Trong cuộc họp báo hôm 22/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên án Trung Quốc lợi dụng sự mất tập trung của cộng đồng quốc tế trong thời gian đại dịch để bắt nạt các nước láng giềng ở biển Đông.

Embed from Getty Images

Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tiếp tục bày tỏ quan ngại về việc Bắc Kinh che giấu dịch virus corona thời gian đầu, đồng thời và cáo buộc Trung Quốc đã lợi dụng đại dịch để bắt nạt các nước láng giềng trong buổi họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 22/4.

“Tổng Giám đốc WHO đã thất bại trong vai trò của mình”

Chính quyền Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích việc Trung Quốc xử lý dịch Viêm phổi Vũ Hán, đại dịch đã khiến hơn 180.000 người trên thế giới thiệt mạng, trong đó có hơn 45.000  người ở Mỹ. 

Ông Pompeo nói rằng Hoa Kỳ tin chắc về việc Bắc Kinh đã không báo cáo sự bùng phát của dịch bệnh kịp thời, vi phạm các quy tắc của Tổ chức Y tế Thế giới, cũng như lờ đi về việc virus có thể truyền từ người sang người “trong vòng một tháng cho đến khi nó xuất hiện ở mọi tỉnh thuộc Trung Quốc.”

Ông Pompeo cũng cho biết Trung Quốc đã dừng thử nghiệm các mẫu virus mới, phá hủy các mẫu hiện có, và không chia sẻ các mẫu với cộng đồng quốc tế, khiến thế giới “không thể theo dõi tiến triển của dịch bệnh.”

Ngay cả sau khi Bắc Kinh thông báo cho WHO về sự bùng phát, ông Pompeo nói, “họ không chia sẻ tất cả thông tin mà họ có, thay vào đó, họ tìm cách che đậy về mức độ nguy hiểm của căn bệnh.”

Tổng thống Donald Trump tuần trước đã đình chỉ tài trợ của Hoa Kỳ cho WHO, cáo buộc cơ quan của Liên Hợp Quốc vào hùa với Trung Quốc đưa những thông tin sai lệch về vụ dịch. 

Ông Pompeo cho biết Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom đã thất bại trong vai trò của mình, trong đó có việc không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn được giám sát trong các phòng thí nghiệm virus học ở Vũ Hán.  

Ông cũng không loại trừ khả năng virus corona chủng mới đã rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, tiếp tục yêu cầu chính quyền Trung Quốc để cho các thanh sát viên vào phòng thí nghiệm Vũ Hán. 

Chính quyền Trump đang yêu cầu điều tra và cải tổ WHO

Mỹ lên án Trung Quốc bắt nạt các nước láng giềng ở biển Đông

Thời gian gần đây, Trung Quốc đã tăng cường hiện diện quân sự, tập trận rầm rộ, ngang ngược đưa ra tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở biển Đông. Hôm 2/4, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam đang hoạt động trên vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, sau đó tố cáo tàu cá Việt Nam tự đâm vào tàu Trung Quốc rồi chìm. 

Ngoại trưởng Pompeo đã lên án Trung Quốc lợi dụng việc thế giới tập trung đối phó với đại dịch để tiến hành các hành vi khiêu khích làm xói mòn quyền tự trị ở Hồng Kông, gây áp lực quân sự lên Đài Loan và bắt nạt các nước láng giềng ở biển Đông. 

“Hoa Kỳ phản đối mạnh mẽ hành vi bắt nạt của Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng các quốc gia khác sẽ buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm trước hành vi này,” ông nói.

Sau đó, trong cuộc họp trực tuyến sáng 23/4 với các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ tiếp tục nhắc lại quan ngại về các động thái của Trung Quốc, “từ đơn phương tuyên bố lập các quận hành chính quản lý các đảo và khu vực hàng hải tranh chấp trên Biển Đông, hành động đâm chìm tàu cá Việt Nam đầu tháng này, và ‘các trạm nghiên cứu’ trên Đá Chữ Thập và Đá Subi”.

Ngoại trưởng Mỹ đề cập thêm tình trạng Trung Quốc tiếp tục triển khai dân quân biển xung quanh quần đảo Trường Sa và điều động đội tàu có sự tham gia của tàu thăm dò Hải dương Địa chất 8 (HD-8) đến khu vực ngoài khơi Malaysia.

Ngoài ra, ông Pompeo cũng bày tỏ quan ngại về việc một nghiên cứu gần đây cho thấy Trung Quốc cố tình giữ lại lượng lớn nước ở các đập thuỷ điện ở thượng nguồn sông Mekong, khiến cho các quốc gia ở hạ nguồn con sông chịu tình trạng hạn hán nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới đời sống của khoảng 60 triệu người phụ thuộc vào sông Mekong.

Ngoại trưởng Mỹ đã lên án các hành động của Trung Quốc đã đe dọa an ninh năng lượng khu vực và làm phương hại đến thị trường năng lượng, đồng thời đề nghị Trung Quốc “chấm dứt kiểu hành xử bắt nạt và kiềm chế hành vi khiêu khích và gây bất ổn”.

Lê Vy (t/h)

Xem thêm: