Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Bảy (9/1, giờ Mỹ) đã loan báo rằng Washington sẽ bãi bỏ tất cả “các hạn chế tự thiết lập” trong việc liên lạc với các quan chức Đài Loan. Động thái này sẽ đặt nền tảng cho các mối quan hệ gần gũi hơn nữa giữa Washington và Đài Bắc.

Embed from Getty Images

Ông Pompeo nói rằng Bộ Ngoại giao Mỹ trước đây đã tạo ra những hạn chế phức tạp liên quan đến các liên lạc giữa Mỹ và Đài Loan. Ông cho biết những hạn chế này đã được thực hiện để nhượng bộ chế độ Cộng sản tại Bắc Kinh.

Theo tuyên bố phát đi hôm 9/1, Ngoại trưởng Mỹ đã ra lệnh gỡ bỏ “những hạn chế nội bộ phức tạp” kéo dài nhiều thập kỷ qua, những thủ tục này đã quy định cách thức tương tác của các nhà ngoại giao, quan chức quân đội và những quan chức Mỹ khác với các đối tác Đài Loan.

Chính phủ Mỹ đã thực hiện những hành động này một cách đơn phương, trong một nỗ lực nhằm nhượng bộ chế độ Cộng sản tại Bắc Kinh. Đủ rồi”, ông Pompeo tuyên bố.

Ngoại trưởng Mỹ ra lệnh cho các cơ quan hành pháp phải coi những gì được gọi là “các hướng dẫn liên lạc” với Đài Loan đã được Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành trước đây là không còn giá trị nữa. 

Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng vẫn duy trì các mối quan hệ không chính thức với quốc đảo tự trị này theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan (TRA) 1979.

TRA cho phép Mỹ cung cấp cho Đài Loan thiết bị quân sự để quốc đảo này tự vệ và thiết lập một tổ chức phi lợi nhuận, được gọi là Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT), tại thủ đô Đài Bắc. AIT bây giờ có chức năng như một đại sứ quan danh nghĩa của Mỹ tại Đài Loan. 

Ông Pompeo cũng ra lệnh rằng các mối quan hệ của nhánh hành pháp Mỹ với Đài Loan sẽ được xử lý ở một đầu mối duy nhất là AIT.

Ngoại trưởng khẳng định Mỹ vẫn duy trì các mối quan hệ với các đối tác không chính thức trên khắp thế giới, và Đài Loan không phải là ngoại lệ.

Hai nền dân chủ chúng ta chia sẻ những giá trị chung về tự do cá nhân, pháp quyền, và tôn trọng phẩm giá con người”, ông Pompeo nói. “Tuyên bố hôm nay công nhận rằng mối quan hệ Mỹ – Đài Loan không cần thiết, và không nên bị trói buộc bởi những hạn chế về thủ tục hành chính cố định mà chúng ta tự đặt ra”.

Theo The Epoch Times, Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Washington DC – đại sứ quán danh nghĩa của Đài Loan tại Mỹ – đã phát đi tuyên bố hoan nghênh hành động của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói rằng nó phản ánh “sức mạnh và chiều sâu” của mối quan hệ đôi bên. 

Tuyên bố nêu trên nhấn mạnh: “Chúng tôi mong chờ mở rộng quan hệ đối tác Đài Loan – Mỹ trong các tháng và năm sắp tới”.

Dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump gần 4 năm qua, Washington đã nỗ lực làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Đài Bắc. Năm ngoái, chính quyền Trump đã phê duyệt nhiều gói vũ khí bán cho Đài Loan và đã gia tăng can dự vào quốc đảo này.

Ngoại trưởng Pompeo trong một tweet đăng hôm 7/1 đã nói: “Chúng tôi đã đang sát cánh với những người bạn của mình tại Đài Loan. Hơn 3 năm qua, Chính quyền Trump đã phê duyệt hơn 15 tỷ USD các gói vũ khí bán cho Đài Loan. Chính quyền Obama thì sao? 14 tỷ USD gói bán vũ khí [cho Đài Loan] trong hơn 8 năm”.

Vũ khí của Mỹ là rất quan trọng với Đài Loan trong bối cảnh quốc đảo này phải đối mặt với mâu thuẫn ngày càng leo thang trong khu vực. Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, phi cơ Trung Quốc đã xâm phạm vào không phận Đài Loan khoảng 380 lần trong năm 2020 và quân đội Trung Quốc Cộng sản đã đang tiếp tục thực hiện những hành động xâm phạm lãnh thổ như vậy ít nhất 6 lần trong năm 2021 này.

Chính quyền Trump cũng tìm cách củng cố trao đổi ngoại giao song phương với Đài Loan. Hôm thứ Năm tuần này, Washington đã loan báo rằng Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Kelly Craft sẽ đến thăm Đài Loan trong ba ngày từ ngày 13/1. 

Đây là quan chức Mỹ cấp cao thứ ba tới thăm Đài Loan trong chưa đầy sáu tháng qua. Trước đó, Bộ trưởng Y tế Alex Azar đã thăm quốc đảo dân chủ hồi tháng 8/2020 và một tháng sau đó là chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Keith Krach.

Trong khi đó, chế độ Trung Quốc Cộng sản luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ và chưa bao giờ loại trừ khả năng sẽ sáp nhập hòn đảo này về dưới sự cai trị của Bắc Kinh, kể cả phải dùng vũ lực. 

Ngoài đe dọa quân sự, Bắc Kinh cũng đã đang gia tăng sử dụng các ‘đòn đánh’ ngoại giao để ngăn chặn Đài Loan gia nhập mọi tổ chức quốc tế mà yêu cầu thành viên chính thức phải có địa vị quốc gia độc lập. 

Xuân Thành

Xem thêm: