Cải cách thuế, giảm quy định hành chính, và một nền kinh tế bùng nổ đang biến nước Mỹ thành ‘thiên đường an toàn’ cho các nhà đầu tư toàn cầu.

Embed from Getty Images

Mỹ đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn cho doanh nhân toàn cầu. 

Khảo sát gần đây của McKinsey với hơn 1.100 giám đốc điều hành từ nhiều khu vực địa lý và ngành nghề trên toàn cầu cho thấy rằng Mỹ đang cung cấp môi trường tốt nhất cho tăng trưởng kinh doanh.

Khảo sát toàn cầu của McKinsey được thực hiện trực tuyến từ ngày 3 tới 7/9, tập hợp câu trả lời từ 1.158 đáp viên đại diện cho nhiều khu vực, ngành nghề, quy mô công ty v.v…

Kết quả khảo sát cho thấy phần nhiều đáp viên bày tỏ giảm lạc quan về nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, Mỹ trong những tháng gần đây lại giành được sự chú ý nhiều hơn, trở thành điểm đến cho các cơ hội kinh doanh mới.

Cuộc khảo sát của McKinsey thường hỏi các giám đốc điều hành trong khối doanh nghiệp tư nhân xem họ nhận thấy các quốc gia nào cung cấp cho doanh nghiệp của họ cơ hội tăng trưởng lớn nhất trong năm tới.

Báo cáo của McKinsey cho biết: “Sáu tháng trước, các đáp viên có xu hướng viện dẫn chính quốc gia của họ hoặc những nước gần kề. Nhưng trong cuộc khảo sát mới nhất, kết quả cho thấy rằng những cơ hội kinh doanh tốt nhất dường như đang chuyển dịch khỏi các nền kinh tế mới nổi địa phương (ví dụ như Trung Quốc và Brazil) và hướng tới các nền kinh tế đã phát triển như Mỹ”.

Những đáp viên tại Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ bây giờ xác nhận Mỹ chứ không phải đất nước của họ là thị trường hấp dẫn nhất để họ triển khai đầu tư kinh doanh.

Cũng trong cuộc khảo sát nêu trên, về việc đánh giá nền kinh tế toàn cầu, 38% giám đốc điều hành nói rằng điều kiện kinh doanh trong 6 tháng qua đã tồi tệ đi, tăng hơn con số 26% trong cuộc khảo sát hồi tháng Sáu. Và đây cũng là lần đầu tiên kể từ cuối năm 2016, số đáp viên tin rằng các điều kiện kinh tế toàn cầu đang xấu đi lớn hơn số người đánh giá các điều kiện kinh tế được cải thiện.

Cuộc khảo sát của McKinsey cũng phát hiện rằng các đáp viên đang có quan điểm ngày càng thận trọng về thương mại quốc tế.

Kết quả này có lẽ không đáng ngạc nhiên vì vấn đề thương mại vẫn chiếm ưu thế trong top đầu các mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế”, báo cáo nhận định.

Nhìn chung, các đáp viên ở các nước thị trường mới nổi đặc biệt bi quan hơn những đồng nghiệp của họ ở các nước đã phát triển.

Trong 6 tháng qua, các giám đốc điều hành tại thị trường mới nổi đã trở nên bi quan hơn về nền kinh tế thế giới và cho rằng lực lượng lao động của họ sẽ sụt giảm trong vài tháng tới. Một phần tư trong số họ cũng dự báo rằng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm trong 6 tháng tới. Số người bi quan như vậy là cao gấp đôi so với cuộc khảo sát từ 6 tháng trước.

Quan điểm không tích cực tại các nền kinh tế mới nổi cũng phản ánh trong báo cáo về dòng tiền luân chuyển toàn cầu.

Theo báo cáo dòng tiền mới nhất do Viện Tài chính Quốc tế (IIF) phát hành, các nhà đầu tư đang có xu hướng rút tiền của họ khỏi các nền kinh tế mới nổi từ đầu năm 2018.

Phó Giám đốc IIF Emre Tiftik nói qua email gửi báo giới: “Các nhà đầu tư tài chính đặt trụ sở tại các thị trường đã phát triển, đã giảm mạnh xúc tiến đầu tư vào các thị trường mới nổi, trong khi lại tăng xúc tiến đầu tư vào Mỹ”.

Theo Epoch Times, khuynh hướng dịch chuyển dòng tiền đầu tư toàn cầu có lẽ sẽ còn tiếp diễn khi các nhà đầu tư ngày càng trở nên lo lắng hơn về các nền kinh tế mới nổi nói chung.

Xuân Thành

Xem thêm: