Ngày 21/4 theo DailyNK, một nguồn tin tại tỉnh Ryanggang cho biết vào tuần trước, một phụ nữ tên Lee ở độ tuổi 20 ở huyện Kimjongsuk của tỉnh này đã chết trong quá trình tiêm thuốc phiện để điều trị các triệu chứng cảm lạnh của mình.

GettyImages 161444205
Công nhân Bắc Triều Tiên đào đất dưới nhiệt độ đóng băng trên bờ sông Yalu tại thị trấn Sinuiju của Bắc Triều Tiên vào ngày 11/2/2013, đối diện với thành phố Đan Đông của Trung Quốc.(Nguồn ảnh: MARK RALSTON/AFP qua Getty Images)

Lee là một tiểu thương chuyên bán buôn các nhu yếu phẩm hàng ngày từ thành phố Hyesan đến huyện Kimjongsuk. Tuy nhiên, những ngày gần đây, cô bị sốt nhẹ, đau đầu, ớn lạnh và các triệu chứng cảm cúm khác. Sau khi uống thuốc cảm ở nhà không đỡ, thậm chí cô còn đổ bệnh nặng hơn.

Để chữa trị cho con gái, mẹ của Lee đã tiêm thuốc phiện cho cô. Sau khi cho một lượng thuốc phiện thích hợp vào thìa và đun chảy bằng lửa, chất lỏng thuốc phiện được tiêm vào tĩnh mạch bằng ống tiêm. Điều này không được cơ sở y tế chỉ định, khiến Lee ngất xỉu và cuối cùng mất mạng.

Theo các nguồn tin, tại đất nước Triều Tiên, do hệ thống y tế yếu kém và thiếu thuốc chữa trị, nên từ lâu người dân đã bắt đầu sử dụng các loại thuốc như thuốc phiện và methamphetamine (MATM) để thay thế.

Đặc biệt là sau đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), tình trạng thiếu thuốc càng trầm trọng hơn, hiện tượng dùng thuốc phiện thay thế cũng tăng mạnh, không hiếm trường hợp tử vong xảy ra do tác dụng phụ.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều loại thuốc giả, kém chất lượng trôi nổi trên thị trường. Dù có tiền mua thuốc, nhưng không những không có tác dụng chữa bệnh, thậm chí còn đe dọa đến sức khỏe.

Hễ ai đó trong gia đình bị ốm, mọi người lại sử dụng nhiều thuốc phiện, và nhiều tai nạn sẽ xảy ra do lạm dụng thuốc phiện trong quá trình này. Sự việc của cô Lee cũng là một ví dụ thực tế cho thực trạng này.

Nguồn tin cho biết, nếu thuốc không giúp ích gì thì nên đi khám bác sĩ, nhưng bác sĩ sẽ tìm kiếm những món quà trên tay bệnh nhân trước khi chẩn đoán. Do đó, lượng bệnh nhân mua thuốc phiện tăng cao, và chuyện tử vong cũng thường xuyên xảy ra.

Người mẹ tiêm thuốc phiện cho con gái vô cùng đau đớn nói rằng chính tay bà đã giết chết con gái mình.

Nguồn tin cho biết, cô gái này đã mất mạng vì tiêm thuốc khi còn chưa kết hôn, lẽ nào chuyện này không đau đớn sao? Khi tin Lee qua đời lan rộng, người dân xung quanh thở dài bày tỏ sự tiếc thương.

Ốm đau không có tiền mua thuốc và thức ăn

Ngày 19/9/2022, theo Daily NK, một nguồn tin từ tỉnh Bắc Pyongan cho biết, đầu tháng này, một cặp vợ chồng ngoài 50 tuổi ở huyện Taechon, tỉnh Bắc Pyongan đã tự tử vì không chịu nổi cuộc sống nghèo khó.

Hai vợ chồng ở với cô con gái 20 tuổi chưa lập gia đình. Cô gái đến bệnh viện khám vì có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19, nhưng bệnh viện chỉ khẳng định không phải COVID-19, mà không đưa ra phương pháp điều trị hay kê thuốc.

Vì không có tiền mua thuốc, mua thức ăn nên gia đình họ phải thường xuyên vay mượn tiền, thức ăn của hàng xóm, nhưng cuộc sống của hàng xóm cũng rất khó khăn, nên không giúp được gì. Cuối cùng, cô con gái đã chết vì bệnh vào tháng trước, và hai vợ chồng bà cũng tự tử.

Y tế thiếu trầm trọng, người dân dùng thuốc phiện để chữa bệnh

Tháng 7/2022, theo báo cáo của DailyNK, mặc dù Nam Hwanghae là khu vực vựa lúa lớn nhất ở Triều Tiên, nhưng hệ thống cấp thoát nước ở khu vực này khá kém. Do thiếu nguồn nước nên từ lâu người dân đã sử dụng nước nông nghiệp và công nghiệp như nước uống thông thường.

Khi ra đồng canh tác, người dân sẽ phóng uế bừa bãi ở ven đường. Dưới môi trường khắc nghiệt như vậy, sau mùa mưa bắt đầu từ tháng 6, tháng 7 hàng năm sẽ bùng phát các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do nước bẩn, như thương hàn, kiết lỵ và dịch tả.

Các nguồn tin cho biết, do tình trạng y tế thiếu hụt nghiêm trọng ở Triều Tiên, những người nhiễm bệnh đã chọn cách sử dụng thuốc phiện để giảm các triệu chứng. Tuy nhiên, điều này thực sự không thể chữa bệnh một cách hiệu quả.

Tại tỉnh Nam Hwanghae, từng đợt dịch bệnh truyền nhiễm ập đến. Vì phòng chống dịch, hay ở nhà để hồi phục sức khỏe, người dân không thể ra đồng. Một khi thiếu hụt nhân lực làm nông có thể sản lượng thu hoạch của Triều Tiên sẽ giảm sút.

Bỏ mặc người dân đói khổ, Triều Tiên vẫn thường xuyên đốt tiền phóng tên lửa. Ngày 7/11/2022, theo một nguồn tin ở tỉnh Bắc Hamgyong của DailyNK, thông tin Triều Tiên chi 70 triệu USD phóng tên lửa vào ngày 2/11 đã lan truyền nhanh chóng tại thành phố Hoeryong, tỉnh Hamgyong. Người dân biết tin đều rất ngạc nhiên và phẫn nộ.

Đài Á Châu Tự Do cho biết 70 triệu USD có thể mua vật tư cho Triều Tiên trong 1 tháng, tương đương với lượng lương thực nhập khẩu từ Trung Quốc của một năm trước khi bùng phát COVID-19.

Bình Minh (t/h)