Khi Taliban bước vào cửa ngõ Kabul, họ đang hứa hẹn về một kỷ nguyên hòa bình mới ở Afghanistan, với việc ân xá cho những người mà họ đã chiến đấu chống lại trong hai thập kỷ và nói rằng muốn cuộc sống trở lại bình thường.

Embed from Getty Images

Nhưng những người Afghanistan vẫn nhớ đến sự cai trị tàn bạo của Taliban trong các khu vực do các tay súng Hồi giáo kiểm soát trong những năm gần đây. Nhiều người đã bày tỏ sự lo ngại ngày càng tăng khi quân nổi dậy tràn ngập phần lớn đất nước trong khi các lực lượng quốc tế rút lui.

Các văn phòng chính phủ, cửa hàng và trường học vẫn bị đóng cửa tại các khu vực do Taliban chiếm giữ gần đây. Đã có những dấu hiệu cho thấy sự quay trở lại của chế độ Hồi giáo khắc nghiệt mà người Afghanistan đã phải chịu đựng trong giai đoạn 1996 đến năm 2001, trước khi Taliban bị Hoa Kỳ lật đổ sau vụ 11/9.

Nhiều người lo ngại Taliban sẽ lặp lại các chính sách hà khắc đối với phụ nữ và người dân tộc thiểu số, trong khi hạn chế hoạt động của các nhà báo và nhân viên tổ chức phi chính phủ. Sau 2001, nhiều người Afghanistan hy vọng sẽ xây dựng một nhà nước dân chủ, hiện đại, nhưng những giấc mơ này dường như đã tan biến trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Taliban.

Khi quân nổi dậy tiến vào thủ đô trong sáng sớm Chủ nhật, nhiều thanh niên trẻ tuổi đã vội về nhà thay quần jean, áo phông và mặc trang phục kamiz truyền thống của shalwar.

Một sinh viên tốt nghiệp đại học 25 tuổi làm việc cho một tổ chức phi chính phủ địa phương ở phía tây thành phố Herat, nơi đã rơi vào tay Taliban vào tuần trước, cho biết cô đã không rời nhà trong nhiều tuần vì giao tranh. Cô cho biết rất ít phụ nữ ra đường cho đến khi tình hình rõ ràng hơn, theo AP.

“Tôi không thể đối mặt với các chiến binh Taliban,” cô nói qua điện thoại với phóng viên AP từ Herat, yêu cầu không đưa tên của cô vì sợ bị trả thù. “Tôi không có cảm tình tốt về họ. Không ai có thể thay đổi lập trường của Taliban đối với phụ nữ và trẻ em gái, họ vẫn muốn phụ nữ ở nhà”.

Trước đó, cô đã lên kế hoạch bắt đầu chương trình thạc sĩ vào năm nay tại Đại học Herat, nơi phụ nữ chiếm hơn một nửa số sinh viên.

Cô nói: “Tôi không nghĩ mình lại sẵn sàng để mặc burqa,” đề cập đến áo choàng xanh toàn thân bị buộc phải mặc dưới sự cai trị của Taliban. “Tôi không thể chấp nhận nó. Tôi sẽ đấu tranh cho quyền lợi của mình, dù bất cứ điều gì xảy ra”.

Taliban đã đưa ra những tuyên bố nhằm trấn an người Afghanistan. Họ nói rằng sẽ không có các cuộc tấn công trả thù đối với những người làm việc cho chính phủ hoặc các dịch vụ an ninh của chính phủ, và “tính mạng, tài sản và danh dự” sẽ được tôn trọng. Taliban cũng đang kêu gọi người Afghanistan ở lại đất nước và cam kết tạo ra một “môi trường an toàn” cho các doanh nghiệp, đại sứ quán và các tổ chức từ thiện nước ngoài và địa phương.

Nhưng một số hành động của Taliban dường như lại gửi đi một thông điệp khác.

Tháng trước, sau khi chiếm được quận Malistan ở phía nam tỉnh Ghazni, các tay súng Taliban đã đi từng nhà để tìm kiếm những người từng làm việc với chính phủ, giết chết ít nhất 27 thường dân, làm bị thương 10 người khác và cướp phá nhà cửa, theo Ủy ban Nhân quyền Độc lập Afghanistan.

Sau khi chiếm được Herat, các chiến binh Taliban đã diễu hai người được cho là kẻ trộm trên đường phố với khuôn mặt bị bôi đen. Đó được coi là một lời cảnh báo, trong khi những người tái phạm có nguy cơ bị chặt tay. Taliban cũng được biết đến với việc ném đá đến chết những người bị tình nghi ngoại tình và thực hiện các vụ hành quyết công khai theo phiên bản khắc nghiệt của luật Hồi giáo.

Trong thời kỳ cai trị trước đó, Taliban cấm phụ nữ làm việc bên ngoài gia đình hoặc đi học. Phụ nữ bắt buộc phải mặc burqa và phải có người thân nam đi cùng mỗi khi họ ra ngoài.

Ngày nay, giới lãnh đạo Taliban cho biết họ sẽ cho phép phụ nữ đi học, nhưng các nhóm bảo vệ quyền lợi nói rằng điều này tùy thuộc vào các chỉ huy địa phương và chính cộng đồng nơi đó. 

Tuy vậy, một điều mà các nhà quan sát cho rằng Taliban sẽ thực thi, đó là không dung thứ cho bất đồng quan điểm.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết Taliban thường xuyên đe dọa và giam giữ các nhà báo, đặc biệt là phụ nữ và các phóng viên chỉ trích nhóm này. 

Vào thứ Sáu, Taliban chiếm giữ một đài phát thanh ở thành phố phía nam Kandahar và đổi tên nó thành Tiếng nói Sharia, hay luật Hồi giáo. Không rõ liệu quân nổi dậy có thanh trừng các nhân viên của đài phát thanh hay không. 

Taliban cũng đóng cửa một đài phát thanh ở tỉnh Helmand, miền nam nước này, nơi cung cấp các chương trình cho phụ nữ, nhưng quân nổi dậy cho biết đây là quyết định tạm thời.

Nỗi sợ hãi đang gia tăng đặc biệt trong cộng đồng dân tộc thiểu số Hazara và những người Hồi giáo dòng Shiite.

Trong những năm gần đây, các phần tử cực đoan người Sunni thuộc chi nhánh IS tại địa phương đã thực hiện một làn sóng tấn công kinh hoàng nhắm vào người Hazara. Một vụ tấn công vào một khu hộ sinh năm ngoái đã giết chết 24 người, bao gồm cả các bà mẹ và những đứa con sơ sinh của họ.

Taliban đã lên án các cuộc tấn công như vậy. Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu sau khi nắm quyền, Taliban có trừng trị những nhóm này hay không.

Xuân Lan (theo AP)

Xem thêm: