Mỹ và nhiều chính phủ phương Tây khác cùng các tổ chức đã lên án Chính phủ Trung Quốc về những vi phạm nghiêm trọng nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương. Trong khi Bắc Kinh cáo buộc phương Tây thổi phồng vấn đề Tân Cương bằng đầy những thông tin dối trá, không phải thực tế. Đài VOA Mỹ đã chia sẻ câu chuyện của Josh Summers người Mỹ, cùng hai vợ chồng Gary Dyck và Andrea Dyck người Canada đã sống ở Tân Cương hơn 10 năm, họ kể lại trải nghiệm cá nhân về thực trạng người Duy Ngô Nhĩ dưới áp lực của chính quyền Trung Quốc.

shutterstock 1447438049
Người Duy Ngô Nhĩ học chữ Hán tại Trại cải tạo ở Tân Cương, Trung Quốc. (Ảnh: Azamat Imanaliev / Shutterstock).

Summers là người gốc Texas, năm 2006 tình cờ ông và vợ tham gia vào một chuyến du lịch đến Tân Cương. Ban đầu họ làm giáo viên tiếng Anh trong một trường học ở Karamay, và sau đó định cư ở Urumqi.

Hiện nay Summers nói thông thạo tiếng Trung, trước khi đến Tân Cương ông không nói được dù chỉ một câu tiếng Trung, cũng không biết gì về khu vực Duy Ngô Nhĩ ở tây bắc Trung Quốc, nhưng ông và vợ đã ở lại vì sức hấp dẫn của con người và văn hóa Tân Cương, đã trải qua cuộc sống 12 năm ở đó. Ông mở một trang web du lịch, dùng trải nghiệm du lịch của bản thân để viết thành cẩm nang du lịch và sản xuất video giới thiệu cho người phương Tây phong cảnh thiên nhiên cùng phong tục Tân Cương.

Ông nói: “Tôi thích sự đa dạng ở đó, đa dạng sinh học, đa dạng sắc tộc, và đa dạng văn hóa ẩm thực. Mọi thứ khiến cuộc sống trở nên rất thú vị, vì thế tôi không bao giờ cảm thấy nhàm chán. Luôn có những điều khác biệt và đặc biệt cho bạn khám phá”. Là một tín hữu Cơ Đốc nhưng ông không thấy xung khắc với nền văn hóa Hồi giáo địa phương mà dễ dàng hòa nhập vào.

Không khí văn hóa này cũng là một trong những lý do khiến vợ chồng Dyke đến từ Canada chọn sinh sống và lập nghiệp tại Tân Cương. Họ từng có khoảng thời gian làm nhân viên cho cơ quan phi chính phủ ở Trung Á, năm 2007 họ đến Tân Cương và sau đó ở Turpan mở một nhà máy ủ phân xử lý chất thải nông nghiệp. Họ có thể nói thành thạo tiếng Duy Ngô Nhĩ và tiếng Hán, và họ đã kết bạn với nhiều người Duy Ngô Nhĩ, trong đó có cả những nhân viên chính phủ.  

Bắt đầu của sự thay đổi

Nhưng sau biến cố ngày 5/7/2009 ở Urumqi thì tất cả bắt đầu thay đổi.

Summers cho biết: “Trước năm 2009, người Duy Ngô Nhĩ rất hiếu khách, mức độ hiếu khách đáng ngạc nhiên. Sau đó, họ thay đổi. Họ vẫn rất tốt, nhưng họ đã cảnh giác với tôi. Sau này tôi mới phát hiện là vì nhiều người bạn hiếu khách của tôi gặp rắc rối (bởi chính quyền) là do thân thiết với tôi”.

Vụ việc ngày 5/7 lúc đầu là một cuộc biểu tình, sau đó phát triển thành bạo động kéo dài nhiều ngày, đụng độ đẫm máu và bạo lực giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán. Các nhà chức trách Trung Quốc đổ lỗi vụ việc là do “chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa ly khai và khủng bố”, từ đó khiến chính sách Tân Cương của Đảng Cộng sản Trung Quốc thay đổi, nhấn mạnh áp lực cao để duy trì sự ổn định.

Hai vợ chồng Dyke kể rằng từ trước đó họ cũng cảm nhận được căng thẳng giữa người Hán và người Duy Ngô Nhĩ, sau vụ việc thì ngờ vực giữa hai bên ngày càng gia tăng. Gary Dyke kể: “Sau đó, chúng tôi bắt đầu thấy ngày càng có nhiều chính sách chống lại văn hóa Duy Ngô Nhĩ, Hồi giáo, tôn giáo Duy Ngô Nhĩ, gây áp lực lên người Duy Ngô Nhĩ”.

Giám sát khắp nơi

Sau năm 2016 vợ chồng Dyke nhận thấy những thay đổi rõ ràng hơn: ngày càng có nhiều cảnh sát ra đường, các chốt kiểm soát được lập ở mọi ngã tư lớn, chỉ cho phép một lối vào trong các khu dân cư, và cho lắp đặt camera giám sát ở khắp nơi. Năm đó ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) được điều động đến Tân Cương phụ trách, trước đó ông ta là Bí thư Đảng ủy khu tự trị Tây Tạng.

Andrea Dyke kể: “Mỗi tuần lại có chính sách mới và những hạn chế mới… Điều đó không khác gì từng bước dựng nên thành phố cảnh sát với camera nhận dạng khuôn mặt, cảnh sát tuần tra ở mọi góc phố, xe cảnh sát thường xuyên đi khắp các khu dân cư để kiểm tra an ninh”.

Gary Dyke kể, có lần ông thấy một người đàn ông Duy Ngô Nhĩ lớn tuổi muốn vào chợ, nhưng chợ vừa đến lúc đóng cửa, bảo vệ không cho vào khiến người đàn ông Duy Ngô Nhĩ bực bội to tiếng, cũng đã có xô đẩy nhân viên bảo vệ, vậy là chỉ trong vòng nửa phút đã có xe cảnh sát đến hiện trường và bắt người đàn ông Duy Ngô Nhĩ đi.

Summers, người sống ở Urumqi vào thời điểm đó, cũng trải nghiệm quá trình leo thang không ngừng của việc giám sát và các biện pháp hạn chế khác nhau. “Ban đầu mức độ chỉ nhỏ, rồi cuối cùng đến mức có đến 12 camera trong một đoạn đường ngắn ở Urumqi khi tôi đi bộ từ bến xe buýt đến nơi ở”, ông kể. “Thời điểm tôi rời Tân Cương, đại khái cứ khoảng 100 – 300 mét có một chốt cảnh sát, ngoài ra trên đường còn có các trạm kiểm soát để cảnh sát kiểm tra điện thoại di động.”

Ông nhớ lại một lần điện thoại di động của ông đột nhiên không sử dụng được, đã nhờ trợ giúp từ nhà vận hành điện thoại, nhưng họ đã trực tiếp yêu cầu ông đến đồn cảnh sát, người ở đồn cảnh sát đã kiểm tra điện thoại của ông và xử lý tất cả ứng dụng WhatsApp, Skype và VPN trên điện thoại, sau đó ông mới quay lại nhà điều hành để khởi động lại dịch vụ được.

Các biện pháp kiểm tra và kiểm soát tác động đến tất cả mọi người, nhưng việc thực hiện với người Hán tương đối lỏng lẻo. Summers nói: “Ví dụ, nếu 10 người qua trạm kiểm soát, trong đó có 3 người Duy Ngô Nhĩ, 3 người Hán, còn lại 1 người là người nước ngoài, thì 3 người Duy Ngô Nhĩ và 1 người nước ngoài sẽ phải đến một nơi, chỉ có 3 người Hán có thể đi thẳng qua . Điều này luôn xảy ra”.

“Cảm giác là bạn luôn bị nghi ngờ”, ông nói. “Tôi luôn phải biện hộ cho những gì mình không làm. Tôi nghĩ người Duy Ngô Nhĩ cũng cảm thấy như vậy”.

Bao phủ trong sợ hãi

Đến năm 2017, một số người bạn Duy Ngô Nhĩ của Summers bắt đầu “biến mất”.

Tôi biết có những người đang ở trong các trại cải tạo”, Summers nói.

Vợ chồng Dyke ở Turpan cũng bắt đầu thường xuyên nghe tin người dân địa phương bị gửi đến các trại tạm giam gọi là “trường học”. Andrea Dyke nói: “Tôi quen một phụ nữ đã bị đưa vào trại chỉ vì trước đó vài năm cô ấy đã ra nước ngoài tham gia một lễ hội”.

Sau đó họ chứng kiến một trại tạm giam đã được xây dựng cách nơi ở của họ khoảng 10 phút lái xe. Gary Dyke cho biết: “Bức tường cao ít nhất 15 feet, giống như bức tường bên ngoài của một nhà tù, bên trong đó là một tòa nhà giống như chung cư với hàng rào thép gai vây quanh, chỉ có một lối ra vào nhưng có ba cổng an ninh có trang bị camera giám sát và lính canh”.

Vì quan hệ làm ăn, Gary thường đến các làng mạc và thị trấn xung quanh Turpan. Ông cho biết trước đây trên đường của các làng và thị trấn đó luôn dễ dàng thấy hàng trăm người qua lại, nhưng năm 2017 và 2018 chỉ còn thấy được rải rác vài người trên đường. Ông nói: “Vì mọi người sợ, cũng vì nhiều người bị đưa vào trại cải tạo, người trong làng ít đi là điều có thể thấy rõ”.

Theo báo cáo từ chính phủ Mỹ và các tổ chức nhân quyền, người ta cho rằng kể từ năm 2017 đến nay đã có ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ và người dân tộc thiểu số khác theo Hồi giáo bị nhà cầm quyền Trung Quốc giam cầm trong các trại cải tạo, tại đó họ bị đối xử tàn bạo như tra tấn và cưỡng bức lao động.

Daniel Nadel, Giám đốc Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, nói rằng về cơ bản Chính phủ Trung Quốc đã biến Tân Cương thành một “trại tập trung lộ thiên”. Chính phủ Mỹ, quốc hội Canada, Hà Lan và Anh, và gần đây nhất là quốc hội Litva, đã xác định nhà cầm quyền Trung Quốc gây tội ác diệt chủng ở Tân Cương.

Phía Trung Quốc bác bỏ những cáo buộc, khẳng định những cơ sở đó chỉ là “trung tâm giáo dục và đào tạo kỹ năng nghề”, mục đích để xóa đói giảm nghèo, chống chủ nghĩa cực đoan và khủng bố. Bắc Kinh cáo buộc Mỹ và các nước phương Tây khác sử dụng vấn đề Tân Cương để gây bất ổn và kiềm chế Trung Quốc, lên án Mỹ và phương Tây “thà tin lời nói dối của một vài người chứ không chịu lắng nghe nguyện vọng chung của hơn 25 triệu người thuộc các dân tộc ở Tân Cương và 1,4 tỷ người dân Trung Quốc”.

Vợ chồng Dyke cho biết, khi chính phủ bắt đầu tăng cường kiểm tra an ninh và triển khai các biện pháp hạn chế, một số bạn bè của họ tin rằng những biện pháp này có lợi cho việc chống khủng bố và đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, khi các chính sách và biện pháp không ngừng gia tăng thì họ cũng bắt đầu cảm thấy không hợp lý và bất công, nhưng không thể làm gì được, cũng không dám tin.

Gary nói: “Họ lo lắng cho cuộc sống của mình, sợ bị đưa vào trại cải tạo”.

“Mọi người phải hết sức thận trọng, bạn cũng biết khắp nơi có camera”, Andrea kể. “Họ sợ lên tiếng trong mọi chuyện, không khí lo lắng bao trùm. Một người bạn đã khóc khi nói cùng tôi: ‘Tôi không muốn rời xa bọn trẻ. Nếu họ đưa tôi vào, tôi phải mang con theo’. Cô ấy rất lo sợ bị tách khỏi con mình”.

Cô nói rằng bạn bè của con cô lo lắng khi chúng đủ 18 tuổi, “Vì chúng sợ đến tuổi trưởng thành có thể bị đưa vào trại cải tạo”. Cô thấy những bạn trẻ chụp ảnh hút thuốc và uống rượu và đăng chúng lên mạng xã hội để bản thân “trông không giống người Hồi giáo”.

Summers nói rằng những người bạn người Duy Ngô Nhĩ và người Hán của ông đã công khai gật đầu ủng hộ chính sách của chính phủ, nhưng ông nói: “Từ trải nghiệm cá nhân của tôi, tôi biết (chính quyền) đối xử với tôi như thế nào. Là một người nước ngoài, được đối xử tốt hơn nhiều so với người Duy Ngô Nhĩ địa phương. Tôi có thể hình dung ra hoàn cảnh khó khăn và tâm trạng của họ: nếu tôi hy vọng con tôi có được bất cứ tương lai gì thì tôi phải im lặng mà sống, muốn vợ được bình yên thì tôi phải cúi đầu mà sống”.

Summers và vợ đã bị chính quyền Trung Quốc trục xuất vào năm 2018, mặc dù hầu hết phát biểu cùng cảnh quay của ông đều cho thấy bức tranh tích cực ở Tân Cương chứ không giống những lời phê phán của phương Tây, mặc dù hai năm trước kênh tiếng Anh của CCTV đã phỏng vấn ông và công bố một chương trình đặc biệt về 10 năm ông ở Tân Cương. Summers nói: “Tôi nghĩ có thể họ (chính quyền Trung Quốc) nghĩ rằng tôi thường mang theo máy ảnh đi lại khắp nơi và viết lách, vì vậy xem tôi như là phóng viên, làm họ không thoải mái. Vì vậy họ muốn chúng tôi rời đi”.

Vào năm 2018 vợ chồng Dyke đã phải rời khỏi nơi họ đã sống hơn 10 năm để trở về Canada. Đó là năm mà Trung Quốc đã thắt chặt chính sách thị thực, khiến số lượng lớn người nước ngoài phải rời khỏi Tân Cương.

Vợ chồng Dyke cũng kể rằng họ chọn ra đi vì lo lắng thân phận nước ngoài của họ sẽ khiến những người bạn Duy Ngô Nhĩ của họ chịu rủi ro, sau đó nhiều người đã bị đưa vào trại cải tạo vì đã đi du lịch nước ngoài hoặc vì những lý do nhỏ nhặt khác.

Họ cho biết từ rất sớm đã muốn kể lại trải nghiệm của bản thân, nhưng vào thời điểm đó không ai muốn nghe, bây giờ khi mọi người chú ý hơn đến vấn đề Tân Cương thì mới sẵn sàng lắng nghe hơn. Họ nói rằng khi ở Tân Cương họ không muốn và không muốn tin vào những gì chứng kiến, nhưng “hàng ngày đều chứng kiến những điều như vậy xảy ra”.

Sau khi Summers cùng gia đình rời Trung Quốc đã đến Thái Lan, trang web và kênh YouTube quảng bá du lịch Tân Cương của ông vẫn còn, tuy không còn cập nhật nội dung nhưng ông vẫn trợ giúp cho những khách du lịch cần tư vấn. Từ góc nhìn cá nhân, ông cho biết cách tốt nhất để hiểu về Tân Cương và Trung Quốc là tận mắt trải nghiệm và cảm nhận. Ông nói ông không quá lưu tâm chính trị, so với những cuộc thảo luận hiện nay về vấn đề Tân Cương thì ông quan tâm hơn việc gặp lại những người bạn cũ.

Sau khi Summers và Dyke rời Trung Quốc, cả hai đã chủ động cắt đứt mọi liên lạc với Tân Cương, không còn kết nối với bạn bè ở đó. “Tôi không muốn gây rắc rối cho họ”, Summers nói.

Dù trước đó trong phóng sự đặc biệt của CCTV, Summers cho biết rằng Tân Cương sẽ ngày càng phát triển, mong muốn cùng gia đình xây dựng ​​tương lai tại đó. Bây giờ nhìn lại, Summers than thở: “Tương lai và sự phát triển phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, những yếu tố đó đã không còn tồn tại”.

Mạc Vũ, Đài VOA Mỹ

Xem thêm: