Ngày 19/10, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho hay, chính phủ Cuba đã tùy tiện bắt giữ, đánh đập và ngược đãi những người tham gia các cuộc biểu tình hồi tháng 7 năm nay, nhằm gây ra nỗi sợ hãi cho dân chúng và kiềm chế những người bất đồng chính kiến.

Embed from Getty Images

Một người đàn ông bị bắt giữ trong cuộc biểu tình phản đối chế độ cầm quyền Cuba tại Arroyo Naranjo Municipality, Havana ngày 12/7/2021 (Ảnh: Getty Images)

Hàng nghìn người Cuba đã tuần hành trong cuộc biểu tình lớn nhất vào ngày 11/7, làm rung chuyển đất nước do chế độ cộng sản điều hành kể từ cuộc cách mạng của Fidel Castro năm 1959. Lực lượng an ninh đã dập tắt các cuộc biểu tình trong bối cảnh hàng loạt vụ bắt giữ và một số người bị ghi nhận là đã tử vong. Đường phố của quốc đảo này kể từ đó hầu như không còn yên tĩnh.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết, họ đã xác nhận ít nhất 130 trường hợp lực lượng an ninh vi phạm quy trình tố tụng, đánh đập, lạm dụng tình dục hoặc cưỡng bức các công dân Cuba tham gia cuộc biểu tình mà tổ chức này mô tả là “các cuộc biểu tình phản đối chính phủ quá đỗi ôn hòa”.

Cuba đã bác bỏ các báo cáo về các vụ đàn áp hoặc tra tấn có hệ thống. Chính phủ đổ lỗi cho các cuộc biểu tình là do Hoa Kỳ can thiệp, khẳng định Hoa Kỳ đã công khai tìm cách ép buộc quốc đảo láng giềng phải cải cách thông qua các biện pháp trừng phạt và tài trợ cho các chương trình dân chủ trong nhiều thập kỷ qua.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã thu thập bằng chứng về hành vi vi phạm nhân quyền của cảnh sát và quân đội Cuba từ các cuộc phỏng vấn qua điện thoại với các nhà hoạt động, nạn nhân, người thân, nhà báo và luật sư của họ, cũng như từ các hồ sơ vụ án, báo chí và hình ảnh và video.

Nhà nghiên cứu Juan Pappier của HRW nhấn mạnh: “Khi hàng nghìn người Cuba xuống đường biểu tình vào tháng 7, chính phủ Cuba đã đáp trả bằng một chiến lược đàn áp tàn bạo nhằm gây ra nỗi sợ hãi và trấn áp những người bất đồng chính kiến.”

Theo nhóm nhân quyền Cuba Cubalex, hơn 1.000 người đã bị bắt giữ, và hiện ít nhất 500 người vẫn đang bị giam giữ hoặc quản thúc tại gia.

Người dân Cuba đã phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men trong vài năm qua, cũng như tình trạng mất điện trên diện rộng kể từ tháng 6. Các vấn đề này thậm chí còn trở nên nghiêm trọng hơn do đại dịch kéo dài suốt hai năm đã đóng cửa ngành du lịch toàn cầu, trong khi đây là một trong những lĩnh vực chính giúp kinh tế Cuba phát triển.

Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Jose Miguel Vivanco cũng trao đổi với các phóng viên ở Miami: “Họ xuống đường vì họ không còn gì để mất. Và, chính phủ lại trực tiếp cho họ thấy rằng họ còn rất nhiều thứ để mất.”

Các cáo buộc lạm dụng được đưa ra chỉ vài tuần trước một cuộc tuần hành khác của những người bất đồng chính kiến, dự kiến diễn ra ​​vào ngày 15/11 sắp tới. Đây cũng sẽ là cuộc biểu tình lớn đầu tiên kể từ ngày 11/7. Chính phủ Cuba đã tuyên bố cuộc tuần hành được lên lịch cùng ngày quốc đảo Caribe có kế hoạch mở cửa trở lại du lịch quốc tế này là bất hợp pháp.

Ông Vivanco nhận định, có khả năng chính phủ sẽ chuẩn bị kỹ hơn nhiều trong khoảng thời gian này liên quan đến cuộc biểu tình sắp tới. “Chúng tôi sẽ xem liệu, vào ngày 15/11, người dân Cuba… có được phép thực hiện quyền biểu tình ôn hòa của họ không, hay liệu họ có chùn bước vì sợ hãi hay không.”

Minh Ngọc (Theo Reuters)

Xem thêm: