Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 đang diễn ra tại Bắc Kinh không chỉ thu hút sự chú ý của nhân dân Đại lục, cả người Hồng Kông và Đài Loan cũng rất quan tâm đến những chính sách mới của chính quyền Trung Quốc được phát đi từ kỳ hội nghị quan trọng này. Đã có cả những hy vọng và sự sợ hãi của nhiều giới ở trên hai hòn đảo mà chế độ Bắc Kinh đang ngày càng muốn áp đặt quyền kiểm soát mạnh mẽ hơn nữa.

Embed from Getty Images

Sau khi củng cố được quyền lực từ Đại hội 19, khả năng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tăng cường áp đặt kiểm soát Hồng Kông và cứng rắn hơn với Đài Loan.

Trong bài diễn văn khai mạc dài khoảng 3,5 giờ vào sáng 18/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng Hồng Kông và Đài Loan đều là một phần của “sự trẻ hóa tuyệt vời của đất nước Trung Quốc” dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Hồng Kông sau hai thập kỷ trở về Trung Quốc từ nước Anh, sự chia rẽ trong xã hội đã ngày càng trở nên sâu sắc. Trong khi, nền dân chủ tại Đài Loan vẫn gặp nhiều khó khăn khi một bộ phận dân chúng vẫn bị tác động ít nhiều bởi sự vươn lên mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc đại lục.

Phóng viên thường trú của hãng tin AP (Mỹ) tại Hồng Kông và Đài Loan đã tiến hành các cuộc phỏng vấn nhanh với một số người dân ở hai hòn đảo này về quan điểm của họ với các chính sách sắp tới của Trung Quốc sau Đại hội 19. Sự chia rẽ xã hội hai khu vực này đã thể hiện ngay trong cách nhìn nhận của họ về chính quyền Trung Quốc cộng sản.

Lo lắng trước sức ép ngày càng lớn của chế độ Trung Quốc

Thương nhân Đài Loan Ringo Lee tin rằng Chủ tịch Tập Cận Bình cần phải đàm phán với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn để thúc đẩy mối quan hệ tốt hơn giữa hai bờ eo biển.

Ông Lee cho rằng các công ty kinh doanh lĩnh vực đại lý du lịch như doanh nghiệp của ông phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ của chính quyền Đại lục và Đài Loan.

Công ty của ông Lee đưa khách du lịch từ Trung Quốc đại lục tới thăm Đài Loan và ngược lại. Ông cho biết do mối quan hệ giữa hai bờ beo biển căng thẳng trong vài năm gần đây, nên “số lượng khách Trung Quốc đến Đài Loan đã giảm hẳn”.

Nhiệm vụ của ông Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ hai là làm cho người Đài Loan cảm thấy rằng Trung Quốc là một quốc gia thân thiện”, AP dẫn lời ông Lee.

Cùng chung quan điểm với ông Lee, nhà hoạt động dân chủ Christophe Chan cảm thấy rằng ông Tập trong 5 năm qua chưa làm được gì nhiều để cải thiện mối quan hệ với Đài Loan và vẫn luôn không thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền Đài Bắc.

Ông Christophe Chan cùng nhiều người trẻ tại Đài Loan, tin rằng Bắc Kinh nên từ bỏ việc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

Đài Loan và Trung Quốc là hai quốc gia khác nhau. Đây là thực tế chính trị mà không thể chối bỏ”, ông Chan nhấn mạnh.

Ông Chan, 38 tuổi – từng là người ủng hộ các cuộc biểu tình của Phong trào Hoa Hướng Dương năm 2014 do giới sinh viên dẫn dắt, phản đối hiệp định thương mại giữa Đài Loan và Bắc Kinh, cũng như mối quan hệ gần gũi giữa chính quyền hai bờ eo biển – khẳng định rằng chỉ khi Trung Quốc dám “đối mặt với thực tế về Đài Loan, và công nhận lãnh thổ này là một thực thể dân chủ, có chủ quyền”, thì mới có thể “cùng nhau tham gia vào đối thoại và trao đổi một cách thiện chí”.

Nhận xét về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dưới thời ông Tập Cận Bình, ông Chan cho biết: “Chúng ta thường gọi Trung Quốc là một siêu cường, hoặc thậm chí là một quốc gia vĩ đại, nhưng các chính sách của họ trong những năm gần đây cho thấy điều ngược lại. Trung Quốc đang đàn áp nhân quyền”.

Người trẻ tại Hồng Kông, đặc biệt là giới sinh viên ngày càng vỡ mộng về các chính sách của Trung Quốc đại lục. Anh Lee Chan, sinh viên 21 tuổi, tin rằng các chính sách của ĐCSTQ không  làm được gì nhiều để giúp người trẻ Hồng Kông đối mặt với những vấn đề hiện nay.

Anh Lee Chan cho rằng giới trẻ Hồng Kông đã vỡ mộng về một xã hội năng động và thực tế đang phải vật lộn để tìm kiếm nhà ở phù hợp và phải từ bỏ nhiều mơ ước của họ.

Thậm chí anh Lee Chan đang có những lo lắng lớn hơn về sự can thiệp ngày càng nhiều của ĐCSTQ vào nền chính trị dân chủ của Hồng Kông, như việc hạn chế tự do ngôn luận. Anh Lee Chan nói: “Nhiều người sẽ than phiền về các vấn đề kinh tế như giá bất động sản tăng cao hoặc gà, rau…đang tăng lên, nhưng lại không nhận thấy rằng nền chính trị tự do của chúng ta đang dần dần bị xói mòn”.

Anh Lee Chan nhấn mạnh rằng sự thịnh vượng của trung tâm tài chính Hồng Kông là dựa vào nền tảng tự do này và bây giờ điều đó đang bị tổn hại.

Những nhà xuất bản sách đã bị bắt giam và đưa về Trung Quốc đại lục bất hợp pháp. Người dân Hồng Kông đang đối mặt với nhiều mối đe dọa lớn hơn, đặc biệt liên quan đến quyền lợi chính trị của họ. Có lẽ một ngày nào đó, chúng ta sẽ không thể tập hợp trên phố, bày tỏ quan điểm của chúng ta, xuất bản sách, phê bình chính phủ, hoặc bày tỏ điều chúng ta tin là đúng và công bằng. Những giá trị đặc trưng của Hồng Kông sẽ không còn tồn tại lâu nữa”, anh Lee Chan cảnh báo.

Vẫn có những người tin vào tuyên truyền của Trung Quốc

Tại Hồng Kông, những người về hưu như ông Fan Li vẫn có cái nhìn thiện cảm với các chính sách “cải cách mở cửa” của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua.

Ông Fan Li, 70 tuổi, cho rằng điều quan trọng nhất là liệu các lãnh đạo Trung Quốc  có thể cải thiện được đời sống của người dân Hồng Kông hay không.

Trong 10 năm qua, các lãnh đạo Trung Quốc – Hồ Cẩm Đào, Giang Trạch Dân và Tập Cận Bình – đều đã đưa ra các chính sách khác nhau để hỗ trợ sự phát triển của Hồng Kông”, ông Li nói.

Ông Li thậm chí dẫn chứng về các dự án lớn của Bắc Kinh như dự án cơ sở hạ tầng “Một Vành đại, Một con đường”, kết nối Trung Quốc với Châu Âu và Châu Phi và một dự án khác để giúp hội nhập Hồng Kông với thành phố công nghiệp và giàu có – Quảng Đông.

Ông Li tin rằng những nhà lập pháp ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông đang cản trở sự phát triển kinh tế của thành phố này.

Ông lão 70 tuổi cho rằng: “Khi một nhóm người vì lợi ích của phe đối lập, kiên trì phản đối các chính sách, họ đã trì hoãn sự tiến bộ. Hãy nhìn sang Thâm Quyến. Trong vòng 20 đến 30 năm qua, địa khu này đã phát triển nhanh chóng từ một làng quê nhỏ thành một thành phố lớn, sôi động”. Ông Li tin rằng sự phát triển của Hồng Kông đã và đang bị đình trệ là vì “các vấn đề nội tại”.

Không chỉ những người già như ông Li vẫn tin vào chế độ cộng sản Trung Quốc, mà một số sinh viên trẻ cũng bày tỏ thái độ lạc quan về tương lai của Hồng Kông dưới sự kiểm soát ngày càng tăng của chính quyền Trung Quốc đại lục.

Jackel Wan, 19 tuổi, là một bạn trẻ khá lạc quan về mối quan hệ giữa Hồng Kông và Đại lục và nghĩ rằng bầu không khí tốt đẹp sẽ tiếp tục được duy trì dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình.

Wan cho rằng những chính sách của Bắc Kinh chưa hề động chạm đến đời sống của cá của anh và Wan tin rằng quyền tự do mà anh mong muốn vẫn sẽ nguyên vẹn.

Tôi vẫn có thể học tập tự do. Tôi vẫn có tự do ngôn luận. Hồng Kông vẫn nằm trong khuôn khổ ‘Một Đất nước, Hai Chế độ’, và vẫn áp dụng Luật Cơ bản”, Wan khẳng định như vậy và nói thêm rằng chính quyền Trung Quốc vẫn bảo vệ quyền tự trị rộng rãi của Hồng Kông và nơi đây đang được hưởng quyền tự do dân sự mà bên trong Trung Quốc đại lục không có.

Anh Wan thậm chí tin chính sách cứng rắn của Bắc Kinh đối với việc phản kháng đang tăng lên tại Hồng Kông là phù hợp – một lập trường trái ngược với đa số người trẻ  tại hòn đảo này. Anh Wan cho rằng việc kêu gọi Hồng Kông độc lập của một nhóm thiểu số ở các trường đại học và một số nơi khác là không thực tế.

Nhận xét về Trung Quốc, anh Wan khẳng định: “Họ đang làm đúng để đảm bảo tình hình [Hồng Kông] được kiểm soát”.

Tân Bình (T/h)

Xem thêm: