Hôm thứ Năm (ngày 13/4), tạp chí TIME của Mỹ đã công bố danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất năm 2023. Ông Bành Lập Phát (Peng Lifa), người giăng biểu ngữ chống ông Tập tại cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh, đã được chọn vào danh sách này.

Banh Lap Phat
Vào ngày 13/10/2022, Bành Lập Phát đốt khói và giăng biểu ngữ trên cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh. (Ảnh chụp màn hình)

Hàng năm, tạp chí TIME đều độc lậplựa chọn “100 người có ảnh hưởng nhất thế giới” từ các lĩnh vực chính trị, văn hóa, nghệ thuật, v.v., kết hợp với các đề xuất bên ngoài. “Chúng tôi rất vui mừng được vinh danh danh sách những người có ảnh hưởng nhất thế giới năm nay,” CEO Jessica Sibley của TIME cho biết.

Tờ TIME viết rằng vào tháng 10/2022, ông Bành Lập Phát (hay còn gọi là Bành Tái Chu) đã giăng hai biểu ngữ chính trị ở trung tâm Bắc Kinh, kêu gọi chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chấm dứt chính sách Zero-COVID và chế độ độc tài độc đảng. Các cuộc biểu tình sau đó nổ ra khắp Trung Quốc, sử dụng tờ giấy trắng A4 làm biểu tượng của sự bất đồng chính kiến.

Vào ngày 13/10 năm ngoái, hai ngày trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, trên cầu vượt ở giao lộ của quận Hải Điến được bảo vệ nghiêm ngặt và phồn vinh nhất ở Bắc Kinh, hai biểu ngữ phản đối lớn bất ngờ được treo lên. Một biểu ngữ viết: “Không cần axit nucleic, cần lương thực; không cần phong tỏa, cần tự do; không cần dối trá, cần tôn nghiêm; không cần Cách mạng Văn hóa, cần cải cách; không cần lãnh tụ, cần bầu cử; không làm nô lệ, làm công dân.”; một biểu ngữ khác viết: “Bãi khóa, bãi công, bãi chức quốc tặc Tập Cận Bình.”

giang bieu ngũ tren cau Tu Thong
Biểu ngữ phản đối ông Tập Cận Bình trên cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh trước Đại hội 20 ĐCSTQ. (Ảnh cắt từ video)

Hình ảnh và thông tin về cuộc kháng nghị tại cầu Tứ Thông ngay lập tức bị kiểm duyệt ở Trung Quốc, các từ khóa tin tức (bằng tiếng Trung) như “Cầu Tứ Thông”, “Bắc Kinh”, “Hải Điến” “dũng sĩ” đều bị kiểm duyệt và chặn.

Tạp chí TIME viết: “Cho đến hôm nay, ông Bành Lập Phát và nhiều người biểu tình đã bị giam giữ hoặc biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng. Lòng dũng cảm và phản kháng của cá nhân họ dưới chế độ độc tài, đại diện cho một thời điểm quan trọng cần được lịch sử khắc ghi. Chỉ có sự phản kháng như vậy, mọi người mới có thể thắp lên ngọn lửa niềm tin vào chân lý và chính nghĩa cháy lên trong tim.”

Sau sự kiện cầu Tứ Thông, Phong trào Giấy trắng nổ ra vào cuối tháng 11/2022 đã càn quét thế giới, mọi người từ phản đối phong tỏa đến hô hào “Đảng Cộng sản hạ đài”. Trong số đó có sinh viên, nhà báo, người trong giới văn học nghệ thuật, và cả những công dân bình thường. ĐCSTQ sau đó đã từ bỏ chính sách kiểm soát dịch Zero-COVID mà không có sự chuẩn bị, trong cơn sóng thần dịch bệnh, chính quyền đã bí mật bắt giữ những người tham gia “Phong trào Giấy trắng” trên quy mô lớn.

Tờ TIME viết rằng trong thời đại ngày nay, đối mặt với cái giá phải trả, những phẩm chất của tự do ngôn luận và phản kháng là cực kỳ hiếm thấy. Thật không may, trong hầu hết các trường hợp, chúng ta nghĩ rằng những gì đang được biểu đạt là thiếu ý nghĩa. Chỉ khi một người như ông Bành Lập Phát sẵn sàng hy sinh và trả giá thì ý nghĩa thực sự của những gì ông ấy thể hiện mới được hiển lộ ra.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng có tên trong danh sách. Tạp chí TIME giới thiệu rằng trước các mối đe dọa từ ĐCSTQ, Nga và Triều Tiên, ông Kishida đã bắt đầu thúc đẩy “những thay đổi mang tính cách mạng trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản”, và rằng ông cam kết cải thiện quan hệ với Hàn Quốc và tăng chi phí quốc phòng. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng có tên trong danh sách.

Ngoài ra trong danh sách còn có siêu sao bóng đá người Argentina – Lionel Messi, diễn viên gốc Việt Quan Kế Huy, Giám đốc điều hành Tesla – Elon Musk, cha đẻ ChatGPT Sam Altman, đệ nhất phu nhân Ukraine – Olena Zelenska.