Reuters đưa tin hôm 26/5, Nhật Bản sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga sau khi Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bảy nước G7, mà nước này đăng cai vào tuần trước, đã nhất trí như vậy. Nhật cũng lên án hoạt động vũ khí hạt nhân của Nga ở Belarus. Trong khi đó, để đối phó với tình hình khu vực ngày càng căng thẳng do vấn đề Đài Loan, Nhật Bản trước đó đã gia cường quân bị cho chính mình.

52036132929 0ca38834cc c
Tổng thống Joe Biden chào mừng Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại trụ sở NATO ở Brussels hôm 24/3/2022, trên đường đến dự cuộc họp G7 năm ngoái. (Ảnh: Adam Schultz/ Nhà Trắng)

“Là quốc gia duy nhất hứng chịu các vụ ném bom nguyên tử trong thời chiến, Nhật Bản không bao giờ chấp nhận mối đe dọa hạt nhân của Nga, chứ đừng nói đến việc sử dụng nó,” theo lời của ông Hirokazu Matsuno, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, phát ngôn viên hàng đầu Nhật Bản, nói trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm Thứ Sáu, nhắc đến vụ việc 2 thành phố của Nhật Bản bị Hoa Kỳ ném bom nguyên tử vào Đại Thế chiến II vào thế kỷ trước.

Các nhà lãnh đạo của G7 bao gồm Mỹ, Anh, Đức và Pháp, tuần trước đã thể hiện quyết tâm hỗ trợ Ukraine bằng viện trợ quân sự bổ sung và trừng phạt Nga, tại hội nghị thượng đỉnh thường niên tổ chức ở thành phố bị ném bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới, Hiroshima, Nhật Bản.

Trong một hành động phối hợp với G7, Nhật Bản sẽ đóng băng tài sản của 78 nhóm và 17 cá nhân, bao gồm cả các sĩ quan quân đội Nga và cấm xuất khẩu từ Nhật sang 80 tổ chức của Nga như phòng thí nghiệm nghiên cứu trực thuộc quân đội, theo một tuyên bố hôm Thứ Sáu của Bộ Ngoại giao.

Nhật Bản cũng sẽ cấm cung cấp các dịch vụ xây dựng và kỹ thuật cho Nga, mặc dù các chi tiết của biện pháp này sẽ được công bố vào một ngày sau đó, một tuyên bố của Bộ Thương mại cho biết.

Trước khi diễn ra hội nghị G7 ở Nhật Bản, Tổng thống Hoa Kỳ đã có chuyến công du tới thành phố Hiroshima. Ông là tổng thống Mỹ thứ hai, sau ông Barack Obama, tới thăm nơi từng hứng chịu bom nguyên tử của Hoa Kỳ.

Phối hợp với Hoa Kỳ trong vấn đề Đài Loan, Nhật Bản đã gia tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng vào năm nay, trở thành năm có chi tiêu quân sự lớn nhất kể từ sau Đại Thế chiến II, chiến tranh thế giới mà Nhật Bản là phe thua cuộc và trở thành quốc gia hòa bình về quân sự.

Hàng loạt cuộc biểu tình đã nổ ra, phản đối đầu tư chiến tranh ở Nhật Bản, phản đối NATO mở rộng sang Nhật Bản, như có thể thấy trong rất nhiều các video trên mạng xã hội nhằm vào cuộc họp G7 ở nơi đây.

  • Dưới đây là video của Forbes (Mỹ) và Sky News (Anh quốc) về các cuộc biểu tình này:

Nhật Tân