Ngày 14/3, người đứng đầu Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo, thế giới phải hành động để ngăn chặn “cơn bão đói và sự suy thoái hệ thống lương thực toàn cầu” sau cuộc xâm lược của Nga nhằm vào Ukraine, theo AFP.

Embed from Getty Images

Tổng thư ký LHQ nói với các phóng viên ở New York, chiến tranh có nguy cơ gây ra những hậu quả sâu rộng đối với nguồn cung cấp lương thực toàn cầu, vốn tác động tàn khốc đến những người nghèo nhất.

“Cuộc chiến này vượt xa vấn đề Ukraine. Đây còn là cuộc tấn công vào những người và quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới,” ông Guterres nhấn mạnh.

Ông nói, ngay cả trước chiến tranh, các nước đang phát triển vẫn phải “vật lộn để phục hồi sau đại dịch – trước thực trạng lạm phát kỷ lục, lãi suất tăng và gánh nặng nợ nần chồng chất”.

Ông Guterres tiếp tục: “Giờ đây, ổ bánh mì của họ đang bị đánh bom.” Ông cũng lưu ý, Ukraine cung cấp hơn một nửa nguồn cung lúa mì của Chương trình Lương thực Thế giới.

Ông cảnh báo, chỉ số giá lương thực toàn cầu của Liên Hợp Quốc đang ở mức cao nhất từ ​​trước đến nay, và 45 quốc gia kém phát triển nhất thế giới nhập khẩu ít nhất một phần ba lúa mì của họ từ Ukraine hoặc Nga.

Các quốc gia này bao gồm Burkina Faso, Ai Cập, Cộng hòa Dân chủ Congo, Lebanon, Libya, Somalia, Sudan và Yemen.

“Chúng ta cần phải làm mọi thứ có thể để ngăn chặn cơn bão đói và sự suy thoái của hệ thống lương thực toàn cầu,” ông Guterres kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch.

Tổng thư ký đã có bài phát biểu bên lề cuộc họp ngắn của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) với Hội đồng Bảo an.

Ông Zbigniew Rau, ngoại trưởng Ba Lan, nước đang đảm nhiệm vị trí chủ tịch luân phiên của OSCE năm 2022, cũng nhìn nhận cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là “một thất bại chiến lược và chiến thuật”.

Theo ông, Moscow đã thay đổi chiến thuật để bắt đầu nhắm vào dân thường. “Điều này thật đáng trách và đáng xấu hổ, không khác gì chủ nghĩa khủng bố nhà nước.”

Ông Rau khẳng định hành động gây hấn của Nga “đe dọa sự tồn tại của OSCE”, đồng thời nói thêm rằng, ông sẽ sớm tới Moldova và vùng Balkan để “chứng minh sự tham gia của OSCE” trong việc giúp chấm dứt chiến tranh.

Trước đó, ông Qu Dongyu, Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết Nga và Ukraine đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và cung cấp lương thực toàn cầu. “Nga là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, trong khi Ukraine đứng thứ năm. Cả hai nước xuất khẩu 19% nguồn cung lúa mạch, 14% lúa mì và 4% ngô của thế giới; chiếm hơn một phần ba lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu.”

Ông nhận định: “Cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể khiến cho các hoạt động nông nghiệp của hai nhà xuất khẩu những mặt hàng thiết yếu trên bị gián đoạn nghiêm trọng, nguy cơ gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, trong bối cảnh giá lương thực và thực phẩm quốc tế đã ở mức cao và nhiều biến động.”

Theo ước tính của FAO, cuộc chiến ở Ukraine có thể khiến giá lương thực và thực phẩm quốc tế tăng từ 8% – 20%. Thêm nữa, bất kỳ sự gián đoạn nghiêm trọng nào đối với sản xuất và xuất khẩu từ Nga và Ukraine chắc chắn sẽ còn khiến giá cả leo thang. Nghiêm trọng hơn, điều này làm xói mòn an ninh lương thực cho hàng triệu người.

Minh Ngọc (T/h)

Xem thêm:

Mời xem video: