Một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Seoul cho biết trong một báo cáo công bố vào thứ Ba (21/2) rằng bãi thử hạt nhân dưới lòng đất của Triều Tiên đã phát tán chất phóng xạ qua mạch nước ngầm, có thể gây nguy hiểm cho hàng chục ngàn người Triều Tiên cũng như người Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

np file 135315 870x489 1
Cảnh Triều Tiên thử vũ khí được thiết kế nhằm tăng cường khả năng hạt nhân của nước này. (Ảnh: KCNA)

Theo Chính phủ Mỹ và Hàn Quốc, từ năm 2006 – 2017, Triều Tiên đã bí mật tiến hành 6 vụ thử vũ khí hạt nhân tại Punggye-ri ở vùng núi của tỉnh Bắc Hamgyong.

Nghiên cứu của “Nhóm Công tác Tư pháp Giai đoạn Quá độ” (Transitional Justice Working Group) của Hàn Quốc báo cáo rằng chất phóng xạ có thể đã lan qua nước ngầm đến 8 thành phố và huyện ở gần địa điểm hạt nhân tại Punggye-ri, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hơn một triệu người Triều Tiên sinh sống ở lân cận. Vì nguồn nước ngầm được sử dụng cho cuộc sống hàng ngày.

Được thành lập vào năm 2014, nhóm này làm việc với các chuyên gia hạt nhân, chuyên gia y tế và những người đào tẩu Triều Tiên, đồng thời sử dụng thông tin tình báo nguồn mở và các báo cáo của chính phủ và Liên Hợp Quốc trong nghiên cứu của nhóm. Nghiên cứu được hỗ trợ bởi “Quỹ Dân chủ Quốc gia” (National Endowment for Democracy), một tổ chức phi lợi nhuận được tài trợ bởi Quốc hội Mỹ.

“Báo cáo này rất quan trọng vì cho thấy các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên có thể đe dọa quyền sống và sức khỏe không chỉ của người dân Triều Tiên mà còn của người dân ở Hàn Quốc và các nước láng giềng khác”, trưởng nhóm và đồng tác giả Hubert Young-hwan Lee cho biết.

Vào năm 2015, cơ quan an toàn thực phẩm của Hàn Quốc đã phát hiện trong nấm nhím (hydnum repandum) nhập khẩu có mức độ đồng vị phóng xạ cesium cao gấp 9 lần mức tiêu chuẩn. Những loại nấm nhím này được bán dưới dạng sản phẩm của Trung Quốc, nhưng nguồn gốc thực sự của chúng là từ Triều Tiên.

Reuters đưa tin, Trung Quốc và Nhật Bản đã tăng cường giám sát phóng xạ và bày tỏ lo ngại về khả năng xảy ra bụi phóng xạ từ vụ thử hạt nhân trước đó của Triều Tiên, nhưng không công khai cung cấp thông tin về thực phẩm bị nhiễm xạ.

Nhiều chuyên gia bên ngoài đã bày tỏ lo ngại về những rủi ro sức khỏe có thể xảy ra khi nước bị nhiễm bẩn. Nhưng Triều Tiên bác bỏ trong tuyên bố không đưa ra bằng chứng rằng không có việc giải phóng vật chất nguy hiểm sau các vụ thử hạt nhân trước đây của họ.

Nhiều bên lo ngại

Ngày 24/5/2018, Triều Tiên mời các phóng viên nước ngoài chứng kiến ​​việc nước này phá hủy một phần đường hầm tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri, tuy nhiên họ tịch thu máy dò phóng xạ của các phóng viên. Các phương tiện truyền thông được mời tham dự buổi lễ ngày hôm đó đã đưa tin rằng Triều Tiên đã dỡ bỏ bãi thử hạt nhân.

Kể từ năm 2018, trong bối cảnh quan hệ xuyên biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên tan băng, Bộ Thống nhất của Seoul – cơ quan xử lý các vấn đề liên Triều – đã ngừng tiến hành kiểm tra mức độ phơi nhiễm phóng xạ đối với những người đào thoát.

Nhưng vào năm 2017 và 2018, khi 40 người Triều Tiên đào thoát khỏi khu vực xung quanh Punggye-ri được kiểm tra phóng xạ, cho thấy ít nhất 9 người trong số họ có biểu hiện bất thường. Tuy nhiên, Bộ Thống nhất của Seoul cho biết họ không thể xác định liệu có mối liên hệ trực tiếp nào với cơ sở hạt nhân hay không.

Báo cáo cho biết hơn 880 người Triều Tiên đã trốn thoát khỏi những khu vực này kể từ năm 2006.

Nhóm nhân quyền kêu gọi nối lại quá trình kiểm tra mức độ phơi nhiễm phóng xạ của những người đào thoát, đồng thời tổ chức cuộc điều tra quốc tế về rủi ro phóng xạ ở các cộng đồng lân cận khu hạt nhân Punggye-ri.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, nếu có báo cáo các vấn đề về sức khỏe của những người đào thoát và yêu cầu hỗ trợ về phơi nhiễm phóng xạ thì họ sẽ xem xét khởi động lại hoạt động kiểm nghiệm phơi nhiễm phóng xạ.

Sau khi các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ đi vào bế tắc, Triều Tiên ngày càng tỏ ra hung hăng trong vấn đề vũ khí hạt nhân. Seoul và Washington cho rằng Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ 7.

Các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc hôm thứ Hai (20/2) cho biết, vào ngày hôm đó (20/2), Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo ra vùng biển gần bờ biển phía đông của bán đảo Triều Tiên, đây là vụ thử tên lửa tiếp theo của Triều Tiên sau khi hôm thứ Bảy (18/2) nước này phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào vùng biển ngoài khơi bờ biển phía tây Nhật Bản. Các bên Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Liên Hợp Quốc đều phản ứng về động thái của Triều Tiên.

Hôm thứ Hai (20/2), Bộ Ngoại giao Seoul công bố lệnh trừng phạt đối với 4 cá nhân và 5 thực thể có liên quan đến các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng vì các vụ thử tên lửa và ICBM gần đây.

“Chính phủ chúng tôi đã cho biết rõ những hành động khiêu khích của Triều Tiên chắc chắn sẽ phải trả giá. Những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của họ khiến Hàn Quốc và Mỹ phải tăng cường khả năng răn đe và thắt chặt mạng lưới trừng phạt toàn cầu”, Bộ này cho biết trong một tuyên bố.