Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong dịp Đại hội Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm thứ Sáu (23/9). Trọng tâm của cuộc đàm phán là hòa bình trên eo biển Đài Loan.

Blinken wangyi
Ông Blinken (phải) và ông Vương Nghị. (Ảnh chụp màn hình video)

Kể từ tháng Tám, quan hệ Mỹ-Trung Quốc lại leo thang căng thẳng do một loạt sự kiện, bao gồm chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan, tuyên bố rõ ràng của Tổng thống Biden để bảo vệ Đài Loan, và việc Quốc hội Mỹ đang thúc đẩy việc thông qua Đạo luật Chính sách Đài Loan để tăng cường quan hệ Mỹ-Đài Loan.

Ông Blinken: Điều quan trọng là duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu rằng ông Blinken và ông Vương Nghị đã thảo luận về “sự cần thiết của hai nước để duy trì các kênh liên lạc cởi mở và quản lý mối quan hệ Mỹ-Trung một cách có trách nhiệm, đặc biệt là trong thời điểm căng thẳng”.

“Ông Blinken nhấn mạnh rằng Mỹ cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, nhất quán với chính sách một Trung Quốc lâu nay của chúng tôi”, tuyên bố cho biết. “Ngoại trưởng nhấn mạnh rằng duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là rất quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng của khu vực và toàn cầu”.

Reuters đưa tin, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói với các phóng viên sau cuộc gặp giữa hai vị Ngoại trưởng rằng họ đã có cuộc gặp “trực tiếp và trung thực” kéo dài 90 phút với trọng tâm là vấn đề Đài Loan.

“Ngoại trưởng đã nói rõ rằng chính sách một Trung Quốc lâu nay của chúng tôi không thay đổi, và việc duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan là hoàn toàn và cực kỳ quan trọng”, quan chức này nói.

Trong một tuyên bố của Văn phòng Người phát ngôn Đại sứ quán và Lãnh sự quán Mỹ tại Trung Quốc cho biết rằng cuộc gặp là “một bước trong nỗ lực không ngừng của chúng tôi nhằm duy trì các đường dây liên lạc cởi mở và quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm”.

Theo thông tin do Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc đăng tải, ông Vương Nghị chỉ trích Mỹ “thúc đẩy cái gọi là ‘Đài Loan nhằm kiểm soát Trung Quốc’, thậm chí còn công khai tuyên bố sẽ giúp bảo vệ Đài Loan, như vậy là gửi tín hiệu rất sai lầm và nguy hiểm”. Ông Vương Nghị cũng nhấn mạnh vấn đề Đài Loan là công việc nội bộ của Trung Quốc, Mỹ không có quyền can thiệp.

Về vấn đề Ukraine

Trong một tuyên bố Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Blinken cũng nhắc lại việc Mỹ lên án cuộc chiến của Nga xâm lược Ukraine, và nhấn mạnh điều đó sẽ có ý nghĩa gì nếu Trung Quốc ủng hộ cuộc xâm lược của Moscow vào một quốc gia có chủ quyền.

Tuyên bố cho biết thêm rằng ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh “Mỹ vẫn sẵn sàng hợp tác ở những nơi mà Mỹ có lợi ích chung”.

Trong khi đó bản tin của Tân Hoa Xã đề cập rằng ông Vương Nghị và ông Blinken đã trao đổi quan điểm về tình hình Ukraine, hai bên đồng ý tiếp tục duy trì liên lạc.

Diễn biến liên quan

Theo Reuters, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết hôm thứ Sáu rằng Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ thảo luận về an ninh Đài Loan trong các cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc vào tuần tới.

Quan chức này cho biết: “Chúng tôi luôn đảm bảo nhất quán cao với các đối tác, đây sẽ là cơ hội để Phó Tổng thống thảo luận với các nhà lãnh đạo của Nhật Bản và Hàn Quốc về những phát triển gần đây và chặng đường phía trước”.

Quan chức này cho biết bà Harris sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Hành trình của bà Harris sẽ bao gồm các điểm dừng ở Tokyo và Seoul. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc đang cảnh giác trước những căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh.

Mức độ “nhạy cảm” chưa có dấu hiệu lắng xuống

Vài ngày trước cuộc hội đàm giữa ông Blinken và ông Vương Nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rõ trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “60 Minutes” của đài CBS, rằng quân đội Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành một cuộc xâm lược Đài Loan chưa từng có tiền lệ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối rằng những phát biểu trên “đã gửi một tín hiệu sai lầm nghiêm trọng” tới các lực lượng ly khai đòi độc lập cho Đài Loan.

Reuters cho biết phát biểu của ông Biden là minh chứng mới nhất về việc ông dường như phá vỡ chính sách “mơ hồ chiến lược” của Mỹ đối với Đài Loan. Mặc dù Nhà Trắng cho biết chính sách của họ đối với Đài Loan không thay đổi, nhưng cho đến nay phát biểu của Tổng thống Biden là rõ ràng nhất về việc Mỹ sẵn sàng gửi quân đội đến bảo vệ Đài Loan.

Vào đầu tháng Tám, sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan thì nhà chức trách Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật ở 6 vùng biển xung quanh Đài Loan, làm gia tăng căng thẳng trên eo biển Đài Loan cũng như giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ngoài ra vào ngày 14/9, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Chính sách Đài Loan năm 2022 (Taiwan Policy Act of 2022) với số phiếu áp đảo 17:5. Bước tiếp theo sẽ được Thượng viện bỏ phiếu thông qua. Dự luật nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ cung cấp cho Đài Loan đối xử bình đẳng “với các đồng minh lớn không thuộc NATO” trong vấn đề viện trợ nước ngoài và các ưu đãi xuất khẩu vũ khí. Dự luật còn cung cấp viện trợ quân sự không hoàn lại cho Đài Loan, đến năm thứ 5 số tiền tăng thêm 2 tỷ USD.

Dự luật đề cập đến các biện pháp trừng phạt nếu ĐCSTQ “leo thang hành động xâm lược quy mô lớn đối với Đài Loan, bao gồm các hoạt động quân sự công khai hoặc bí mật”.

Tại New York hôm thứ Năm (22/9), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với Hiệp hội châu Á (Asia Society) rằng “Đạo luật Chính sách Đài Loan năm 2022” về cơ bản thách thức sự ổn định của quan hệ Mỹ-Trung. Vấn đề Đài Loan ngày càng trở thành nguy cơ lớn nhất trong quan hệ Mỹ-Trung, nếu không xử lý tốt vấn đề này thì rất dễ xảy ra hậu quả mang tính đảo lộn.

Về vấn đề này, giám đốc Robert Daly của Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ (Kissinger Institute on China and the United States) là cựu quan chức ngoại giao tại Đại sứ quán Mỹ ở Trung Quốc, nói với tờ Nikkei của Nhật Bản rằng nếu “Đạo luật Chính sách Đài Loan năm 2022” cuối cùng trở thành luật thì đó sẽ là kết thúc chính sách “một Trung Quốc”. Ông nói: “Không rõ liệu Trung Quốc và Mỹ có thể tìm được nền tảng mới cho quan hệ ngoại giao bình thường hay không”.

Trong khi đó Phó chủ tịch Daniel Russel phụ trách vấn đề đối ngoại và an ninh quốc tế tại Viện Nghiên cứu Chính sách Hiệp hội châu Á (Asia Society Policy Institute) cho hay, do Trung Quốc và Mỹ tồn tại vấn đề kinh tế và các vấn đề liên quan khác, “các nhà lãnh đạo của cả hai bên đều không muốn xảy ra xung đột, nhưng đồng thời cả hai bên tự nhận thấy họ không thể cho phép thể hiện hình ảnh bản thân nhu nhược”.