Hôm thứ Hai (3/5) hai nhà ngoại giao hàng đầu của G7 cho biết, tổ chức gồm 7 quốc gia dân chủ phương tây này đang nỗ lực lôi kéo các đồng minh mới để đối phó với những thách thức từ Trung Quốc và Nga mà không cần phải kiềm chế Bắc Kinh, đồng thời muốn theo đuổi mối quan hệ ổn định hơn với Điện Kremlin.

Embed from Getty Images

Trước thềm cuộc họp trực tiếp đầu tiên của các ngoại trưởng G7 kể từ năm 2019, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tìm cách thúc đẩy thông điệp về chủ nghĩa đa phương sau bốn năm ngoại giao “nước Mỹ trên hết” dưới thời Tổng thống Donald Trump. 

Được thành lập vào năm 1975 như là một diễn đàn dành cho các quốc gia giàu có nhất của phương Tây thảo luận về các cuộc khủng hoảng, chẳng hạn như lệnh cấm vận dầu mỏ của OPEC, tuần này tổ chức G7 đang thảo luận về Trung Quốc và Nga cũng như việc chống lại đại dịch COVID-19 và việc phổ cập biến đổi khí hậu.

Ông Blinken nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo cùng với Ngoại trưởng Anh Dominic Raab: “Mục đích của chúng tôi không phải là ngăn chặn hay kiềm chế Trung Quốc.”

Ông khẳng định phương Tây sẽ bảo vệ “trật tự dựa trên các quy tắc quốc tế” trước các nỗ lực lật đổ [trật tự này] của bất kỳ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc.

Sự trỗi dậy ngoạn mục về kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong 40 năm qua được xem là một trong những sự kiện địa chính trị quan trọng nhất trong thời gian gần đây, cùng với sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 vốn đã đưa đến kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Các nhà ngoại giao G7 muốn cho thế giới biết phương Tây sẽ tự bảo vệ mình. Ông Raab đã nói về việc xây dựng các liên minh thay vì phá bỏ chúng.

Ông Raab cho hay: “Tôi nhận thấy [có] sự đòi hỏi và nhu cầu ngày càng tăng về các nhóm linh hoạt gồm các quốc gia cùng chí hướng chia sẻ các giá trị giống nhau và muốn bảo vệ hệ thống đa phương. Chúng ta có thể nhận thấy một sự thay đổi hướng đến mô hình các nhóm gồm các quốc gia cùng chí hướng có đủ linh hoạt để hợp tác với nhau.”

Ngay cả khi không mở rộng liên minh, G7 vẫn có sức mạnh và ảnh hưởng rất lớn: kết hợp lại thì tổ chức này lớn hơn rất nhiều so với Trung Quốc cả về kinh tế và quân sự.

Các quy tắc về Moscow

Về lâu dài, cả Mỹ và các nước châu Âu đều có những lo ngại sâu sắc về việc phương Tây nên hành động như thế nào đối với cả Bắc Kinh và Moscow

Ông Blinken nhấn mạnh Hoa Kỳ muốn quan hệ ổn định hơn với Nga. Nhưng điều đó phụ thuộc rất nhiều vào việc Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định hành động như thế nào, đặc biệt tại các điểm nóng nhạy cảm như Ukraine mà ông Blinken sẽ đến thăm vào cuối tuần này.

Ông Blinken nói: “Chúng tôi đã tái khẳng định sự ủng hộ kiên định của chúng tôi đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.”

“Chúng tôi không muốn leo thang: chúng tôi muốn có một mối quan hệ ổn định hơn, dễ đoán hơn. Và nếu Nga đi theo hướng đó, chúng tôi cũng vậy.”

Hôm Chủ nhật (2/5) ông Raab cho biết, G7 sẽ xem xét đề xuất xây dựng một cơ chế phản ứng nhanh để đối phó với thông tin sai lệch của Nga, đồng thời khi đề cập đến Trung Quốc, ông đã nói về sự cần thiết phải ủng hộ các thị trường mở và dân chủ.

Ngoài các thành viên G7 như Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Hoa Kỳ, Anh cũng mời ngoại trưởng của Úc, Ấn Độ, Nam Phi và Hàn Quốc đến dự cuộc họp.

Các ngoại trưởng G7 sẽ thực hiện một số việc cần thiết chuẩn bị trước cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên đã lên kế hoạch của Tổng thống Mỹ Biden kể từ nhậm chức: hội nghị thượng đỉnh G7 tại Anh vào tháng tới.

Gia Huy (Theo Reuters)

Xem thêm: