Ngày 23/1, cộng đồng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ sống tại Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa đông sắp diễn ra ở Bắc Kinh.

shutterstock 20144805442
Tẩy chay Olympic Bắc Kinh (Ảnh: Wirestock Creators / Shutterstock)

Tại Istanbul, hàng chục thành viên của cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ, nhóm dân tộc thiểu số ở Trung và Đông Á, đã tổ chức một cuộc biểu tình phản đối Thế vận hội Mùa đông và kêu gọi các nước tẩy chay kỳ Olympic này, theo Reuters. Trung Quốc đã hứng chịu nhiều chỉ trích từ cộng đồng quốc tế vì vi phạm nhân quyền và cáo buộc tội ác diệt chủng nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ sống ở khu vực Tân Cương của nước này.

Trong sự kiện, những người biểu tình đã vẫy lá cờ xanh trắng của phong trào đòi độc lập ở Đông Turkestan, một nhóm mà Trung Quốc gọi là mối đe dọa đối với tỉnh Tân Cương. Họ câu hô vang các câu khẩu hiệu bao gồm “Trung Quốc, hãy chấm dứt cuộc diệt chủng” “Trung Quốc, hãy đóng cửa các trại tập trung!” Các trại này được cho là sử dụng để cưỡng bức “giáo dục lại” các thành viên của cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Reuters đã ghi lại lời một bà nội trợ kiêm người biểu tình Munevver Ozuygur cho hay: “Trung Quốc không có quyền đăng cai Thế vận hội trong khi thực hiện mọi hành vi tra tấn, tàn ác và diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ.” Người phụ nữ này có người thân đang bị giam giữ tại các trại tập trung ở Trung Quốc.

Khoảng 50.000 người Duy Ngô Nhĩ được cho là đang cư trú tại Thổ Nhĩ Kỳ, đây là cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ hải ngoại lớn nhất bên ngoài Trung Á.

Thế vận hội Mùa đông sẽ bắt đầu vào ngày 4/2 sắp tới. Tính đến nay, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Úc, Canada, Đan Mạch và Nhật Bản đã quyết định không cử đại diện ngoại giao đến Bắc Kinh nhằm phản đối hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với các doanh nghiệp và chính trị gia Trung Quốc có liên quan đến tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ.

Các chuyên gia nhân quyền từ Liên Hợp Quốc và nhiều nhóm nhân quyền tuyên bố, hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ cưỡng bức tại các trại ở Tân Cương. Trong khi đó, phía Trung Quốc liên tục bác bỏ điều này, họ khẳng định rằng các trại tập trung được sử dụng để đào tạo nghề cho các cộng đồng thiểu số và giảm thiểu ảnh hưởng của “chủ nghĩa cực đoan”.

Minh Ngọc (Theo Newsweek)

Xem thêm: