Nhật Bản đã cung cấp thông tin tình báo cho Hoa Kỳ và Anh vào năm ngoái về các bằng chứng liên quan tới việc Trung Quốc cưỡng bức bắt giữ đối với những người thiểu số Duy Ngô Nhĩ, một người thân cận với quan hệ Nhật – Mỹ cho biết hồi cuối tháng 12.

Tân Cương
Gần 1000 người đang mặc áo tù nhân ngồi ngay ngắn bên trong hàng rào lưới sắt vây quanh (Ảnh từ Twitter của Trại tập trung Tân Cương)

Dựa trên thông tin này, Mỹ đã tăng cường các động thái chống lại việc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương, nguồn tin cho biết.

Động thái này cho thấy Nhật Bản đã chia sẻ thông tin tình báo quan trọng với các đối tác ở hậu trường trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi chính phủ Nhật gia nhập liên minh chia sẻ thông tin tình báo Ngũ Nhãn để đối phó tốt hơn với các mối đe dọa ngày càng tăng của Triều Tiên và Trung Quốc.

Mạng lưới tình báo liên quan đến 5 quốc gia Ngũ Nhãn hiện gồm Úc, Anh, Canada, New Zealand và Mỹ.

Anh đã tham gia cùng với Mỹ trong việc thúc ép Bắc Kinh về việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, nhưng Nhật Bản chỉ nói rằng họ “đang theo dõi chặt chẽ tình hình”.

Đầu năm nay, vào tháng Giêng, một nguồn tin chính phủ Mỹ mô tả Nhật Bản gần như là “con mắt thứ sáu”, khi nhóm tình báo tìm cách theo dõi chặt chẽ hơn các hoạt động của Triều Tiên bằng cách hợp tác với ba đối tác – Nhật Bản, Pháp và Hàn Quốc.

Nguồn tin cho biết sự gần gũi của Nhật Bản với Trung Quốc và Triều Tiên, và khả năng thu thập dữ liệu liên quan thông qua vệ tinh và tín hiệu tình báo, đã khiến nước này gần như trở thành “con mắt thứ sáu”.

Nhật Bản hiện vẫn đang tìm cách duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc với tư cách là đối tác thương mại mà không làm tổn hại đến quan hệ với Mỹ, đồng minh an ninh của nước này.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra một loạt biện pháp trừng phạt đối với Bắc Kinh vì những cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ, chẳng hạn như hạn chế thị thực đối với các quan chức Trung Quốc. Điều này đã khiến quan hệ Mỹ – Trung thêm phần căng thẳng.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã chỉ trích nặng nề Trung Quốc trong một bài phát biểu tại Washington vào tháng 7 năm 2019, tuyên bố rằng “Đảng Cộng sản đã bỏ tù hơn một triệu người Hồi giáo Trung Quốc, bao gồm cả người Duy Ngô Nhĩ, trong các trại giam giữ – nơi họ bị tẩy não suốt ngày đêm”.

Đầu tháng này, Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết lên án các hành động của Trung Quốc ở Tân Cương và thúc giục các nhà lãnh đạo EU trừng phạt các quan chức liên quan.

Ngân Hà (theo SCMP)

Xem thêm: