Theo truyền thông nhà nước Nga, một nhà khoa học hàng đầu của Nga trong lĩnh vực bay siêu thanh đã bị bắt hôm thứ Sáu (ngày 5/8) vì tình nghi phản quốc.

shutterstock 1802938744
Phi cơ chiến đấu siêu thanh MiG-31K chở theo tên lửa siêu thanh Kinzhal. (Ảnh: Vaalaa/ShutterStock)

Tiến sĩ Alexander Shiplyuk, giám đốc Viện Cơ học Lý thuyết và Ứng dụng thuộc Chi nhánh Siberi của Viện Khoa học Nga (Institute of Theoretical and Applied Mechanics of the Russian Academy of Sciences’ Siberian Branch), là nhà khoa học Nga thứ 3 bị bắt vì tội phản quốc trong mùa hè này.

Giám đốc khoa học của viện này, ông Vasily Fomin, nói với hãng thông tấn TASS của Nga rằng ông Shiplyuk đã được đưa đến trung tâm giam giữ trước khi xét xử ở Lefortovo ở Moscow.

Ông Fomin nói, “Ông ấy phải đối mặt với cáo buộc tương tự như ông Maslov, tội phản quốc”, và cho biết thêm rằng cuộc điều tra đang được tiến hành.

Ông Anatoly Maslov, trưởng nhóm nghiên cứu của viện này, đã bị bắt vào ngày 27/6 vì tình nghi chuyển nhượng dữ liệu cơ mật của nhà nước liên quan đến tên lửa siêu thanh. Một nguồn tin am hiểu về tình hình nói với TASS rằng Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSS) đang điều tra về vụ án của ông.

Theo trang web của viện, phòng thí nghiệm công nghệ do ông Alexander Shiplyuk đứng đầu có một đường hầm gió độc nhất vô nhị được xây dựng đặc biệt để mô phỏng các điều kiện siêu âm.

Nga, Trung Quốc và Mỹ đều đang nỗ lực phát triển các phương tiện lượn siêu thanh (HGV).

Đây là những vũ khí có tính cơ động cao, về mặt lý thuyết có khả năng điều chỉnh hướng đi và độ cao khi bay ở tốc độ siêu âm để tránh sự phát hiện của radar và hệ thống phòng ngự tên lửa.

Các chuyên gia cho rằng loại vũ khí này rất khó phòng ngự.

Nga được cho là có một HGV trong kho vũ khí của mình, tức Avangard.

Vào ngày 30/6, một nhà khoa học khác, ông Dmitry Kolker, bị bắt tại Tòa án quận Sovetsky của Novosibirsk. Ông là nhà nghiên cứu tại Viện Vật lý Laser thuộc Chi nhánh Siberi của Viện Hàn lâm Khoa học Nga (Institute of Laser Physics of the Siberian Branch of the Russian Academy of Sciences).

Theo Reuters, ông Dmitry Kolker, người đứng đầu một phòng thí nghiệm quang học lượng tử, đã bị buộc tội phản quốc vì liên quan đến hợp tác với các cơ quan an ninh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Nhưng gia đình ông phản bác rằng cáo buộc này được dàn dựng sau khi ông đến Trung Quốc để họp công khai.

Ông Dmitry Kolker được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn 4 nhưng vẫn được đưa từ một phòng khám tư đến trung tâm giam giữ Lefortovo ở Moscow, nơi ông qua đời vào ngày 2/7.

Tờ Washington Examiner đưa tin, vụ án gián điệp Nga có liên quan đến ĐCSTQ, điều này cho thấy dù hai bên luôn nói rằng “không có giới hạn hợp tác”, nhưng họ vẫn luôn đề phòng lẫn nhau.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong Thông cáo chung hồi tháng 2 rằng “hợp tác không có giới hạn trên” và Trung Quốc và Nga dự định khuyến khích sự tương tác trong các lĩnh vực y tế cộng đồng, kinh tế kỹ thuật số, khoa học, đổi mới và công nghệ, bao gồm cả công nghệ trí thông minh nhân tạo, và tăng cường sự phối hợp của các nước BRICS trên sân chơi quốc tế.