Một nhà lập pháp Nga đã cảnh báo rằng Moscow sẽ trả đũa nếu Phần Lan gia nhập NATO.

Thượng nghị sĩ Vladimir Dzhabarov từ Hội đồng Liên bang, nói rằng động thái gia nhập NATO của Helsinki sẽ là một “sai lầm chiến lược”, theo các bình luận được hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đưa tin hôm thứ Tư.

Ông nói rằng Phần Lan đã phát triển quan hệ chặt chẽ với Nga nhưng tư cách thành viên NATO có nghĩa là “nước này sẽ trở thành mục tiêu”.

Ông Dzhabarov nói: “Tôi nghĩ đó sẽ là một thảm kịch khủng khiếp đối với toàn bộ người dân Phần Lan” và không tin rằng người dân Phần Lan sẽ ký kết để dẫn đến “sự tàn phá đất nước của họ.”

Bộ Ngoại giao Phần Lan cho biết trong một tuyên bố rằng họ “không bình luận về tuyên bố của cá nhân các nghị sĩ.”

Đây là lời đe dọa mới nhất đối với Phần Lan về tư cách thành viên NATO. Moscow đã sử dụng lý do này cho việc xâm lược Ukraine.

Sergei Belyayev, người đứng đầu bộ ngoại giao Nga về châu Âu, cho biết vào tháng 3 sẽ có “hậu quả nghiêm trọng về quân sự và chính trị” nếu Phần Lan gia nhập NATO.

Hôm thứ Ba, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng Phần Lan, cùng với nước láng giềng Thụy Điển sẽ được “hoan nghênh” nếu họ quyết định gia nhập liên minh.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm thứ Năm (7/4) rằng nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO thì Nga sẽ phải “tái cân bằng tình hình” bằng các biện pháp của riêng mình.

Ông Peskov nói với tờ Sky News của Anh rằng nếu hai nước tham gia, Nga sẽ phải củng cố sườn phía Tây của mình để đảm bảo an ninh.

Tuy nhiên, ông cho biết Nga sẽ không coi một động thái như vậy là một mối đe dọa hiện hữu có thể khiến nước này xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân.

Phần Lan có chung đường biên giới dài 830 dặm với Nga và từng là một phần của đế chế Nga, sau đó giành được độc lập sau Thế chiến thứ nhất. Liên Xô xâm lược Phần Lan vào năm 1939 trong Chiến tranh Mùa đông. Sau một hiệp ước hòa bình vào năm 1940, hai bên lại xung đột trong Chiến tranh Tiếp diễn bắt đầu vào năm 1941, ngay sau khi Đức Quốc xã xâm lược Liên Xô. Cuộc chiến kéo dài đến năm 1944.

Năm 1948, Phần Lan ký Hiệp định Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ với Liên Xô với mong muốn duy trì vị thế trung lập. Một hiệp ước hữu nghị mới đã được ký kết giữa Helsinki và Moscow vào năm 1992.

Tuy nhiên, sự gây hấn của Moscow ở Ukraine đã thúc đẩy Helsinki tìm cách tăng cường an ninh quốc gia, bao gồm cả khả năng trở thành thành viên NATO.

Ý định này đang ngày càng trở nên được quan tâm trong các chính trị gia Phần Lan. Trong số 200 đại biểu quốc hội, 112 người đã trả lời cuộc khảo sát về khả năng thành viên. Trong đó, 71 người (63%) cho biết họ ủng hộ tư cách thành viên NATO và chỉ có 6 nghị sĩ phản đối động thái này, theo công ty truyền thanh công cộng quốc gia YLE của Phần Lan. Có 35 người nói rằng họ không có ý kiến.

Công chúng Phần Lan dường như cũng ngày càng ủng hộ việc tham gia liên minh, với đa số (60%) người Phần Lan ủng hộ việc gia nhập NATO trong một cuộc thăm dò vào tháng trước của Diễn đàn Doanh nghiệp và Chính sách Phần Lan.

Ngân Hà