Hôm thứ Ba (4/1), 19 người thuộc nhóm dân tộc Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc đã đệ đơn khiếu kiện hình sự lên công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ, cáo buộc quan chức Trung Quốc phạm tội diệt chủng, tra tấn, hãm hiếp và tội ác chống lại loài người.

Embed from Getty Images

Luật sư Gulden Sonmez cho rằng, vụ kiện này là cần thiết bởi vì các cơ quan quốc tế đã không hành động chống lại chính quyền Trung Quốc, vốn bị cáo buộc tạo điều kiện cho việc cưỡng bức lao động bằng cách giam giữ khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác trong các trại tập trung kể từ năm 2016.

Chính quyền Trung Quốc ban đầu đã phủ nhận sự tồn tại của các trại tập trung, nhưng sau đó lại nói rằng các trại này là các trung tâm dạy nghề và được thiết kế để chống lại chủ nghĩa cực đoan. Chính quyền cộng sản Trung Quốc cũng bác bỏ tất cả các cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Người Duy Ngô Nhĩ có chung mối liên hệ với người Thổ Nhĩ Kỳ về sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ. Khoảng 50.000 người Duy Ngô Nhĩ được cho là đang cư trú tại Thổ Nhĩ Kỳ, đây là cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ hải ngoại lớn nhất bên ngoài Trung Á.

Đơn kiện đã được gửi đến Văn phòng Công tố viên trưởng ở Istanbul, thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Thổ Nhĩ Kỳ và văn phòng công tố chưa trả lời yêu cầu bình luận của báo chí.

Phát biểu bên ngoài tòa án chính của thành phố Istanbul, Luật sư Sonmez nhận định: “Tòa án hình sự quốc tế lẽ ra nên bắt đầu tiến hành phiên tòa này rồi, nhưng Trung Quốc là thành viên của Hội đồng Bảo an [LHQ] và [do đó] động thái này dường như không thể xảy ra.”

Đứng xung quanh Luật sư Sonmez là hơn 50 người đang cầm những bức ảnh của các thành viên trong gia đình bị mất tích và các tấm biển kêu gọi truy tố các quan chức Trung Quốc. Một số người vẫy lá cờ xanh và trắng của phong trào độc lập Đông Turkestan, một tổ chức mà Bắc Kinh cho rằng đang đe dọa sự ổn định của khu vực Tân Cương nằm ở vùng viễn tây của nước này.

Những người khiếu kiện, đại diện cho 116 người hiện vẫn đang bị giam giữ ở Trung Quốc, đã đệ đơn kiện 112 quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bao gồm các giám đốc và viên chức tại các trại cưỡng bức lao động.

Luật sư Sonmez lưu ý: “Luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ công nhận thẩm quyền phổ quát. Tra tấn, diệt chủng, hãm hiếp [và] tội ác chống lại loài người có thể bị truy tố tại các tòa án Thổ Nhĩ Kỳ và các tội phạm có thể bị xét xử.”

“Hãy giải cứu chị gái tôi”

Cô Medine Nazimi, một trong những người nộp đơn khiếu kiện hình sự, cho biết, chị gái cô đã bị bắt đi vào năm 2017 và không có tin tức gì kể từ đó.

Cô Nazimi kêu gọi: “Chị gái tôi và tôi là công dân Thổ Nhĩ Kỳ do đó tôi muốn chính phủ giải cứu chị gái tôi.”

Một số người Duy Ngô Nhĩ sống ở Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích cách tiếp cận của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đối với Trung Quốc sau khi hai quốc gia ký một hiệp ước dẫn độ. Hồi tháng 3, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, thỏa thuận này cũng tương tự như thỏa thuận giữa Ankara với các quốc gia khác, đồng thời phủ nhận, việc này sẽ dẫn đến việc người Duy Ngô Nhĩ bị đưa trở lại Trung Quốc.

Một số nhà lãnh đạo của các đảng đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc chính phủ đã bỏ qua các quyền của người Duy Ngô Nhĩ để đổi lấy các lợi ích khác với Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền Ankara đã bác bỏ điều này.

Hồi tháng 7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng điều quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ là người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ được sống trong hòa bình với “tư cách công dân bình đẳng của Trung Quốc”. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng chủ quyền quốc gia của Trung Quốc.

Các chuyên gia và các tổ chức nhân quyền của Liên Hợp Quốc ước tính hơn một triệu người, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác, đã bị giam giữ tại các trại tập trung ở Tân Cương trong những năm gần đây.

Gia Huy (Theo Reuters)

Xem thêm: