Ngôi sao Kanter của Hiệp hội bóng rổ chuyên nghiệp Hoa Kỳ NBA đã phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công trên mạng xã hội Trung Quốc và đối mặt với nguy cơ bị kiểm duyệt ở nước này sau tuyên bố “Tây Tạng tự do” vào hôm 20/10. Tuy nhiên, hai ngày sau, Kanter đã lại tiếp tục chỉ trích, đồng thời còn kêu gọi các nhà lãnh đạo và vận động viên Hồi giáo vạch trần cuộc bức hại nhân quyền này của ĐCSTQ. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng về sự việc.

Enes Kanter
Ngôi sao Enes Kanter của Hiệp hội bóng rổ chuyên nghiệp Hoa Kỳ NBA (Ảnh Twitter của Enes Kanter).

Sau video đầu tiên vào hôm thứ Tư, bước sang thứ Sáu (ngày 22/10), cầu thủ trung tâm của Boston Celtics là Enes Kanter đã đăng một video khác trên Twitter:

Nội dung tweet: “Nhà độc tài tàn nhẫn của Trung Quốc – TẬP CẬN BÌNH và ĐCSTQ. Tôi lên án các người trước toàn thế giới. Hãy đóng cửa các trại lao động nô lệ và trả tự do cho người Duy Ngô Nhĩ! Hãy lập tức ngừng diệt chủng!”

Chiếc áo phông mà Kanter mặc trong video mới này có in dòng chữ “Hãy trả lại tự do cho người Duy Ngô Nhĩ”.

Anh nói: “Ngay khi tôi nói điều này, tra tấn, hãm hiếp, cưỡng bức phá thai, triệt sản, ly tán gia đình, giam giữ tùy tiện, trại tập trung, cải tạo chính trị, lao động cưỡng bức… Tất cả những điều này cũng đang xảy ra với hơn 1,8 triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, tây bắc Trung Quốc.” 

“Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) đã và đang thực hiện các biện pháp toàn diện để đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, chỉ vì họ tin vào tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử và bản sắc của riêng họ. Vùng đất của người Duy Ngô Nhĩ đã trở thành một khu vực giám sát và nhà tù lộ thiên, không có tự do.” Kanter đã nói trong video.

Anh nói rằng chính quyền Trung Quốc đã đẩy người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan, người Tajik và các nhóm Hồi giáo khác đến các trại tập trung chỉ vì họ xin hộ chiếu, gửi tin nhắn văn bản cho ai đó ở nước ngoài hoặc tin tưởng vào bất cứ điều gì không phù hợp với tuyên bố và chương trình nghị sự của ĐCSTQ.

Kanter cũng đề cập đến một số nhà lãnh đạo Trung Đông cũng như các vận động viên Hồi giáo hiện tại và trước đây, những người vẫn luôn giữ im lặng về cách ĐCSTQ đối xử với người Duy Ngô Nhĩ.

Trong một video dài gần 3 phút được phát hành vào hôm thứ Tư (ngày 20/10), Kanter đã công khai gọi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “nhà độc tài tàn bạo”. Đồng thời để thể hiện sự ủng hộ đối với Tây Tạng, Kanter đã mặc một chiếc áo phông có in hình Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong của nước này.

Kanter nói trong video: “Hệ tư tưởng cộng sản tại Trung Quốc chỉ mới được khoảng 100 năm nhưng triết lý và văn minh nhà Phật đã tồn tại hàng ngàn năm. Chỉ có người Tây Tạng mới quyết định tương lai của Tây Tạng.”

Anh nói trong một tweet khác: “Tôi ở đây để nói lên tiếng nói của mình và kể những gì đã xảy ra ở Tây Tạng. Dưới sự cai trị tàn bạo của chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ), người dân Tây Tạng đã bị tước đoạt các quyền và tự do cơ bản của họ.”

Video của Kanter đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ người hâm mộ Trung Quốc trên mạng xã hội, một số người thậm chí thề rằng sẽ ngừng xem NBA. Một tài khoản người hâm mộ Celtic với hơn 600.000 người tham gia đã tuyên bố rằng sẽ không tiết lộ thêm thông tin nào về đội sau khi Kanter đưa ra tuyên bố. Đến chiều thứ Năm, kết quả tìm kiếm Kanter trên Weibo đã bị lọc.

Tencent đã bất ngờ cắt phát sóng trực tiếp trận khai mạc của Celtics với New York Knicks diễn ra và buổi tối cùng ngày Kanter đăng tải video.

Trên phần mềm ứng dụng thể thao của Tencent, các trận đấu NBA tiếp theo được đánh dấu là có chương trình phát sóng trực tiếp, nhưng ngoại trừ các trận đấu của Boston Celtics và Philadelphia 76ers, các trận đấu của họ sẽ được báo cáo qua văn bản và hình ảnh.

Hôm thứ Năm (ngày 21/1), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng những lời nói và hành động của Kanter “chỉ để thu hút sự chú ý” và không đáng để đáp lại. Ông nói: “Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận những cuộc tấn công làm mất uy tín về sự phát triển và tiến bộ của Tây Tạng.”

Được biết, Kanter không phải là thành viên đầu tiên của NBA lên tiếng chỉ trích sự vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ. Trước đó, vào năm 2019, để bày tỏ sự xúc động về phong trào dân chủ ở Hồng Kông, tổng giám đốc Houston Rockets lúc bấy giờ là Daryl Morey đã đăng một bài đăng trên Twitter có các dòng chữ “Chiến đấu cho tự do”, “ủng hộ Hồng Kông”. Điều này đã làm dấy lên sự tức giận của cư dân mạng Trung Quốc. Ông Morey đã bị lên án và xúc phạm trên Internet và các phương tiện truyền thông Trung Quốc. NBA đã bị thiệt hại hàng trăm triệu USD, không chỉ việc phát sóng các trận đấu của NBA tại Trung Quốc gần như bị gián đoạn hoàn toàn mà các dự án hợp tác song phương cũng bị đình chỉ.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên tiếng

Hôm thứ Sáu (ngày 22/10), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc tẩy chay Celtics ở Trung Quốc. 

Reuters đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một e-mail, đề cập đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: “Hoa Kỳ vô cùng lo ngại trước các hành động của CHND Trung Hoa chống lại Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Hoa Kỳ vì những tuyên bố của một cầu thủ liên quan đến Tây Tạng.”

Người phát ngôn cho biết: “Chúng tôi coi trọng quyền tự do ngôn luận và ủng hộ bất kỳ ai thực hiện quyền đó”.

Hôm thứ Năm (ngày 21/10), đại diện của Pháp tại Liên Hợp Quốc đã đọc tuyên bố chung gồm 43 quốc gia yêu cầu Bắc Kinh cho phép các chuyên gia của Liên Hợp Quốc đến thăm Tân Cương mà không bị hạn chế để điều tra các cáo buộc về việc ĐCSTQ đàn áp tập thể tín ngưỡng tôn giáo và các dân tộc thiểu số. Tuyên bố kêu gọi ĐCSTQ tôn trọng pháp quyền và tuân thủ các nghĩa vụ của mình để bảo vệ nhân quyền.

Tuyên bố do Hoa Kỳ và nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Á ký cho biết, ngày càng có nhiều báo cáo cho thấy ĐCSTQ đã “vi phạm nhân quyền trên diện rộng và có hệ thống” ở khu vực địa phương, bao gồm tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt vô nhân đạo và hạ nhục, cưỡng bức triệt sản, bạo lực tình dục và ép buộc tách trẻ em khỏi gia đình, v.v. cũng như hạn chế nghiêm trọng đối với tín ngưỡng tôn giáo địa phương, đi lại, tự do hiệp hội và ngôn luận.

Trước đó, ngày 30/3, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố Báo cáo Nhân quyền Quốc gia năm 2020, lần đầu tiên kết luận rằng ĐCSTQ phạm tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người ở Tân Cương và lo ngại về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, các nhà hoạt động nhân quyền…

Mộc Lan (t/h)

Xem thêm: