Nhiều người Đài Loan ở hải ngoại đang lo ngại xung đột quân sự, dù khó có khả năng xảy ra trong ngắn hạn, nhưng nguy cơ trong dài hạn là hoàn toàn có thể.

34609380 b244 11eb 93b7 03206dd91175 1320x770 204606
Thủy quân lục chiến sử dụng tàu đổ bộ trong cuộc tập trận trên đảo. Ảnh: Hải quân PLA

Như hầu hết người Đài Loan ở nước ngoài, Bryan Hsieh luôn theo dõi sát sao những diễn biến ở quê nhà và giám sát tình hình căng thẳng ngang eo biển Đài Loan. Ông cho rằng vấn đề đang ngày càng đáng lo ngại.

Nhà quản lý tiếp thị sản phẩm 46 tuổi, sống tại Fremont, California, nói rằng trong những năm gần đây có vô số xung nhiễu trong căng thẳng xuyên eo biển, nguy cơ xung đột xuất hiện này càng rõ nét hơn quanh thời điểm này. 

“Tình hình có vẻ nghiêm trọng hơn trước đây. Trong quá khứ, máy bay và tàu chiến quân sự Trung Quốc không [tiếp cận] Đài Loan thường xuyên đến vậy,” ông Hsieh nói, đề cập đến sự gia tăng các hoạt động quân sự trong vùng eo biển rộng 180km.

Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, máy bay của Quân đội giải phóng Nhân dân đã xâm phạm vùng nhận dạng phòng không của quốc đảo 107 lần trong tháng Tư, gấp đôi số lần trong tháng Ba và tháng Hai và cao hơn kỷ lục 81 lần trong tháng Một trước đó. 283 sự vụ xảy ra trong quý đầu năm nay đã bằng 75% tổng số vụ việc trong năm 2020. 

Tháng trước, người phát ngôn Văn phòng Liên lạc Đài Loan của Trung Quốc Ma Xiaoguang đã miêu tả các hoạt động gia tăng là những cuộc “luyện tập chiến đấu.”

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Bắc Kinh Wu Qian gần đây cho biết kể từ khi ông Joe Biden nhận nhiệm sở vào 20/1, hoạt động của hải quân Mỹ trong vùng biển Trung Quốc tiếp giáp với quốc đảo đã tăng 20% so với cùng thời điểm năm ngoái, trong khi tần suất các chuyến bay do thám tăng hơn 40%.

Hải quân Trung Quốc đại lục cho biết trong những tuần gần đây tàu sân bay đầu tiên Liaoning và các tàu hộ tống của nó đã tiến hành các cuộc tập trận định kỳ ở vùng biển gần Đài Loan. Họ cũng nói rằng những cuộc tập trận như vậy sẽ được tiến hành thường xuyên trong tương lai.

Eo biển Đài Loan ngày càng trở thành một điểm nóng chỉ chực bùng phát trong khu vực vì Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một tỉnh thuộc lãnh thổ Trung Quốc và sẽ thống nhất bằng vũ lực nếu cần thiết.

 

Jennifer Lin, giám đốc đầu tư người Đài Loan đang làm việc tại Bắc Kinh, không cho rằng sẽ sớm xảy ra một cuộc tấn công vì Trung Quốc đã quá bận rộn đối phó với những chỉ trích về chính sách của họ tại Hồng Kông và Tân Cương. Ngoài ra, Bắc Kinh còn tiến hành kỷ niệm lần thứ 100 ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc trong năm nay, và hướng tới Thế vận hội Mùa đông vào năm sau. 

“Tuy nhiên, điều cuối cùng Trung Quốc muốn là một cuộc xung đột quân sự tại Eo biển Đài Loan,” cô Lin nói.

 Khoảng 800.000 công dân Đài Loan hiện đang làm việc tại nước ngoài, theo Tổng cục Ngân sách, Kế toán và Thống kê của quốc đảo.

Wen-ti Sung, một giảng viên nghiên cứu Đài Loan tại Đại học Quốc gia Úc, nói rằng sự đe dọa của quân đội Trung Quốc gần eo biển Đài Loan là “một diễn biến mới, tùy thuộc vào thời điểm xem xét trong lịch sử.”  

Ông nói rằng ngoại trừ những hành động quân sự gia tăng trong khu vực, khác biệt chính là các mục tiêu chính trị của Bắc Kinh đang thay đổi.

“Nếu mục tiêu chính trị của Bắc Kinh khi đó là “gây sức ép”, thì gần đây hơn mục tiêu là “răn đe”, ông Sung giải thích.

Những màn phô diễn trước đó của quân đội Trung Quốc có thể gắn liền với âm mưu gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử Đài Loan, như các cuộc tập trận quân sự ở Eo biển Đài Loan trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan năm 1996 và năm 2000.

Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, các hành động này đều phản tác dụng và dẫn đến việc đẩy mạnh ủng hộ các ứng cử viên tổng thống có lập trường chống Bắc Kinh kiên định. Ông Sung cho rằng điều này giải thích vì sao Bắc Kinh hiện nay tập trung nhiều hơn vào chiến lược răn đe, như đe doạ bằng vũ lực để cố gắng kiểm soát Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. 

Dù Đảng DPP của bà Thái lâu nay vẫn kêu gọi độc lập nhiều hơn cho quốc đảo, bà cũng nhấn mạnh việc cần ổn định xuyên eo biển và đưa ra đề nghị đàm phán với Bắc Kinh trong bài phát biểu Năm mới. Bà Thái cũng nói rằng sự ổn định quan hệ xuyên eo biển không chỉ đối với Đài Bắc và Bắc Kinh mà còn tác động tới toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ông Sung nói chính sách của Bắc Kinh cũng là phản ứng với sự ủng hộ ngày càng tăng của Mỹ với Đài Loan, như việc Washington thay mặt Đài Loan công khai can thiệp vào các vấn đề ngoại giao. Một ví dụ gần đầy về điều này là khi họ kêu gọi Paraguay tiếp tục hợp tác với Đài Loan trong bối cảnh đại dịch virus corona, bất chấp tình trạng thiếu vắc-xin và sức ép từ Bắc Kinh buộc đất nước Nam Mỹ chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Bắc Kinh.

Đồng thời còn có những cuộc thảo luận đang diễn ra về việc liệu Washington có nên chuyển từ tình trạng mập mờ sang rõ ràng về chiến lược với Đài Loan, ông Sung nói, đề cập đến lời kêu gọi của một số học giả nổi tiếng của Mỹ yêu cầu Washington cung cấp cho Đài Loan bảo đảm an ninh mạnh mẽ hơn.

Trong khi luật pháp Mỹ yêu cầu cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự bảo vệ, lâu nay Mỹ vẫn theo đuổi chính sách không rõ ràng về chiến lược, cụ thể là việc liệu họ có can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc đại lục tấn công hay không.

Ông Sung nói các nước khu vực không nên “quá tin vào việc không thể xảy ra một cuộc xung đột tại eo biển Đài Loan trong tương lai gần.”

Hôm thứ Ba, điều phối viên chính sách của Mỹ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương Kurt Campbell nói rằng bất cứ cuộc xung đột quân sự nào tại eo biển Đài Loan cũng có thể “bị mở rộng nhanh chóng và về cơ bản phá hủy nền kinh tế toàn cầu theo những cách không một ai có thể tiên đoán được.”

Bản thân Đài Loan không mong muốn chiến tranh, vì họ không chắc chắn liệu Mỹ hoặc bất cứ nước nào khác sẽ tới hỗ trợ họ hay không.

Ông Sung nói: “Điều các nhân tố khu vực nên tập trung vào là chuyên chú trao đổi nhiều hơn với Đài Loan, nhằm cho phép phát triển những cơ chế cảnh báo sớm chung, các biện pháp xây dựng lòng tin và các phương thức xây dựng khả năng phục hồi khác.” 

Lê Vy (theo SCMP)

Xem thêm: