Việc chính phủ Trung Quốc đang nhắm mục tiêu vào những ‘gián điệp’ Đài Loan thời gian gần đây có thể sẽ khiến nhiều chuyên gia Đài Loan sợ hãi và không dám đến Đại lục, làm tổn hại thêm việc trao đổi không chính thức giữa hai bên, theo các nhà quan sát.

1602470781 5f83c37d5d5d3
Ông Morrison Lee “thú tội” và xin lỗi trên truyền hình nhà nước Trung Quốc (Ảnh chụp màn hình CCTV, qua Taiwan News)

Theo SCMP, đã có nhiều học giả, nhà báo, nhà phê bình tại Đài Bắc nói rằng việc CCTV phát sóng dày đặc thời gian qua về một “gián điệp” người Đài Loan “thú tội” trên truyền hình đã khiến họ cảm thấy ớn lạnh và e ngại khi phải đến Đại lục. 

Bản tin của CCTV cho biết Trung Quốc Đại lục đã phát hiện “hàng trăm” trường hợp gián điệp Đài Loan kể từ năm 2018, nhưng chỉ có 4 người được công bố danh tính.  

Ông Chi Le Yi, một chuyên gia về quốc phòng ở Đài Bắc nói: “Tôi đã dừng đến Đại lục kể từ khi COVID-19 bùng phát và bây giờ tôi chắc chắn sẽ không đến đó trong thời gian xảy ra ‘truyện nhiều tập về gián điệp’ này.” Ông cho biết nhiều học giả Đài Loan khác cũng có quyết định tương tự bởi vì họ cảm thấy không an toàn.

Ông Alexander Huang Chieh-cheng, một chuyên gia khác ở Đài Bắc, cho biết mọi người nghi ngờ cơ sở buộc tội gián điệp của ĐCSTQ bởi hệ thống pháp luật do ĐCSTQ kiểm soát rất mơ hồ.

Ông Huang, cựu Thứ trưởng phụ trách Hội đồng các Vấn đề về Đại lục của Đài Loan, cơ quan chịu trách nhiệm về chính sách quan hệ xuyên eo biển, cho biết: “Trung Quốc Đại lục thiếu các tiêu chuẩn pháp lý rõ ràng để xác định những hành vi nào được xem là gián điệp.”

Chính phủ Bắc  Kinh, vốn tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình, đã đình chỉ các trao đổi chính thức với Đài Bắc kể từ khi bà Thái Anh Văn của đảng DPP được bầu làm Tổng thống Đài Loan vào năm 2016 và từ chối chấp nhận nguyên tắc “một Trung Quốc.”

Ông Huang cho biết: “Sau khi giao tiếp chính thức và bán chính thức giữa Bắc Kinh và Đài Bắc bị ngừng lại, các trao đổi giữa các học giả xuyên eo biển trở thành kênh duy nhất để kết nối cơ bản giữa hai bên, nhưng sự trừng trị hiện tại đã phá hỏng mọi thứ.”

Ông Lee Chih-Horng, giảng viên về quan hệ xuyên eo biển của Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết việc Bắc Kinh tiết lộ các hoạt động gián điểm và biến chúng thành lời thú tội công khai là một động thái bất thường.

Ông nói: “Tôi e rằng Bắc Kinh sẽ nhận được kết quả phản tác dụng nếu họ biến những lời thú tội đó thành tuyên truyền chính trị để cảnh báo các lực lượng đòi độc lập cho Đài Loan.  Một động thái thù địch như vậy sẽ chỉ gây ra sự phẫn nộ tại Đài Loan.”

Ông Lee cho biết bên ngoài Trung Quốc Đại lục, mọi người sẽ “đặt câu hỏi liệu việc trừng trị những người bị cáo buộc làm gián điệp cho Đài Loan có liên quan đến các kết án sai trái hay không.”

Tuy nhiên, các báo cáo về sự trừng trị đối với những nhóm gián điệp Đài Loan không phải là mới. Vào tháng 9/2018, truyền thông nhà nước Đại lục, khởi đầu là bản tin của CCTV, cho biết chính quyền Đại lục đã “phá” hơn 100 vụ án gián điệp liên quan đến đảo quốc tự trị kể từ năm 2011, bao gồm một số người bị cáo buộc hoạt động gián điệp tại các trường đại học.

Ông Huang cho biết sự trừng trị mới nhất và cái gọi là lời thú tội có thể kích động Đài Bắc giam giữ các học giả Đại lục để trả thù, gây thêm thiệt hại cho mối quan hệ hai bên.

Ông nói: “Nếu Đài Bắc thực hiện phản ứng ăn miếng trả miếng, đây sẽ là một thảm họa cho việc giao tiếp xuyên eo biển,” làm giảm thiểu các trao đổi học thuật và văn hóa vốn đã rất hạn chế giữa hai bờ eo biển.

Ông Chi nói rằng các sự kiện gần đây cho thấy việc Bắc Kinh trừng trị gián điệp mang động cơ chính trị và được biện minh bằng các định nghĩa theo luật chống gián điệp mới của mình vào thời điểm chính quyền Đại lục muốn nhấn mạnh đến an ninh quốc gia và những gì mà ĐCSTQ gọi là ổn định xã hội.

Ông nói: “Dưới phong trào chính trị … các cơ quan an ninh quốc gia của Đại lục đang cạnh tranh để chứng tỏ thành tích của họ trong việc trừng trị người Đài Loan giữa bối cảnh sự căng thẳng gia tăng giữa Đại lục với Hoa Kỳ và với Đài Loan.”

Gián điệp xuyên eo biển thỉnh thoảng mới bị phát hiện kể từ khi Đài Loan tách khỏi Đại lục vào cuối cuộc nội chiến Trung Quốc năm 1949.

Vào năm 1999, chính phủ Bắc Kinh đã xử tử ông Liu Liankun, cựu thiếu tướng của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), sĩ quan cao cấp nhất của Đại lục được cho là làm gián điệp cho Đài Loan. Các hoạt động gián điệp của ông Liu bị phát hiện sau Tổng thống Đài Loan lúc đó Lý Đăng Huy nói với giới truyền thông rằng các tên lửa do PLA phóng trong cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan năm 1995-96 không mang đầu đạn.

Gia Huy (theo SCMP)

Xem thêm: