27/1 là ngày do Liên Hợp Quốc chỉ định nhằm tưởng niệm 6 triệu người Do Thái và hàng triệu nạn nhân khác bị giết hại trong cuộc diệt chủng Holocaust của Đức quốc xã. Các nhà nghiên cứu về Holocaust nhận xét rằng vào thời điểm này, Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh cũng sắp được tổ chức tại một quốc gia đang diễn ra nạn diệt chủng: “Nhiều người không biết hoặc không quan tâm đến những cuộc đàn áp ở Trung Quốc, tự bản thân điều này đã khiến người ta thấy bất an.” Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và các nhà tài trợ cho Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh đã trở thành những người phủ nhận sự tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

id13427163
(Nguồn: Li Yi / Đại Kỷ Nguyên)

Giáo sư Rafael Medoff, chuyên nghiên cứu về lịch sử Do Thái và là giám đốc sáng lập của viện nghiên cứu The David S. Wyman Institute for Holocaust Studies, đã phát biểu: “Thực tế là vào lúc Thế vận hội Mùa đông được cử hành ở đất nước Trung Quốc cộng sản thì nạn diệt chủng cũng đang diễn ra tại đó.” 

Vào năm 2005, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết chỉ định ngày 27/1 hàng năm – ngày quân Đồng minh giải phóng trại tập trung Auschwitz của Đức quốc xã – là “Ngày quốc tế tưởng nhớ các nạn nhân của vụ thảm sát”. Nghị quyết tuyên bố mục đích của ngày lễ kỷ niệm là nhằm “ngăn chặn các hành động diệt chủng trong tương lai”; nó cũng “lên án nghiêm khắc tất cả các hành vi không có tính khoan dung, gây kích động, quấy rối hoặc bạo lực nhắm vào những cá nhân hoặc đoàn thể dựa trên tín ngưỡng tôn giáo hoặc chủng tộc, bất luận là những hành vi này đang diễn ra ở đâu”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres hôm 25/1 phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm ở New York rằng lịch sử của cuộc thảm sát Holocaust “không bao giờ nên bị lãng quên”“không bao giờ được lặp lại”.

Giáo sư Medoff cho biết: “Tình huống ở Trung Quốc hiện nay là có một cuộc diệt chủng đang diễn ra, và nạn nhân là người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi. Đây nên là điều mà cộng đồng quốc tế cần quan tâm và can thiệp ngay lập tức, bởi vì vào ngày 27/1, các quốc gia trên khắp thế giới đều kỷ niệm ngày Holocaust nhằm ngăn chặn các cuộc diệt chủng trong tương lai. Thế nhưng chúng ta lại chứng kiến một cuộc diệt chủng trên thực tế đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta hôm nay, tại một quốc gia đăng cai tổ chức một trong những ngày hội quốc tế quan trọng nhất trong năm.”

Medoff so sánh việc Đức Quốc xã của Hitler đăng cai Thế vận hội cách đây 86 năm cũng giống như ý định của ĐCSTQ khi đăng cai Thế vận hội ngày nay.

“Đối với Đức Quốc xã vào năm 1936, Thế vận hội là một công cụ để che đậy những vi phạm nhân quyền khủng khiếp của chúng đối với người Do Thái ở Đức. Tương tự như vậy, ở Trung Quốc ngày nay, chính quyền Bắc Kinh coi Thế vận hội là một cơ hội để cộng đồng quốc tế chấp nhận nó như một phần hợp pháp, và để công chúng rời mắt khỏi thực tế rằng Chính phủ Trung Quốc đang đàn áp những người dân tộc thiểu số vô tội trên quy mô lớn.”

Hôm thứ Hai (ngày 24/1) , Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mỹ Rick Scott đã tổ chức một cuộc họp báo, mời các nhà hoạt động Duy Ngô Nhĩ vạch trần những hành động tàn bạo của ĐCSTQ ở Tân Cương và phản đối Thế vận hội Mùa đông tại Trung Quốc.

“Hàng triệu người đã bị giam giữ mà không cần xét xử. Ít nhất 800.000 trẻ em Duy Ngô Nhĩ đã bị buộc rời khỏi gia đình, được nuôi trong các trại trẻ mồ côi và trường nội trú của chính phủ. Hầu hết các em có khả năng sẽ không bao giờ gặp lại gia đình”. Giám đốc Dự án Nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ, ông Mustafa Aksu nói: “Gia đình của chính tôi đang bị theo dõi, quấy rối, đe dọa và giam giữ. Bạn cùng lớp, giáo viên và hàng xóm của tôi đã biến mất. Tôi thậm chí không biết một số người trong đó còn sống hay đã chết.”

Giám đốc Hiệp hội Người Duy Ngô Nhĩ, bà Elfidar Iltebir  cho biết: “Điều khiến người ta phẫn nộ là trong khi cả gia đình chúng tôi bị nhốt và bị tra tấn thì toàn thế giới lại tôn vinh tinh thần thể thao và hữu nghị.”

Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh trở thành cuộc tập trận phủ nhận tội ác diệt chủng

Sắp tới, khi Thế vận hội Mùa đông khai mạc ở Bắc Kinh vào ngày 4/2, những hành động tàn bạo đang diễn ra này có thể bị lu mờ bởi sự cuồng nhiệt của thể thao. Ông Josh Rogin, nhà báo của tờ “Washington Post” đã bình luận rằng IOC, các thương hiệu tài trợ cho Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, và một số nhân vật nổi tiếng đang thực sự giúp ĐCSTQ minh oan cho tội ác diệt chủng và trở thành những người phủ nhận sự tàn bạo của nó.

Ông Rogin nói: “Giữ im lặng trước những hành động tàn bạo trên diện rộng là một việc, chủ động giúp những kẻ áp bức minh oan cho tội ác của họ là một việc khác nữa.” Ông cũng trích dẫn lời của Elisha Wiesel, con trai người sống sót sau thảm họa Holocaust cũng là người đoạt giải Nobel Hòa bình Elie Wiesel: “Mọi cá nhân và tổ chức liên quan đến Thế vận hội Bắc Kinh không nên đồng lõa với những nỗ lực nhằm che đậy sự tàn bạo đối với người Duy Ngô Nhĩ”. Ông Wiesel cũng tiếp tục kêu gọi trong một bài phát biểu tại sự kiện Tưởng niệm Holocaust của Liên Hợp Quốc vào thứ  Năm (ngày 27/1).

IOC luôn sát cánh cùng Chính phủ Trung Quốc chống lại bất kỳ cuộc biểu tình nào của công chúng lên án việc nước này vi phạm nhân quyền. IOC đã bảo vệ một ứng dụng mà Chính phủ Trung Quốc đang yêu cầu các vận động viên tải xuống trong khi ứng dụng này bị cáo buộc là có rủi ro về bảo mật; họ còn tận lực sản xuất một video hiệp trợ Chính phủ Trung Quốc dập tắt các cuộc biểu tình kháng nghị về việc mất tích của ngôi sao quần vợt Bành Soái. IOC thậm chí đã từ chối gặp gỡ các nhóm nhân quyền liên quan đến tình trạng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. 

Thành viên của cả hai đảng thuộc Quốc hội Hoa Kỳ đã phẫn nộ trước hành động của IOC. Thứ Năm tuần trước (ngày 20/1), 8 Dân biểu Hoa Kỳ, dẫn đầu bởi đảng viên Dân chủ Tom Malinowski, đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi IOC lên án những ngôn luận của các quan chức Trung Quốc và yêu cầu IOC giải thích cách tổ chức này bảo vệ các vận động viên và nhà báo nước ngoài khi chính quyền Trung Quốc có hành động đe dọa.

Ngoài ra, Dân biểu Cộng hòa Michael Waltz và Dân biểu Dân chủ Jennifer Wexton đã đề xuất một dự luật hủy bỏ đặc quyền miễn thuế liên bang của IOC.

Ông Waltz nói: “Các doanh nghiệp đối tác của “Thế vận hội diệt chủng” 2022 nên cảm thấy nhục nhã về mối quan hệ của họ với các chiến lược tuyên truyền của IOC và ĐCSTQ.”

Nhà báo Rogin nhận xét: “Cho đến nay, các doanh nghiệp dường như một chút xấu hổ cũng không cảm thấy. Google và Apple đưa các ứng dụng có nhiều lỗ hổng của Chính phủ Trung Quốc vào cửa hàng ứng dụng của họ mà không hề công bố rủi ro cho người dùng.”

Ông Michael Sobolik, thành viên của Hội đồng Chính sách Đối ngoại Hoa Kỳ, đã bình luận trên VOA: “Nếu như bạn không có cảm giác nhục nhã, sự xấu hổ về mặt đạo đức cũng chỉ có thể tới đây.”

Tờ Wall Street Journal đưa tin hôm Chủ nhật (ngày 23/1) rằng: “Khi Washington đang tập trung vào vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, một số thương hiệu tài trợ cho Thế vận hội, bao gồm Visa, Procter & Gamble, Coca-Cola v.v. cũng đang dè chừng tiếng nói của chính họ”.

Tuy nhiên, trong khi các nhà tài trợ cho Thế vận hội mùa đông 2022 đang gặp khó khăn với hàng tỷ USD trong việc kinh doanh vào năm nay, họ vẫn không rút lại tài trợ cho Thế vận hội Bắc Kinh và cũng không rút khỏi thị trường Trung Quốc.

“Khi nói đến Trung Quốc, họ sẵn sàng im lặng”

Ông Sobolik phát biểu: “Khi nói đến Trung Quốc, họ sẵn sàng im lặng và làm bất cứ điều gì họ cần làm để bảo vệ quyền tiếp cận thị trường của họ ở đó, ngay cả khi cái giá phải trả là xem nhẹ hoặc phủ nhận tội ác diệt chủng đang diễn ra.”

“Tôi nghĩ điều tệ nhất là họ đã biện minh cho ĐCSTQ, bởi vì họ nghĩ họ đã nắm được nguyên lý quan trọng nhất, không chỉ đối với Mỹ, mà còn rất nhiều nước phương Tây, rằng nếu được lựa chọn giữa việc giữ vững các giá trị quan và việc kiếm tiền thì chúng ta luôn lựa chọn kiếm tiền.”

Ông Sobolik gọi các thương hiệu tài trợ cho Thế vận hội Mùa đông là “những kẻ bạc nhược phủ nhận tội ác diệt chủng”. “Bởi vì các công ty này sở hữu những nền tảng rất lớn và có thể lên tiếng, họ có nhiều tiền, họ rất giàu, các dịch vụ và sản phẩm mà họ cung cấp đang có nhu cầu cao. Khi họ bỏ qua cơ hội để phản ánh tình huống chân thực của người Duy Ngô Nhĩ vì họ muốn kiếm tiền, điều đó có tác dụng tương tự như việc phủ nhận những gì đang diễn ra, bởi vì các vị đang hỗ trợ và tiếp tay cho sự đàn áp của ĐCSTQ ở Tân Cương, tựa như là các vị không biết gì, tựa như các vị đang che dấu những gì xảy ra ở đó, không muốn các áp lực từ bên ngoài và những chính sách động chạm đến ‘sự cân bằng’ này.”

Intel là một trong năm nhà tài trợ lớn duy nhất của Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh công khai xác nhận luận điểm của Washington về “tội ác diệt chủng ở Tân Cương”. Tuy nhiên ngay sau khi Intel viết thư yêu cầu các nhà cung cấp của họ tránh những nguồn cung ứng từ Tân Cương vào tháng Mười Hai năm ngoái, tập đoàn này đã bị Bắc Kinh đe dọa rằng họ có thể trở thành một “nhà cung cấp nước ngoài” mà Bắc Kinh “không cần phải dựa vào”. Vài ngày sau, Intel đã xin lỗi và nói rằng họ viết lá thư chỉ để tuân thủ luật pháp Hoa Kỳ và điều đó không đại diện cho quan điểm của họ đối với Tân Cương.

Đầu tháng này, tỷ phú công nghệ và đồng sở hữu đội bóng Golden State Warriors của Hiệp hội bóng rổ quốc gia Hoa Kỳ, ông Chamath Palihapitiya đã nói trên podcast của mình rằng: “Sẽ không có ai quan tâm đến những gì xảy ra với người Duy Ngô Nhĩ”. Ông Palihapitiya không thừa nhận việc quan tâm đến người Duy Ngô Nhĩ là một loại “mỹ đức”, cho rằng những lời kêu gọi ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ của công chúng “khiến người khác cảm thấy đáng tiếc”.

Ông Palihapitiya đã xin lỗi về những bình luận của mình. Cả ông và đội bóng rổ Warriors đều không đề cập đến người Duy Ngô Nhĩ trong các tuyên bố sau đó của họ. Ông Sobolick bình luận, dù đã hành động hay chưa, họ đều đang giúp Chính phủ Trung Quốc che đậy cuộc đàn áp của mình, phần lớn là vì lợi ích kinh tế. 

“Nhiều người không biết và cũng không quan tâm đến cuộc đàn áp ở Trung Quốc, điều này thật khiến người ta bất an”

Giáo sư Rafael Medoff nhận định, những lời của ông Palihapitiya đã vô tình chạm đến một thực tế rằng “xác thực là có quá nhiều người không để tâm [đến cuộc đàn áp ở Trung Quốc]”, điều mà ông gọi là “thảm kịch của thế hệ này”.

“Có những người chưa bao giờ nghe nói về người Duy Ngô Nhĩ, có những người không biết về cuộc đàn áp ở Trung Quốc, họ không biết về cuộc bức hại người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng hoặc người dân Hồng Kông, rất nhiều người ngày nay không biết, không quan tâm đến những điều này, tự nó đã đủ khiến mọi người cảm thấy bất an.”

Bắc Kinh đã ra sức gây áp lực, buộc bất kỳ người nước ngoài nào cũng không được nhắc đến vấn đề nhân quyền khi họ nói về Thế vận hội Bắc Kinh, thậm chí còn trực tiếp đe dọa trừng phạt các vận động viên Olympic vì những lời nói và việc làm vi phạm luật lệ và quy định của Trung Quốc.

Giáo sư Medoff ngược lại cho rằng chúng ta nên lo lắng về việc những người khác bị bức hại: “Sự quan tâm là điều cần thiết, vì nó là bước đầu tiên để hành động. Tất nhiên chỉ quan tâm thôi là chưa đủ, đó mới chỉ là cơ hội dẫn đến hành động.”

Giáo sư Medoff vẫn kêu gọi các vận động viên tránh xa hoặc từ chối tham gia Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh và các thương hiệu nên rút lại số tiền tài trợ để “bày tỏ sự phản đối của họ đối với việc đàn áp của Trung Quốc”. Ông nói: “Những ai nhận thức được rằng vấn đề đạo đức là vô cùng quan trọng thì nên hành động.”

Nguồn: Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA)