Sau khi kết thúc chuyến thăm Bắc Hàn lần thứ ba, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định rằng ông sẽ tiếp tục theo đuổi các cuộc đàm phán để gỡ bỏ hoàn toàn hạt nhân khỏi bán đảo Triều Tiên, sau khi có các báo cáo rằng Bình Nhưỡng lên án ông nói chuyện kiểu “du côn” khi ở Bình Nhưỡng.

Embed from Getty Images

Cuộc họp báo chung của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Ngoại trưởng Nhật Taro Kono và Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha tại Tokyo, Nhật Bản hôm chủ Nhật 8/7

Từ Tokyo, sau khi gặp mặt giới chức Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Pompeo cho hay ông tin rằng lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un sẽ giữ cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân mà ông này đã hứa với Tổng thống Mỹ Donald Trump sau hội nghị thượng đỉnh Singapore tháng trước.

Khi chúng tôi nói chuyện với họ về phi hạt nhân hóa, họ không phản đối”, Pompeo nói trong cuộc họp báo sau chuyến thăm hai ngày ở Bình Nhưỡng. “Con đường phía trước còn khó khăn và thách thức và chúng tôi biết những người phản đối sẽ cố gắng thu nhỏ thành quả mà chúng tôi đã đạt được”.

Nhiều nhà lập pháp Mỹ tỏ ra lo ngại về việc Bắc Hàn dùng từ ngữ gay gắt với Mỹ và thúc giục chính quyền Trump tiếp tục gây áp lực lên Bình Nhưỡng. Nghị sĩ Joni Ernst, thành viên của Ủy ban Vũ trang, cho rằng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn nên sớm được phục hồi nếu đàm phán có vấn đề.

Ngoại trưởng Mỹ tiết lộ mặc dù ông thấy có tiến triển tại Bình Nhưỡng, Mỹ sẽ không nới lỏng các chế tài hiện tại lên Bắc Hàn hoặc thay đổi cam kết bảo vệ đồng minh Nhật và Hàn Quốc.

Ông cũng nhận định rằng những lời của Bắc Hàn “đưa chúng ta tới một tình huống nguy hiểm mà ý chí không thể lung lay về phi hạt nhân hóa của chúng ta bị tác động, thay vì họ củng cố niềm tin”.

Ông Pompeo cũng không được gặp mặt trực tiếp Kim Jong Un như hai chuyến thăm trước đó tới Bình Nhưỡng.

Tuyên bố gọi Mỹ hành xử như “du côn” được truyền đi bởi kênh thông tấn nhà nước KCNA hôm thứ Bảy, ngay sau khi ông Pompeo rời Bình Nhưỡng. Phát ngôn này làm dấy lên lo ngại về triển vọng của các cuộc đàm phán sắp tới, khi mà ông và chính quyền Trump phải thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân có thể đe dọa an ninh Mỹ. 

Đó là một lời sỉ nhục tương đối nghiêm trọng đối với Pompeo”, cựu đại sứ Hàn Quốc Christopher Hill, và nhà đàm phán quan trọng với Bắc Hàn nói.

Tại Singapore ngày 12/6, Kim Jong Un ký vào cam kết chung trong đó nói sẽ “làm việc hướng tới phi hạt nhân hóa”, nhưng không nêu rõ chi tiết về thời gian và quá trình. Ông Trump đồng ý đảm bảo an ninh cho Bắc Hàn và ngừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc.

Phát ngôn mới nhất của KCNA là một lời nhắc cho chính quyền Trump rằng về những thách thức mà các tổng thống trước đã gặp phải khi đối mặt với Bắc Hàn.

“Tôi nghĩ rằng đây là một khởi đầu khá tệ, nhưng không có nghĩa là nó đã kết thúc”, ông Hill nói.

“Hầu hết thời gian bạn sẽ trở lại mà không được gì. Hầu hết là bạn sẽ phải trở lại tay không”, ông Hill nhắc nhở về bản chất của các cuộc đàm phán với Bắc Hàn là rất khó khăn.

Một số giới chức Mỹ cho rằng Trung Quốc đứng sau sự thay đổi thái độ đột ngột của Bắc Hàn.

“Tôi thấy bàn tay Trung Quốc ở đây”, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham nói. Ông cho rằng Trung Quốc đang “giật dây” Bắc Hàn bởi vì tranh chấp thương mại Mỹ-Trung đang căng thẳng.

Nhà phân tích Richard Haas, chủ tịch Hội đồng Đối Ngoại cho rằng có nguy cơ quân sự bùng phát bởi vì ông Trump có thể nghĩ rằng ông ấy đã cố gắng dùng biện pháp ngoại giao nhưng bị Kim Jong Un phản bội.

Theo hình mẫu Việt Nam

Sau khi rời Bình Nhưỡng, ông Pomeo đã bay tới Việt Nam, địa điểm Đông Nam Á duy nhất trong chuyến công du 7 ngày của mình. Từ Hà Nội, ông Pompeo thúc giục Bắc Hàn hãy đi theo hình mẫu Việt Nam, từ bỏ thù địch và mở cửa với Mỹ:

“Trước sự thịnh vượng và mối quan hệ đối tác tưởng chừng không thể xảy ra mà chúng tôi đang có với Việt Nam ngày hôm nay, tôi có một thông điệp với Chủ tịch Kim Jong Un: Tổng thống Donald Trump tin rằng nước ông có thể tái tạo lại con đường này [của Việt Nam]. Nó sẽ là của ông nếu ông nắm lấy cơ hội này. Phép màu này có thể là của ông; nó cũng có thể là phép màu của ông ở Bắc Hàn”.

Tiếp tục gây áp lực

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha nói rằng Hàn Quốc không cho rằng Mỹ đã “mềm tay” đối với các đòi hỏi lên Bắc Hàn như một số chính trị gia và nhà phân tích Mỹ chỉ ra.

“Việc Ngoại trưởng Pompeo tới thăm Bình Nhưỡng lần này là bước đi đầu tiên”, bà Kang nói. “Chúng tôi kỳ vọng việc này sẽ được tiếp tục bởi các cuộc đàm phán có hiệu quả và mang tính xây dựng”.

Sau khi gặp Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono, ông Pompeo nói rằng ông sẽ thảo luận vấn đề liên minh với Nhật Bản và duy trì “áp lực tối đa” lên Bắc hàn.

Pompeo nói ông đã thúc giục Bắc Hàn giữ lời hứa là phá hủy một cơ sở thử động cơ tên lửa, đồng thời chuyến thăm của ông đã đạt được một thỏa thuận là hình thành một nhóm làm việc để giám sát các tác động qua lại giữa Mỹ và Bắc Hàn.

Trọng Đức (T/h)

Xem thêm: