Nói là về Trung Quốc Đại Lục cúng tổ tiên, nhưng gần đây Cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu lại dẫn theo một đoàn sinh viên không mấy liên quan. Từ đó có thể thấy việc cúng tổ tiên là giả, các hoạt động giao lưu phi chính phủ xuyên eo biển, nhằm triển khai chiến lược mặt trận thống nhất mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mới là thực.

shutterstock 2265434733
Ông Mã Anh Cửu và ông Tập Cận Bình có cuộc gặp lịch sử tại Singapore ngày 7/11/2015 (Ảnh: Salma Bashir Motiwala / Shutterstock)

Sau lưỡng hội của ĐCSTQ, các hoạt động ngoại giao đã diễn ra thường xuyên, thay đổi cục diện ảm đạm trong 3 năm qua.

Ông Tập Cận Bình vội vã gặp Tổng thống Nga Putin, và tiếp Tổng thống Brazil ngay khi về nước. Cựu Tổng thống Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou) cũng nhân cơ hội này sang Trung Quốc Đại Lục khiến dư luận chú ý. Mặt khác chuyến đi này cũng gây thanh thế giúp ĐCSTQ tạo nên một cục diện mới sau 3 năm zero-COVID im ắng. Nước đi này của ông Mã Anh Cửu khá được lòng ông Tập Cận Bình.

Sau khi chính sách “một quốc gia, hai chế độ” bị phá sản, nỗ lực chính trị của ĐCSTQ nhằm biến Hồng Kông thành hình mẫu cho Đài Loan, và thuyết phục người Đài Loan chấp nhận mặt trận thống nhất của ĐCSTQ không thể tiếp tục. Trong 2 năm qua, mục tiêu của ĐCSTQ với Đài Loan về cơ bản đã bị đình trệ.

Mãi cho đến sau Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20, Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện mới đưa ra cái gọi là “chiến lược tổng thể của đảng, nhằm giải quyết vấn đề Đài Loan trong thời đại mới”, cố tình gây thanh thế, nhưng kỳ thực nội hàm lại trống rỗng.

Ngoài việc lặp lại những luận điệu cũ của mặt trận thống nhất, “chiến lược tổng thể” này chỉ tập trung vào việc “tiêu diệt âm mưu độc lập của Đài Loan và thu phục nhân tâm của người dân Đài Loan”.

Chuyến đi của ông Mã Anh Cửu đã hợp tác với “chiến lược” thu phục nhân tâm của ĐCSTQ, đồng thời giúp ĐCSTQ thực hiện công tác thiết thực “thu phục nhân tâm tại Đài Loan” thông qua việc trao đổi sinh viên giữa 2 bờ eo biển Đài Loan.

“Chiến lược tổng thể” của ĐCSTQ đối với Đài Loan không còn nói về hòa bình và thống nhất quân sự, mà tập trung vào việc thu phục nhân tâm của người dân Đài Loan.

Vì đã đánh mất lập luận “một quốc gia, hai chế độ”, nên ĐCSTQ không biết bắt đầu từ đâu. Trước sự can thiệp sâu của các nước phương Tây như châu Âu, Nhật Bản, mục tiêu này hoàn toàn không thể triển khai.

Do đó, mục tiêu nhắm vào Đài Loan chỉ có thể thực hiện lâu dài dựa trên sự thay đổi trong tình cảm của người dân trên hòn đảo này. Xét về thực tế chính trị, việc thu phục nhân tâm của Đài Loan đã trở thành một mục tiêu vĩ mô dài hạn của ĐCSTQ.

Vì muốn lấy lòng ĐCSTQ, từ lâu Quốc Dân Đảng vẫn luôn rất “thấu hiểu thánh ý”. Khi Tổng thống Mã Anh Cửu nhậm chức, đầu tiên ông đã đạt được một hiệp ước thương mại dịch vụ với ĐCSTQ, kích động Phong trào Hoa hướng dương đầy sóng gió, sau đó lại hội đàm với ông Tập Cận Bình tại Singapore, đàm phán về “Đồng thuận năm 1992”.

Đáng tiếc là “Một Trung Quốc tự biểu đạt” mà Quốc Dân Đảng tuyên bố không được ĐCSTQ công nhận. Đến nay “Đồng thuận 1992” vẫn đang trong giai đoạn “tự biểu đạt” vì là tự biểu đạt nên cũng đồng nghĩa với việc không có “nhận thức chung”.

Kể từ khi Hoa Kỳ và Trung Quốc quay lưng lại với nhau, Hoa Kỳ đã coi vấn đề Đài Loan là điểm yếu của ĐCSTQ, và liên tục nâng cao vị thế quốc tế của Đài Loan, đồng thời gửi vũ khí và trang thiết bị tối tân nhất để chống lại chiến cuộc xâm lược của ĐCSTQ.

Chính phủ Đảng Dân Tiến đã tận dụng làn gió chống cộng để tích cực mở rộng không gian cho các hoạt động quốc tế của Đài Loan. Những tiến bộ nhanh chóng đạt được trong 2 năm qua khá ấn tượng.

Quốc dân đảng thân cộng chống Mỹ và Đảng Dân Tiến thân Mỹ chống cộng tạo nên một cuộc đối đầu gay gắt. Lòng người dân Đài Loan rõ ràng nghiêng về phía Đảng Dân Tiến, điều này đã khiến Quốc Dân Đảng luôn ở thế bị động trong những năm gần đây.

Từ lâu ĐCSTQ đã mất quyền chủ động giải quyết vấn đề Đài Loan, và cách duy nhất là phải bắt đầu lại từ đầu. Nhưng thật không may, có rất ít chiến lược khả dụng để thu phục người Đài Loan, đặc biệt là giới trẻ.

Lập luận một Trung Quốc không còn hữu ích, những dụ dỗ về kinh tế cũng khá hạn chế. Ông Mã Anh Cửu cũng muốn nhân cơ hội qua lại với ĐCSTQ, cùng nhau thảo luận những khó khăn và lối thoát, để chống lại cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới.

Mục đích chuyến thăm vội vã của Mã Anh Cửu là giúp Quốc Dân Đảng thoát khỏi khó khăn. Chỉ khi có một vài sự đột phá nhờ hợp tác với ĐCSTQ, Quốc Dân Đảng mới có thể phá vỡ cục diện bế tắc hiện tại, giành lại quyền lên tiếng cho sự thống nhất hòa bình giữa hai bờ eo biển Đài Loan, cũng như quyền chủ động về chính trị.

Năm tới sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống mới của Đài Loan và Quốc dân đảng đang nóng lòng tìm kiếm một bước đột phá chính trị. Chuyến đi của ông Mã Anh Cửu bề ngoài là để thờ cúng tổ tiên và giao lưu, nhưng nếu ông ấy có thể mang về một số kết quả thực chất sau chuyến giao lưu xuyên eo biển, điều này sẽ có ảnh hưởng lớn đến chiến dịch bầu cử của Quốc Dân Đảng vào năm tới.

Gần đây, hai đảng đang đấu tranh cho cuộc bầu cử Tổng thống. Về cơ bản, ứng cử viên của Đảng Dân Tiến được xác định là ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te), trong khi một số phe của Quốc dân đảng vẫn đang hỗn chiến.

Càng gần đến ngày tổng tuyển cử, Quốc Dân Đảng càng có ít không gian xoay chuyển tình thế. Chuyến đi của ông Mã Anh Cửu cũng nhằm ý định liên lạc với ĐCSTQ, để đổi lấy sự ủng hộ của họ, cả công khai và bí mật.

ĐCSTQ sử dụng ông Mã Anh Cửu nhằm làm trong dịu cục diện xung đột trong nước của Quốc Dân Đảng, để ông Mã Anh Cửu mang lại một số lợi ích kinh tế và thương mại, đồng thời giành lại sự ủng hộ của người dân cho Quốc Dân Đảng, như một mũi tên trúng 2 đích.

Tại thời điểm này, chiến lược tổng thể của ĐCSTQ nhắm tới Đài Loan cũng chỉ có thể phó thác vào Quốc Dân Đảng.

Số phận của Đài Loan không phụ thuộc vào ĐCSTQ, mà phụ thuộc vào 23 triệu người dân Đài Loan, và lá phiếu của cử tri Đài Loan trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.

Nếu bỏ phiếu cho Quốc Dân Đảng, Hoa Kỳ và Đài Loan sẽ đối đầu trong 10 năm tới, và hòa bình xuyên eo biển sẽ được ký kết, Đài Loan sẽ gặp nguy hiểm. Nếu bỏ phiếu cho Đảng Dân Tiến, Hoa Kỳ và Đài Loan sẽ trở nên gần gũi hơn trong 10 năm sau, hai bờ eo biển sẽ chia cắt, Đài Loan không chỉ được an toàn, mà còn ngày càng phát triển hơn.

Nếu Đảng Dân Tiến thắng cử, họ sẽ có cơ hội lớn nắm quyền thêm 10 năm, thế giới cũng sẽ thay đổi mạnh mẽ trong 10 năm tới, và không ai biết được liệu ĐCSTQ có tồn tại được thêm 10 năm nữa hay không.

Trong chuyến đi của ông Mã Anh Cửu, thăm ĐCSTQ là giả, lên kế hoạch tổng tuyển cử mới là thực, nịnh nọt lấy lòng là gieo nhân, hòng thay đổi cục diện mới là quả mong muốn.

Ông Mã Anh Cửu, một tổng thống hết thời, ngay trong nhiệm kỳ cũng không có tiếng nói chính trị, sau khi về hưu lại càng không có sức ảnh hưởng gì, nhưng tới nay vẫn không cam chịu, cố níu kéo với những màn biểu diễn vụng về. Điều này cũng chứng tỏ cảnh giới tư tưởng và năng lực của ông không đủ sức thuyết phục.

Nhan Thuần Câu
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được đăng trên Facebook Nhan Thuần Câu.)