Chính phủ Nhật Bản đã áp đặt vòng trừng phạt mới đối với Nga do nước này tiếp tục hành động quân sự ở Ukraine. Trong một thông báo hôm thứ Ba (10/5), Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, các biện pháp trừng phạt nhắm vào 8 quan chức, doanh nhân của Nga cùng với các thành viên gia đình của họ, bao gồm cả Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, cũng như hơn 130 cá nhân từ các nước cộng hòa ly khai ở vùng Donbass thuộc Ukraine.

Ông Denis Pushilin, lãnh đạo của Cộng hòa Nhân dân Donetsk, và ông Leonid Pasechnik, lãnh đạo của Cộng hòa Nhân dân Lugansk, cũng nằm trong danh sách này.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, các biện pháp trừng phạt bao gồm cả việc đóng băng các tài sản của những người này ở Nhật Bản. Tokyo cũng cấm xuất khẩu hàng hóa cho 71 công ty Nga, bao gồm các cơ sở nghiên cứu và đóng tàu, cũng như các công ty quốc phòng. Almaz-Antey, nhà sản xuất hệ thống phòng không thuộc nhà nước Nga, nằm trong số các công ty bị trừng phạt.

Ngoài ra, việc xuất khẩu máy tính lượng tử, máy in 3D, và các sản phẩm công nghệ cao khác sang Nga cũng bị cấm. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu nhấn mạnh, Tokyo lên án mạnh mẽ hành động của Nga ở Ukraine, đồng thời xác nhận rằng Nhật Bản sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Nga theo quyết định gần đây của tổ chức G7. Tổ chức này bao gồm 7 cường quốc: Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Canada, Đức, ý và Nhật Bản.

Hôm 9/5, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố, việc loại bỏ dần dầu của Nga là một “quyết định rất khó khăn” đối với một quốc gia “phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu năng lượng.” Đồng thời ông nhận định, việc này sẽ mất nhiều thời gian.

Nhật Bản ủng hộ chính sách trừng phạt của phương Tây đối với Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tokyo đã đóng băng tài sản của một số cá nhân Nga, cấm nhập khẩu một số hàng hóa, và bắt đầu loại bỏ dần việc nhập khẩu than của Nga, vốn chiếm khoảng 11% nhu cầu than của đất nước mặt trời.

Các biện pháp  trừng phạt của Nhật Bản đã dẫn đến sự rạn nứt giữa Tokyo và Moscow và hành động trả đũa của Nga. Hôm 4/5, Nga đã cấm 63 quan chức Nhật Bản, bao gồm cả Thủ tướng Kishida, và các nhân vật của công chúng nhập cảnh vào nước này. Bộ trưởng ngoại giao, cũng như các bộ trưởng quốc phòng, tài chính, và tư pháp của Nhật Bản cũng nằm trong danh sách trừng phạt của Nga.

Hồi tháng 3, Moscow đã chấm dứt thỏa thuận năm 1991 cho phép các công dân Nhật Bản đến thăm Quần đảo Kuril mà không cần thị thực, đồng thời ngừng các cuộc đàm phán với Nhật Bản về việc chính thức kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai, với lý do Tokyo có hành vi “công khai không thân thiện” đối với Nga. 

Tokyo và Moscow chưa bao giờ chính thức ký kết hiệp ước hòa bình sau Thế chiến thứ hai bởi vì sự tranh chấp đối với bốn hòn đảo cực nam trong chuỗi đảo Kuril, mà Nhật Bản gọi là Lãnh thổ phương Bắc. Hồi tháng 4, Ngoại trưởng Nhật bản Yoshimasa Hayashi lên án việc những hòn đảo này “bị chiếm đóng bất hợp pháp” trong sách tổng quan về chính sách đối ngoại của bộ này.

Gia Huy (Theo RT)