Tại Myanmar hôm nay (Chủ Nhật, 8/8) đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình chống chính quyền quân đội trên khắp cả nước. Các cuộc biểu tình này được tổ chức để tưởng niệm cuộc nổi dậy chống chính quyền quân sự vào ngày 8/8/1988 vốn đã bị đàn áp đẫm máu.

Embed from Getty Images

Reuters ghi nhận từ các trang Facebook của các lực lượng đối lập tại Myanmar cho biết tại Myanmar ngày 8/8 đã diễn ra ít nhất 6 cuộc biểu tình riêng rẽ nhằm phản đối chính quyền quân sự vốn đã tiếm quyền của chính phủ dân cử từ đầu tháng Hai.

Ngày 1/2/2021, quân đội Myanmar đã thực hiện cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân cử được bầu cử tự do. Họ đã bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức cấp cao khác của chính quyền dân sự Myanmar.

Chính phủ mới tại Myanmar hiện nay do Tướng Min Aung Hlaing lãnh đạo. Ông này vừa tuyên thệ nhậm chức thủ tướng tạm quyền vào tuần trước. Chính quyền quân sự cho đến nay vẫn luôn khẳng định rằng họ không thực hiện đảo chính và hành động hồi đầu tháng Hai của họ là nằm trong khuôn khổ hiến pháp để khắc phục cuộc tổng tuyển cử tại Myanmar đã bị gian lận. Đảng của bà Aung San Suu Kyi đã thắng lớn trong cuộc bầu cử đó và Ủy ban Bầu cử Myanmar cho biết đó là cuộc tuyển cử công bằng.

Các cuộc biểu tình hôm 8/8 tại Myanmar hầu hết đều hướng đến tưởng niệm cuộc nổi dậy dân chủ ngày 8/8/1988. Cuộc nổi dậy 33 năm trước đã bị chính quyền quân sự đàn áp đẫm máu. Các lực lượng đối lập với quân đội ước tính rằng khoảng 3.000 người đã bị giết hại trong cuộc đàn áp của quân đội ngày 8/8/1988.

Reuters dẫn một video đăng trên Facebook ghi lại hình ảnh người biểu tình tại thị trấn Wundwin, khu vực Mandalay hét vang: “Nợ cũ từ năm 1988, chúng ta phải đòi lại tất cả trong năm 2021 này”.

Một cuộc biểu tình khác tại thị trấn Myaing, người dân mang theo biểu ngữ ghi: “Chúng ta hãy chiến đấu cùng nhau hướng tới công cuộc giải phóng nhân dân 8.8.88 chưa hoàn thành”.

Thủ tướng Min Aung Hlaing hôm 8/8 đã phát đi tuyên bố ca ngợi một sự kiện kỷ niệm khác – kỷ niệm 54 năm ngày thành lập Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Tuy nhiên, tuyên bố của ông Min Aung Hlaing cũng không đề cập đến đặc phái viên mới của ASEAN chuyên trách Myanmar, nhà ngoại giao Brunei, Erywan Yusof.

Ông Erywan Yusof mới đây đã được ASEAN bổ nhiệm giữ chức đặc phái viên ASEAN về Myanmar với nhiệm vụ chấm dứt bạo lực hậu đảo chính và thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa chính quyền quân sự Myanmar và các lực lượng đối lập.

Ông Erywan Yusof hôm thứ Bảy (7/8) đã nói rằng ông nên được tiếp cận tất cả các bên khi ông tới thăm Myanmar. Chuyến công du này của nhà ngoại giao Brunei vẫn chưa được lên lịch.

Như Ngọc (theo Reuters)