Hôm 17/6, Nhà Trắng đã đưa ra tín hiệu rằng một cuộc hội đàm trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang được cân nhắc, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh tiếp tục căng thẳng.

Embed from Getty Images

Trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nga, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết ông Biden “trông chờ cơ hội được trao đổi với Chủ tịch Tập.”

“Những gì Tổng thống nói về việc không gì có thể thay thế cho đối thoại cấp lãnh đạo là một phần trọng tâm tại sao ông ấy tổ chức Hội nghị thượng đỉnh với ông Putin hôm qua, và điều này cũng sẽ áp dụng cho Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình”, ông Sullivan nói.

Ông nói: “Sẽ sớm thôi, chúng tôi sẽ tìm ra phương thức phù hợp để hai vị lãnh đạo tương tác.” “Nó có thể là một cuộc điện thoại, nó có thể là một cuộc gặp bên lề của một hội nghị thượng đỉnh quốc tế, nó có thể là một cái gì đó khác.”

Vào tháng 10, Biden và ông Tập đều dự kiến ​​sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Ý, được coi là một địa điểm tiềm năng cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo, Sullivan nói, mặc dù ông nói thêm rằng “chúng tôi chưa có bất kỳ kế hoạch cụ thể nào vào lúc này”.

Cuộc gặp như vậy sẽ là cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên của ông Tập với một Tổng thống Mỹ kể từ khi ông gặp TT Donald Trump gần hai năm trước bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản.

Cuộc trao đổi cấp cao gần đây nhất giữa Bắc Kinh và Washington diễn ra ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7, khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói chuyện qua điện thoại với người đứng đầu cơ quan đối ngoại Trung Quốc Dương Khiết Trì – Ủy viên Bộ Chính trị và là giám đốc của Văn phòng Ủy ban Đối ngoại.

Sullivan cho biết một tiến bộ chính trong cuộc họp G7 tuần này là “sự đoàn kết giữa các quốc gia cùng chí hướng, giữa các nền dân chủ trên thế giới, về vấn đề Trung Quốc.”

Điều này bao gồm sáng kiến ​​cơ sở hạ tầng mới, được coi là giải pháp thay thế cho Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Bắc Kinh; kế hoạch giải quyết thách thức của NATO đối với Trung Quốc; cũng như sự ra mắt của Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ – EU để cạnh tranh với các hoạt động kinh tế phi thị trường của Trung Quốc.

Ngay sau khi ông Sullivan đưa ra tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với các phóng viên rằng gợi ý về một cuộc họp không phải là dấu hiệu của bất kỳ bước đột phá nào, mà chỉ là sự phản ánh cam kết của ông Biden đối với ngoại giao.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price nói rằng ông Sullivan “đang nói về đề xuất mà Tổng thống đã đưa ra, rằng không có gì thay thế cho ngoại giao cá nhân”.

“Ông ấy đang đưa ra quan điểm không phải là duy nhất trong… cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin. Điều đó áp dụng toàn diện khi nói đến chính sách ngoại giao nguyên tắc của chúng tôi,” ông Price nói.

Ông Price nói thêm rằng “không có gì để nói trước vào lúc này nhưng đó là thứ mà chúng tôi vẫn đang để ngỏ, nếu có các điều kiện phù hợp”.

Hôm thứ Tư, ông Biden đã gặp ông Putin tại Geneva vào thời điểm mối quan hệ Mỹ – Nga đang đi xuống, khi chính quyền Biden cáo buộc Nga đàn áp người biểu tình, tấn công mạng và can thiệp bầu cử.

Sau cuộc gặp đó, một phóng viên hỏi Biden liệu ông có kế hoạch nói chuyện như “hai người bạn cũ” với ông Tập, đặc biệt là kêu gọi sự hợp tác của Trung Quốc trong cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch virus corona hay không.

Tuy vậy, ông Biden đã phủ nhận ông Tập là “bạn cũ”, nói rằng hai bên chỉ biết rõ về nhau và mối quan hệ đơn thuần là công việc. 

Biden và Tập đã gặp nhau nhiều lần trong quá khứ, thậm chí trước khi ông Tập trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc. Các cuộc gặp cũng diễn ra thường xuyên khi ông Biden là phó Tổng thống dưới thời chính quyền Obama.

Hai bên đã nói chuyện qua điện thoại vào tháng 2 sau khi ông Biden nhậm chức và ông Tập đã tham gia từ xa vào Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Nhà Trắng về biến đổi khí hậu vào tháng 4, nhưng họ chưa gặp mặt trực tiếp trong vai trò hiện tại của mình.

Ông Biden đã gọi ông Tập là một nhà độc tài “côn đồ” trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình và hồi tháng 3 nói rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc không có “bộ xương dân chủ trong cơ thể”.

Xuân Lan

Xem thêm: