qua đó đặt nền móng để kích thích nền kinh tế sau khi cơn sóng thần COVID-19 hiện tại lắng xuống”, ông viết trong một e-mail phản hồi Đài VOA Mỹ.

Tờ Politico đưa tin chuyến thăm Trung Quốc của ông Blinken diễn ra vào thời điểm Mỹ và Trung Quốc ngày càng đối đầu gay hơn về các vấn đề như Đài Loan, thương mại, nhân quyền…

Trở ngại đầu tiên mà hai bên sẽ phải đối mặt tiếp theo là chuyến thăm Đài Loan vào mùa xuân của tân Chủ tịch Hạ viện McCarthy, cho đến nay hai bên đều tỏ thái độ cứng rắn đối với việc này, phía Trung Quốc nhấn mạnh không nên đụng đến “lằn ranh đỏ Đài Loan”, ông McCarthy đáp lại rằng ĐCSTQ không có quyền quyết định ông sẽ đi đâu khi nào.

Cựu giám đốc Kenneth Lieberthal của Văn phòng châu Á – Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cũng chia sẻ ông không kỳ vọng quan hệ Mỹ – Trung sẽ cải thiện vào năm 2023.

Cựu Ngoại trưởng Pompeo phát biểu qua video: Xung khắc Mỹ – Trung Quốc là về ý thức hệ

Ngay trước chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Blinken, vào ngày 2/2 người tiền nhiệm Pompeo của ông Blinken đã có phát biểu qua video nhấn mạnh rằng tranh chấp Mỹ – Trung là vấn đề hệ thống chính trị và vấn đề ý thức hệ, và Mỹ phải coi trọng mối đe dọa của ĐCSTQ.

Ông nói:

-“Phương Tây đã không quan tâm đầy đủ đến ý thức hệ cộng sản trong một thời gian khá dài. Chúng ta đã không lắng nghe cẩn thận các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ khi họ nói về ý định của họ”.

-“Vài năm trước khi ông Tập Cận Bình chủ trì hội nghị kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Marx, ông ấy đã thể hiện rất kín kẽ. Dưới chế độ ĐCSTQ, người dân Trung Quốc không thực sự có quyền tư hữu. Trung Quốc không có xã hội dân sự. Ngược lại Chính phủ Trung Quốc coi người dân là tài sản của đất nước. Người Mỹ vẫn gọi ông Tập Cận Bình là ‘Chủ tịch’ (President) – giống như thể ông được bầu một cách dân chủ như bà Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan. Nhưng chức danh quan trọng nhất của ông Tập là Tổng Bí thư ĐCSTQ. Người Trung Quốc sống trong điều kiện đó là thực tế họ phải chịu. Chúng ta hiểu rằng Tư tưởng Tập Cận Bình chỉ là một bản cập nhật công nghệ cao của phần mềm cộng sản cũ”.

-“Vì vậy, người Mỹ cần có niềm tin vào các giá trị phổ quát mà chúng ta đã sử dụng để đánh bại chủ nghĩa cộng sản. Chúng ta cần thúc đẩy phổ biến các giá trị phổ quát này cho các thế hệ sau. Chúng ta cần tìm kiếm [giao lưu] với Trung Quốc một cách bình đẳng và minh bạch trong mọi vấn đề từ công nghệ đến thương mại. Đây không chỉ là cuộc cạnh tranh kinh tế, công nghệ hay thậm chí quân sự, mà vấn đề quan trọng là tranh chấp về tư tưởng”.

Cựu Ngoại trưởng kết thúc bài phát biểu bằng câu “Chúng ta sẽ thắng, người dân Mỹ và người dân Trung Quốc sẽ được hưởng lợi nhiều hơn vì điều đó”.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Pompeo hiện là cố vấn cho Trung tâm Trung Quốc của Viện Hudson (Mỹ).