Ngày 16/8 Reuters đưa tin, vào Chủ nhật hàng ngàn người Thái Lan đã biểu tình chống chính phủ ở Thủ đô Bangkok, họ hét vang khẩu hiệu “hạ bệ độc tài” và “đất nước thuộc về nhân dân”, đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất của Thái Lan kể từ khi quân đội tiến hành cuộc đảo chính vào năm 2014.

bieu tinh thai lan
Sinh viên và học sinh là động lực chính của làn sóng biểu tình đòi cải cách chính trị mới nhất ở Thái Lan (Ảnh: Youtube)

Tại đất nước Thái Lan trong khoảng một tháng vừa qua, hầu như ngày nào cũng có đông đảo sinh viên tổ chức biểu tình, các hoạt động gần đây dần được sự ủng hộ rộng rãi hơn, người biểu tình yêu cầu ông Prayuth Chan-ocha, cựu lãnh đạo chính phủ quân sự hiện là đương kim Thủ tướng Thái Lan phải từ chức, ban hành Hiến pháp mới và ngừng sách nhiễu những người bất đồng chính kiến.

Một số sinh viên thậm chí còn yêu cầu Hoàng gia thực hiện cải cách, một yêu cầu luôn được xem là vấn đề đặc biệt nhạy cảm ở Thái Lan.

Patsalawalee Tanakitwiboonpon, một sinh viên biểu tình 24 tuổi, đã hét lên trước đông đảo người biểu tình đang tụ tập trước Tượng đài Dân chủ (Democracy Monument) ở Bangkok: “Chúng tôi hy vọng rằng người dân có thể thông qua cuộc bầu cử mới để thành lập Quốc hội mới.” “Cuối cùng, ước mơ của chúng tôi là có một Hoàng gia tuân thủ Hiến pháp.”

Ông Prayuth đã chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi năm ngoái, tuy nhiên đối thủ của ông cho rằng cuộc bầu cử được tiến hành theo nhiều quy định khác nhau do Prayuth thiết lập để đảm bảo cho chính mình chiến thắng. Đảng đối lập thẳng thắn chống lại Prayuth bị cấm hoạt động.

Không chỉ vậy, điều khiến người dân giận dữ đối với Chính phủ Prayuth còn liên quan đến các cáo buộc tham nhũng của chính quyền, các vụ bắt giữ thủ lĩnh sinh viên biểu tình và sự suy giảm kinh tế do dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.

Các sinh viên trình lên Quốc vương Maha Vajiralongkorn 10 đề xuất cải cách, bao gồm hạn chế quyền lực của Hoàng gia cao hơn quyền lực Hiến pháp, hạn chế tài sản Hoàng gia và quyền kiểm soát của Hoàng gia đối với quân đội…

Tại Thái Lan có tội “xúc phạm quốc vương” (lese majeste) quy định rằng việc chỉ trích Hoàng gia có thể bị kết án tối đa 15 năm tù. Tuy nhiên Prayuth tuyên bố rằng hiện nay nhà vua yêu cầu không sử dụng luật này.

Cùng với đó, trong các cuộc biểu tình chống chính phủ gần đây cũng xuất hiện nhóm người theo chủ nghĩa bảo hoàng biểu tình, họ vẫy cờ tổ quốc và cầm chân dung của nhà vua cùng các thành viên Hoàng gia khác được đóng khung bằng vàng.

Sumet Trakulwoonnoo, lãnh đạo tổ chức phe bảo hoàng có tên “Trung tâm điều phối dạy nghề sinh viên bảo vệ quốc gia” (CVPI) cho biết: “Tôi không quan tâm đến các cuộc biểu tình của họ chống lại chính phủ, nhưng họ không thể động đến Hoàng gia”.

Trước khi nổ ra đảo chính quân sự năm 2014, tại Thái Lan thường xuyên xảy ra các cuộc đụng độ đẫm máu và bạo lực giữa phe bảo hoàng áo vàng và phe áo đỏ ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, gây ra tình trạng hỗn loạn chính trị ở Bangkok. Nhưng đến nay, làn sóng phản đối mới này chưa phát triển thành xung đột bạo lực.

Ueng Poontawee (62 tuổi) là cựu thành viên của phe áo đỏ cho biết: “Bây giờ tôi đã già, không còn có thể hoàn thành mục tiêu của mình. Nhưng với những gương mặt mới hiện nay, tôi rất vui vì họ đã dấn thân tiến lên”.

Trước đó đã có 3 thủ lĩnh sinh viên bị bắt vì cáo buộc tội vi phạm các hạn chế trong việc tổ chức làn sóng biểu tình. Hiện họ đã được tại ngoại, nhưng cảnh sát cho biết họ đã lại phải phát lệnh bắt giữ 12 người biểu tình khác.

Trong một diễn biến khác, tại Đài Bắc – Đài Loan có hàng chục người cũng tổ chức biểu tình nhằm hưởng ứng ủng hộ phong trào biểu tình ở Thái Lan.

Y Bình (theo VOA)

Tựa gốc: Hàng nghìn người biểu tình tụ tập trên đường phố Bangkok để gây áp lực buộc chính phủ cải cách Hoàng gia.