Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình (ĐCSTQ) đã tới Bangkok vào ngày 17/11 để tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC. Nhiều người đã xuống đường phản đối ĐCSTQ và chuyến thăm của ông Tập. Người trong cuộc cho biết cuộc biểu tình như thế này là rất hiếm ở Thái Lan.

bieu tinh o Thai Lan
Người dân Thái Lan biểu tình phản đối các lãnh đạo ĐCSTQ trong đó có ông Tập Cận Bình. (Ảnh chụp màn hình video)

Trong Tuần lễ các nhà lãnh đạo kinh tế hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương do Thái Lan đăng cai, ngày 15 và 16/11 là Hội nghị quan chức cấp cao, ngày 17/11 là Hội nghị Bộ trưởng APEC, ngày 18 và 19/11 là Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của các nhà lãnh đạo APEC kể từ khi bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán do virus Trung Cộng gây ra.

Hội nghị APEC được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Queen Sirikit.

Chiều ngày 17/11 theo giờ địa phương, khi chuyên cơ chở ông Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện hạ cánh tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok, Thủ tướng Thái Lan Prayuth và phu nhân đã có mặt để chào đón họ. Đây là cuộc họp quốc tế quan trọng thứ hai mà ông Tập tham dự sau Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Indonesia.

Vào ngày ông Tập Cận Bình đến Bangkok, số lượng người biểu tình ngay lập tức tăng mạnh, nhiều người Thái đã xuống đường để phản đối chuyến thăm của ông.

Mặc dù cảnh sát Bangkok đã được tăng cường để đảm bảo an ninh, nhưng vẫn có nhiều nhóm xã hội dân sự Thái Lan biểu tình tại các địa điểm khác nhau ở Bangkok, họ phản đối chuyến thăm của lãnh đạo ĐCSTQ. 

Theo báo cáo từ trang “Prachatai” (Người tự do – Thái Lan), vào lúc 9:00 tối ngày 15/11, một nhóm người hóa trang thành hình tượng ma quỷ Trung Quốc như bạch xà tinh, v.v., trên đường Yaowarat và tàu điện ngầm ở khu phố Tàu của Bangkok. Họ biểu thị kháng nghị đối với chuyến thăm của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình.

Trong số các đám đông biểu tình, có người cầm những tấm bảng viết bằng tiếng Trung, tiếng Anh và tiếng Thái, với nội dung như: “Chào mừng nhà độc tài đến Thái Lan”, “Quang phục Hồng Kông, Cách mạng của thời đại”, v.v.

Đoạn video từ hiện trường biểu tình cho thấy một số người giương cao các khẩu hiệu như “Chỉ chú ý đến đầu tư, không quản nhân quyền”, một cô gái cầm một con búp bê Winnie the Pooh dán mặt ông Tập Cận Bình, và tay phải của cô cầm khẩu hiệu “Hãy thả Hoàng Chi Phong”. Theo Thông tấn xã Trung ương Đài Loan, cô gái tên Anna (17 tuổi), là học sinh trung học. Cô phản đối hành vi bá quyền của ĐCSTQ, phản đối chính sách “một Trung Quốc” của ĐCSTQ và kêu gọi trả tự do cho nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông Hoàng Chi Phong đang bị giam giữ.

Anna cho biết khi đến hiện trường biểu tình hôm nay, cô có chút lo lắng cho sự an toàn của bản thân, nhưng cô vẫn muốn bày tỏ cảm nghĩ của mình và đứng lên chống lại cường quyền.

Trong những ngày qua, nhiều video và hình ảnh người dân Thái Lan phản đối chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đã được lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Đồng thời, trong đám đông biểu tình còn có những người bất đồng chính kiến với ​​​​ĐCSTQ, hiện lưu vong ở Thái Lan và những người Thái gốc Hoa. Cuộc biểu tình quy mô lớn trực tiếp nhắm vào các lãnh đạo ĐCSTQ, được ngoại giới gọi là “hiếm thấy”.

Một người Thái gốc Hoa nói với Đài Á Châu Tự Do rằng đây là lần đầu tiên ông chứng kiến ​​các cuộc xuống đường phản đối ông Tập Cận Bình ở Thái Lan. Ông nói rằng trước đó, ông Khương Dã Phi (Jiang Yefei), cựu chủ tịch chi nhánh Thái Lan của “Mặt trận Dân chủ Trung Quốc”, đã vẽ ảnh chân dung ông Tập Cận Bình trên Internet và bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ dưới áp lực của ĐCSTQ, bị dẫn độ về Trung Quốc. Sau đó, ông Khương Dã Phi đã bị chính quyền ĐCSTQ kết án 6,5 năm tù giam vào năm 2018 vì tội “lật đổ chính quyền và vượt biên trái phép”.

Một phụ nữ Thái gốc Hoa nói với tờ Epoch Times vào ngày 18/11, rằng những cuộc biểu tình chỉ đích danh ông Tập Cận Bình như vậy là rất hiếm. Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã thâm nhập vào Thái Lan một cách nghiêm trọng, Chính phủ Thái Lan thân cộng, nhưng người dân nói chung phản cảm với ĐCSTQ, trong đó có nhiều thanh niên người Hoa.

Bên cạnh đó, từ video do nhà nghiên cứu Prawit Rojanaphruek của Reuters đăng trên Twitter vào ngày 18/11 có thể thấy: Vào sáng thứ Sáu (ngày 18/11), một lượng lớn người biểu tình gồm các đoàn thể khác nhau đã diễu hành đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia Queen Sirikit. Mặc dù một số người đã đụng độ với cảnh sát và bị bắt trong thời gian này, nhưng những người khác vẫn ngoan cường tuần hành trên đường phố, cầm biểu ngữ và hô vang khẩu hiệu. Người dân thuộc mọi tầng lớp tập trung bên cạnh Tượng đài Dân chủ ở Bangkok để tiếp tục biểu tình.

Trong các cuộc xung đột phản đối, thông thường người Thái Lan bao gồm cả quân đội và cảnh sát rất tôn trọng các nhà sư, nhưng lần này một cảnh sát chống bạo động đã tấn công những người biểu tình bên cạnh Tượng đài Dân chủ, trong đó có một người đàn ông mặc áo cà sa tham gia biểu tình. Sự việc này khiến người Thái Lan kinh ngạc. Dự đoán viên cảnh sát này có thể bị điều tra trong tương lai, bởi vì nhà sư không phải là người duy nhất anh ta làm tổn thương. Có thể thấy sự chuyên chế của ĐCSTQ không được lòng người như như thế nào.

Thủ tướng Thái lan Prayuth muốn bắt tay ông Tập nhưng bị phớt lờ?

Vào tối ngày 17/11 khi ông Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện đến Bangkok, nhà báo Mathias Peer của tờ Handelsblatt (Đức) đã tweet rằng có một cảnh đáng xấu hổ trong buổi chiêu đãi chào mừng APEC 2022 THÁI LAN: Thủ tướng Thái Lan Prayuth muốn bắt tay với ông Tập Cận Bình — nhưng Chủ tịch Trung Quốc phớt lờ ông.

Đoạn video đính kèm dòng tweet cho thấy sau khi vợ chồng ông Tập Cận Bình đứng trên sân khấu chụp ảnh chung với vợ chồng ông Prayuth, ông Prayuth quay sang phía ông Tập Cận Bình, cúi đầu chào và đưa tay ra bắt tay ông Tập. Tuy nhiên ông Tập chỉ gật đầu rồi rời đi. Lúc này, tay phải của ông Prayut duỗi ra, ông nhìn về phía trước, vẻ mặt lúng túng, chạm vào mũi rồi cùng vợ rời đi.

Trí Đạt (t/h)