Kể từ khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga vì cuộc xâm lược Ukraine đến nay, những người dân thường Nga đang cảm thấy những tác động đau đớn – từ hệ thống thanh toán không hoạt động và các vấn đề khi rút tiền mặt, đến việc không thể mua một số mặt hàng.

Embed from Getty Images

“Apple Pay đã không hoạt động kể từ ngày hôm qua. Không thể thanh toán bằng nó ở bất cứ đâu – trong xe buýt, trong quán cà phê,” bà Tatyana Usmanova – một cư dân Moscow nói với Associated Press. “Thêm vào đó, tại siêu thị, người ta đã hạn chế số lượng hàng hóa mà một người có thể mua.”

Apple mới đây cũng đã thông báo sẽ ngừng bán iPhone và các sản phẩm phổ biến khác ở Nga, cùng với việc hạn chế các dịch vụ như Apple Pay nhằm phản đối cuộc xâm lược Ukraine.

Hàng chục công ty nước ngoài và quốc tế đã rút hoạt động kinh doanh của họ ra khỏi Nga. Các thương hiệu xe hơi lớn ngừng xuất khẩu xe của họ; Boeing và Airbus ngừng cung cấp các bộ phận và dịch vụ máy bay cho các hãng hàng không Nga; các hãng phim lớn của Hollywood ngừng phát hành phim; và danh sách này có thể sẽ tiếp tục nhiều hơn nữa…

Có thể nói, Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác đã đáp trả Nga bằng các biện pháp trừng phạt với quy mô và mức độ nghiêm trọng chưa từng có. Họ đã loại các ngân hàng lớn của Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Nga và hạn chế nghiêm ngặt việc sử dụng dự trữ ngoại tệ của Moscow.

Người Nga ở Moscow và các thành phố khác đã trò chuyện với AP về việc những động thái đó đã có tác động thế nào trong cuộc sống hàng ngày của họ, chỉ ra các vấn đề khi chuyển đổi đồng Rúp thành ngoại tệ, trong khi hàng dài những người phải xếp hàng tại các máy ATM và một số thẻ ngân hàng không rút được tiền.

Theo cô Irina Biryukova ở Yaroslavl, một thành phố cách Moscow khoảng 250 km về phía Đông Bắc, cô chỉ có thể gửi một số tiền hạn chế vào tài khoản ngân hàng của mình thông qua các máy ATM của ngân hàng.

“Phần lớn các máy ATM (của ngân hàng này) không hoạt động để gửi (tiền),” cô Biryukova nói.

Đáng chú ý, theo một số doanh nghiệp, giá thực phẩm cũng bắt đầu tăng cao.

Ilya Oktavin, người điều hành dịch vụ giao hàng tại một quán sushi Perm cho biết: “Tất cả các nguyên liệu chính mà chúng tôi chế biến sản phẩm của mình đều đã tăng giá từ 30 – 40%.”

Một số hàng hóa cũng khó mua hơn do hành động của các công ty như Nike, vốn đã tạm dừng bán hàng trực tuyến từ tối 1/3 cùng một tuyên bố trên trang web của công ty khẳng định họ “không thể đảm bảo giao hàng cho người mua sắm ở Nga”. Trong khi ngày 2/3, H&M thông báo đình chỉ “tất cả các hoạt động bán hàng” tại Nga.

Nhiều nhà phê bình đang vẽ nên một bức tranh ảm đạm cho nước Nga.

Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự hoảng sợ của người dân, giới chức Nga hôm 1/3 đã công bố một trang web đặc biệt, có tiêu đề “Chúng tôi đang giải thích”, trong đó trình bày về cách các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống đang hoạt động dưới áp lực của các lệnh trừng phạt. Một số báo cáo dự đoán giá sẽ tăng đột biến hoặc nói rằng một số dịch vụ nhất định không hoạt động bị coi là “giả mạo” trên trang web này.

Trong khi đó, một số người Nga nói rằng không phải các biện pháp trừng phạt khiến họ lo lắng mà điều khiến họ quan ngại là cuộc tấn công chết người mà Nga thực hiện nhằm vào quốc gia láng giềng.

“Các bạn biết đấy, các lệnh trừng phạt không quá gây phiền toái cho tôi. Tôi lo lắng về việc Nga đang giết người ở Ukraine,” cư dân Moscow Ivan Kozlov bày tỏ. “Tôi ước họ sẽ ngừng chiến tranh, vốn không có một người dân có lương tâm và lòng nhân từ, nhân ái nào ở Nga mong muốn.”

Tình cảm phản đối chiến tranh ở Nga đã lan rộng. Hàng nghìn người đã ký vào thư ngỏ và kiến ​​nghị trực tuyến yêu cầu chấm dứt cuộc xâm lược, trong đó kiến ​​nghị trực tuyến được ủng hộ rộng rãi nhất đã thu hút được hơn 1 triệu chữ ký chỉ trong vài ngày.

Người Nga trên khắp đất nước đã xuống đường hầu như mỗi ngày kể từ khi cuộc tấn công bắt đầu vào ngày 24/2. Theo OVD-Info, nhóm nhân quyền theo dõi các vụ bắt giữ chính trị, hơn 7.000 người biểu tình đã bị bắt giữ trong tuần qua, với gần 600 vụ bắt giữ tính đến ngày 2/3.

Minh Ngọc (Theo AP)