Nhà kinh tế học Peter Morici, giáo sư kinh tế tại Đại học Maryland, từng đảm trách vai trò kinh tế trưởng tại Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ từ 1993 đến 1995, mới đây đã có bài viết đăng trên Fox News gửi tới Tổng thống Trump cách thức chiến thắng trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Dưới đây là toàn văn bài viết của ông Peter Morici:

—***—

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc chiến thương mại nhắm vào các ngành công nghiệp Mỹ và đánh cắp công ăn việc làm của công nhân Mỹ.

Embed from Getty Images

Ông Trump tôn trọng ông Tập nhưng vấn đề công bằng thương mại vẫn phải rõ ràng.

Sự yếu kém của Tổng thống Obama về thương mại – cùng với nỗi ám ảnh của phe cánh tả với nền chính trị bản sắc (1) — đã giúp đưa ông Donald Trump vào Nhà Trắng. Bây giờ chúng ta có một nhà lãnh đạo đặt quyền lợi công nhân Mỹ lên trên hết nhưng đội ngũ cố vấn kinh tế còn nhiều chia rẽ của ông dường như không biết chút gì về cách đưa ra áp lực hiệu quả để giành chiến thắng trong đàm phán hoặc đơn phương sắp xếp lại thương mại Mỹ-Trung nếu cần thiết để đạt được sự công bằng.

Để chiếm ưu thế trong bất kỳ cuộc đối đầu quốc tế nào cho dù là giải giáp vũ khí của Bắc Hàn, ngăn cản sự bành trướng của Nga hoặc sửa chữa lại thương mại bất công, Tổng thống cần hiểu kẻ thù, nuôi dưỡng đồng minh để gây áp lực cho địch thủ và tán dương hành động của Mỹ, đồng thời cần thực hiện một chiến lược làm cho việc trả đũa trở nên khó khăn.

Những phụ tá có quan điểm cứng rắn của Tổng thống Trump như Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Giám đốc Thương mại Peter Navarro có thể đã nhầm lẫn thương mại với thế giới với thương mại với Trung Quốc. Tổ Chức Thương mại Thế giới (WTO) không nên bị phá vỡ và các đồng minh của Mỹ không phải là tội phạm thương mại. Liên minh Châu Âu (EU) có các rối loạn về chức năng của khối này – đáng kể nhất là sự ảnh hưởng của Đức với nhiều thặng dư thương mại mà nạn nhân là các thành viên EU ở Nam Âu và Hoa Kỳ – nhưng việc đánh thuế Châu Âu và Canada không giải quyết được vấn đề thương mại số một của Mỹ.

Mỹ thâm hụt thương mại 515 tỷ USD, trong đó có tới 374 tỷ USD là thâm hụt với Trung Quốc và lượng dầu mỏ nhập khẩu chiếm hầu hết phần còn lại. Trái ngược với tuyên bố của Tổng thống Trump, chúng ta đang có thặng dư thương mại chút ít với Canada.

Các đồng minh của Mỹ ngày càng nhận ra chủ nghĩa trọng thương của Trung Quốc và mục tiêu thống trị lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và các ngành công nghệ quan trọng khác vào năm 2025 của họ là một mối đe dọa lớn. Các nước đồng minh có thể tham gia cùng Mỹ để gây áp lực lên Trung Quốc nhưng việc đánh thuế họ vô tình đã đẩy họ tiến gần hơn về phía Bắc Kinh.

Các nguyên tắc của WTO là nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế thị trường phương Tây và cơ chế giải quyết tranh chấp của tổ chức này được thiết kế để xét xử tội lỗi của các chính sách công nghiệp phương Tây quá thiên về bảo hộ nội địa, ví như trợ cấp của nhà nước đối với hãng sản xuất máy bay Airbus.

Năm 2001, Trung Quốc đã được nhận vào WTO với giả thuyết rằng các chính sách kinh tế của họ sẽ phát triển theo các tiêu chuẩn phương Tây. Nhưng thay vì áp dụng chuẩn mực phương Tây, Trung Quốc đã đạt được giàu có nhờ khai thác tình trạng đất nước đang phát triển của mình trong WTO – Ví như WTO cho phép Trung Quốc đánh thuế 25% lên ôtô, trong khi Mỹ chỉ đánh thuế 2,5% mặt hàng này – và nhắm mục tiêu, đạt được các công nghệ quan trọng bằng cách áp dụng các chiến thuật cưỡng chế và trộm cắp công khai.

Trung Quốc thực thi một loạt các biện pháp không công bằng như áp đặt những rào cản hành chính không rõ ràng đối với hàng nhập khẩu dẫn tới bổ sung thuế cao; sản xuất lãng phí tài nguyên; trợ cấp xuất khẩu và giành lấy công nghệ phương Tây bất hợp pháp thông qua các liên doanh bắt buộc và vi phạm bản quyền trắng trợn. Nhưng, gần như không thể đưa hành vi của Trung Quốc ra xử lý thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO, bởi vì việc xử lý đó giống như truy tố hàng chục ngàn tội phạm cổ cồn ở Phố Wall hàng năm. Đó là những trường hợp khó khăn khủng khiếp đối với các luật sư chính phủ để giành chiến thắng, cho dù tách nhỏ riêng từng vụ việc để giải quyết.

Mỹ và các đồng minh cần một thỏa thuận mới với Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh muốn lũng đoạn thương mại, thì điều đó phải được quản lý để mang lại sự cân bằng. Nếu không, Trung Quốc có thể sử dụng hàng trăm tỷ USD tích lũy được nhờ lũng đoạn thương mại để mua sự ủng hộ, gia tăng ảnh hưởng lên các nước khác thông qua sáng kiến “Con đường tơ lụa” hay còn gọi “Một Vành đại, Một Con đường” và mua lại các công ty công nghệ phương Tây.

Và việc dựa vào áp đặt thuế quan nhắm mục tiêu một số hàng hóa nhất định là khờ khạo.

Trung Quốc có thể nhanh chóng đáp trả việc Mỹ đánh thuế 50 tỷ USD, 100 tỷ USD hoặc 200 tỷ USD vào hàng hóa xuất khẩu của họ bằng cách nhắm mục tiêu đánh thuế vào các hàng hóa, sản phẩm tác động trực tiếp tới nông dân Mỹ và các ngành công nghiệp khác ở các khu vực mà đảng Cộng hòa dễ bị đảng Dân chủ thách thức, đồng thời cản trở, gây khó dễ cho hoạt động của các công ty Mỹ tại Trung Quốc.

Thay vào đó, ông Trump nên áp đặt một biện pháp toàn diện tương tự như khoản phụ phí nhập khẩu năm 1971 mà cựu Tổng thống Richard Nixon từng áp đặt.

Cụ thể là gắn giới hạn nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc với doanh thu mà các doanh nghiệp Mỹ có được từ chính thị trường đó. Nghĩa là, chính phủ Mỹ sẽ cấp cho các nhà xuất khẩu Mỹ các hạn ngạch có thể bán lại để nhập khẩu từ Trung Quốc theo tỷ lệ doanh thu họ kiếm được khi bán hàng tại thị trường Trung Quốc.

Bằng cách đó, càng nhiều người Trung Quốc mua từ Mỹ, thì càng có nhiều người Mỹ mua từ Trung Quốc. Ngược lại, nếu Trung Quốc trừng phạt các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và các mặt hàng xuất khẩu khác khiến hàng Mỹ gặp khó ở Trung Quốc, đồng nghĩa với việc Bắc Kinh cũng sẽ xuất sang Mỹ ít đi.

Kế hoạch này sẽ loại bỏ sự kêu gọi đặc biệt của các doanh nghiệp Mỹ về việc miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc – những doanh nghiệp Mỹ có giá trị nhập khẩu nhiều sẽ đặt giá thầu cao nhất để mua giấy phép hạn ngạch nhập khẩu.

Các đồng minh của Mỹ lo lắng kế hoạch nêu trên sẽ gây tổn hại cho WTO và khiến Trung Quốc chuyển hướng các công cụ trợ cấp của họ sang thị trường các nước đồng minh Mỹ. Nhưng câu trả lời của Mỹ nên đơn giản: Tiếp tục giao dịch với Trung Quốc như những gì đang có và họ sẽ không thu được bất kỳ lợi ích nào từ WTO nữa, cuối cùng rồi Bắc Kinh cũng sẽ phải tuân thủ các quy tắc của WTO.

Khối doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc cũng đang đánh cắp tài sản và công việc trí tuệ của Châu Âu và Canada. Những nước này cũng có thể tham gia trận chiến bằng cách áp đặt cách thức tương tự nêu trên, thay vì gào thét, rên rỉ và chỉ trích vì họ thường sẽ chẳng đấu lại được Mỹ chừng nào người của đảng Cộng hòa còn nắm quyền tại Nhà Trắng.

Cánh cửa thuế quan nên để mở cho các đồng minh nhưng Mỹ không nên tiếp tục chịu đựng một thể chế WTO mà đang trao quyền phụ trách vào tay Trung Quốc.

Tác giả: Peter Morici

Minh Khuê biên dịch

(Quan điểm trong bài viết là cách nhìn riêng của tác giả không phản ánh quan điểm chính thức của TRITHUCVN)

(1) Chính trị bản sắc: là các cách thức mà chính trị của mọi người được định hình theo các khía cạnh của bản sắc của họ thông qua các tổ chức xã hội tương quan lỏng lẻo, xóa nhòa giới hạn đảng phái.

Xem thêm: