Những người phản đối chính quyền quân sự ở Myanmar đã công bố thành lập Chính phủ Thống nhất Quốc gia vào thứ Sáu (16/4) với mục đích chấm dứt chế độ quân sự và khôi phục nền dân chủ. Chính phủ Thống nhất bao gồm các thành viên Quốc hội bị lật đổ, các nhà lãnh đạo của các cuộc biểu tình chống đảo chính cùng các dân tộc thiểu số.

Embed from Getty Images

Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 lật đổ chính phủ dân sự do nhà đấu tranh dân chủ Aung San Suu Kyi lãnh đạo.

Kể từ đó, người dân Myanmar đã xuống đường mỗi ngày để yêu cầu khôi phục nền dân chủ, bất chấp các cuộc đàn áp của lực lượng an ninh đã khiến hơn 700 người thiệt mạng, theo nhóm giám sát AAPP.

Cùng với nỗ lực đình công và biểu tình, các nhà lãnh đạo chính trị bị lật độ của bà Suu Kyi đang cố gắng chứng minh cho người dân đất nước và thế giới bên ngoài thấy rằng họ mới thuộc về cơ quan chính trị hợp pháp chứ không phải các tướng lĩnh.

“Xin hãy hoan nghênh chính phủ của nhân dân”, nhà hoạt động dân chủ kỳ cựu Min Ko Naing nói trong một bài phát biểu video dài 10 phút thông báo về việc thành lập Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG).

Min Ko Naing cho biết ý chí của người dân là ưu tiên của Chính phủ Thống nhất.

Một trong những mục tiêu chính của Chính phủ Thống nhất là giành được sự ủng hộ và công nhận của quốc tế.

“Chúng tôi là những nhà lãnh đạo được bầu chọn một cách dân chủ của Myanmar”, Bộ trưởng Hợp tác quốc tế của Chính phủ Thống nhất – Tiến sĩ Sasa, nói.

“Vì vậy, nếu thế giới tự do và dân chủ từ chối chúng tôi, có nghĩa là họ từ chối dân chủ.”

Áp lực quốc tế đang gia tăng đối với quân đội Myanmar. Nhiều chính phủ phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt hạn chế, tuy vậy điều này dường như không ảnh hưởng đến các tướng lĩnh. 

Chính phủ Thống nhất đã công bố danh sách những người nắm giữ các chức vụ, bao gồm các thành viên dân tộc thiểu số và các nhà lãnh đạo biểu tình, nhấn mạnh sự thống nhất về mục đích giữa phong trào ủng hộ dân chủ và các cộng đồng thiểu số đòi quyền tự trị.

Bà Suu Kyi, người đã bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính, được đề cử làm Cố vấn nhà nước, chức vụ mà bà nắm giữ trong chính phủ đã bị lật đổ.

Một phát ngôn viên của các chính trị gia dân chủ cho biết trong khi họ không thể thông báo cho bà về chính phủ mới, anh chắc chắn rằng bà ấy biết những gì đang xảy ra.

Sasa nói với Reuters mục tiêu là chấm dứt bạo lực, khôi phục nền dân chủ và xây dựng một “liên minh dân chủ liên bang”. 

Các nhà lãnh đạo Chính phủ Thống nhất cho biết họ có ý định thành lập quân đội liên bang và đang đàm phán với các lực lượng dân tộc thiểu số.

Hội đồng Cố vấn Đặc biệt cho Myanmar, một nhóm các chuyên gia quốc tế bao gồm các cựu quan chức Liên Hợp Quốc, đã ca ngợi việc thành lập Chính phủ Thống nhất (NUG) là sự kiện lịch sử và nói rằng đây là chính phủ hợp pháp.

Một số video đăng trên Twitter cho thấy vào buổi tối tại Yangon, người dân đã vỗ tay vào cửa sổ và hô vang “Chính phủ của chúng ta”. Sau đó, âm thanh của vụ nổ và tiếng súng được nghe thấy tiếp theo.

Trong khi các chính trị gia công bố Chính phủ Thống nhất, những người khác phản đối chế độ quân sự vẫn tiếp tục đình công. 

Các đường phố của Yangon phần lớn vắng vẻ, người dân cho biết.

Quân đội đã công bố lệnh bắt giữ 20 bác sĩ vì tội “kích động bất đồng chính kiến ​​trong lực lượng vũ trang”. Chính quyền quân sự cũng đang truy nã hơn 200 người, bao gồm một số người nổi tiếng trên internet, diễn viên và ca sĩ, về cùng tội danh bị cáo buộc.

Trong một diễn biến khác, các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên, trong đó có Myanmar, sẽ gặp nhau tại Indonesia vào ngày 24/4 để thảo luận về tình hình, truyền thông Thái Lan và Indonesia đưa tin.

Lãnh đạo quân đội, Thống tướng Min Aung Hlaing, được cho là sẽ tham dự với tư cách là đại diện của Myanmar, theo một đài truyền hình Thái Lan. Tuy vậy, tờ Jakarta Post cho biết hiện vẫn chưa biết liệu Hội nghị thượng đỉnh này sẽ có đại diện của quân đội hay chính phủ cũ.

Ông Sasa thì cho rằng ASEAN không nên mời “kẻ sát nhân” Min Aung Hlaing.

Lê Xuân (theo Reuters)

Xem thêm: