Sau khi Bắc Triều Tiên thử bom H thành công hôm Chủ Nhật (3/9), cả Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều thúc giục Liên Hợp Quốc sớm thông qua lệnh trừng phạt mới khắc nghiệt hơn lên Bình Nhưỡng. Washington và đồng minh hy vọng rằng việc cắt đứt nguồn cung dầu khí tới chế độ Kim Jong-un có thể ép được nước này đưa chương trình vũ khí lên bàn đàm phán. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích vẫn đặt dấu hỏi liệu phương án cấm vận này có thực sự hiệu quả với vấn đề hạt nhân Triều Tiên?

Một chiếc xe tải chở hàng của Trung Quốc đang đi trên cầu Hữu Nghị Trung – Triều trên sông Áp Lục phân chia biên giới hai nước

Trước khi Bắc Hàn thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ sáu, Nhật Bản đã kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện cắt đứt nguồn cung dầu khí tới Bình Nhưỡng.

Phương án này được Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đặc biệt lưu tâm sau khi Bắc Hàn thử hạt nhân. Ông Trump đã đe dọa dừng tất cả giao thương với bất kỳ nước nào làm ăn với chế độ Kim Jong-un. Điều này, khiến Trung Quốc – nước cung cấp phần lớn thực phẩm và nhiên liệu cho Bình Nhưỡng – hôm thứ Hai (4/9) đã gọi lời đe dọa của Tổng thống Mỹ là  điều “không thể chấp nhận được”.

Cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tối thứ Hai (4/9) có bàn đến các biện pháp cấm vận dầu mỏ, nhưng chịu sự phản đối mạnh mẽ của cả Nga và Trung Quốc. Từ trước tới nay, Trung Quốc vẫn luôn từ chối thực hiện các biện pháp như vậy vì nước này sợ rằng chế độ Bắc Hàn có thể sụp đổ nếu bóp nghẹt kinh tế quá mức.

Mặc dù Trung Quốc thời gian gần đây cũng đã có một số động thái xoa dịu những chỉ trích của ông Trump, nhưng thực tế tại bán đảo Triều Tiên cho thấy rằng Bắc Kinh không “chịu” hoặc cũng không thể là giải pháp dễ dàng mà  Tổng thống Mỹ đang tìm kiếm. Trung Quốc đã làm quá ít trong thực tế để kiềm chế tham vọng hạt nhân, tên lửa của chế độ nhà Kim, bất chấp các thúc ép từ chính quyền Trump.

Ông Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin, Bắc Kinh và đang là cố vấn cho chính phủ Trung Quốc, đã nói rằng: “Một lệnh cấm tạm thời hoặc từng phần là có thể, nhưng chính phủ Trung Quốc chắc chắn sẽ không dừng xuất khẩu dầu sang Bắc Hàn hoàn toàn hoặc lâu dài. Nếu Trung Quốc đồng ý chấm dứt xuất khẩu dầu hoàn toàn, họ sẽ sử dụng tất cả các công cụ của mình, nhưng không đạt được bất kỳ mục đích nào, và có thể sẽ phải trả giá đắt ”.

Kể từ cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-53), Bắc Kinh đã chống đỡ kinh tế Bắc Hàn để chế độ này không sụp đổ. Họ lo sợ phải hứng chịu một cú sốc bất ổn và khả năng quân đội Mỹ chiếm ảnh hưởng trên biên giới sau khi Hàn Quốc thống nhất 2 miền. Sự tính toán này vẫn được duy trì ngay cả khi hiện nay lợi ích của Trung Quốc đã khác với những gì Bắc Triều Tiên đang mưu cầu.

Khác với những người tiền nhiệm ở cả hai nước, mối quan hệ cá nhân giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un kể từ khi hai vị này lên cầm quyền ở mỗi nước là rất lạnh nhạt. Thậm chí phương tiện truyền thông của hai bên vẫn thường xuyên gây hấn, công kích lẫn nhau. Việc Bắc Hàn tiến hành thử hạt nhân khi ông Tập đang tiếp đón các nguyên thủ thế giới tham dự Hội Nghị BRICS tại Thành phố Hạ Môn, Phúc Kiến là một minh chứng rõ ràng cho thấy ông Kim không nể nang gì ông Tập.

Trong khi đó, theo thông tin từ Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, hôm thứ Hai (4/9). Tổng thống Moon Jae-in đã nói trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng đã đến lúc Liên Hợp Quốc “nghiêm túc xem xét về việc ngăn chặn hoàn toàn các nguồn ngoại tệ đổ vào Bắc Triều Tiên bằng cách cắt giảm nguồn cung dầu thô và cấm nước này gửi lao động ra nước ngoài”.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), Trung Quốc là nước cung ứng phần lớn dầu thô cho Bắc Hàn, nhưng EIA cũng khó xác định chính xác sản lượng đó là bao nhiêu: Trong tất cả các số liệu hải quan của Trung Quốc từ năm 2013, nước này không báo cáo về thông tin sản lượng dầu xuất khẩu sang Bắc Triều Tiên. Dựa vào các số liệu từ Bình Nhưỡng, EIA ước tính rằng sản lượng tiêu thụ dầu cả năm của Bắc Hàn vẫn ít hơn lượng dầu tiêu dùng một ngày ở các bang bờ đông Hoa Kỳ.

Reuters đầu năm nay cho biết sản phẩm dầu thành phẩm được vận chuyển bởi tàu chở dầu của Bắc Triều Tiên tới cảng Nampo, gần thủ đô Bình Nhưỡng, trong khi dầu thô được chuyển qua đường ống dẫn dầu từ thành phố biên giới Đan Đông, Trung Quốc giáp với biên giới Bắc Hàn qua sống Áp Lục. Theo EIA, một số quốc gia khác cũng cung cấp nhiên liệu cho Bắc Hàn, nhưng các số liệu không được báo cáo chính thức.

EIA ước tính rằng tiêu dùng dầu thành phẩm tại Bắc Hàn năm 2016 là quá nhỏ. Trung bình một ngày cả nước Bắc Triều Tiên chỉ tiêu thủ khoảng 15.000 thùng dầu, trong khi với Hàn Quốc là 2,6 triệu thùng và Trung Quốc là 12,5 triệu thùng.

Cơ quan thông tin năng lượng của Mỹ cũng ước tính rằng Bắc Hàn nhập khẩu khoảng 10.000 thùng dầu thô mỗi ngày để cung cấp cho nhà máy lọc dầu Ponghwa, nằm gần biên giới Trung Quốc. EIA trích dẫn số liệu từ Liên Hợp Quốc cho biết năm ngoái mỗi ngày Trung Quốc xuất sang Bắc Hàn khoảng 6.000 thùng dầu. Số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy những lô hàng đó bao gồm cả dầu nhiên liệu, xăng, dầu diesel, nhiên liệu máy bay và chất bôi trơn.

Trung Quốc cho biết sẽ chỉ thực hiện các biện pháp trừng phạt được Liên Hơp Quốc thông qua. Vào tháng 2, họ đã cấm Bắc Triều Tiên mua than đá và quặng sắt trong suốt quãng thời gian còn lại trong năm 2017, và vào tháng 8, Bác Kinh cũng đã ủng hộ cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an để thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào khoảng 1/3 lượng xuất khẩu của Bắc Triều Tiên. Các số liệu từ Liên Hợp Quốc cho biết trong năm 2016, khoảng  90 %thương mại theo dõi được của Bắc Triều Tiên là với Trung Quốc.

Các nhà kinh tế tại Tập đoàn Citigroup cho biết, thử nghiệm hạt nhân có thể là “lằn ranh đỏ” đủ để Trung Quốc và Nga ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc, bao gồm cả việc hạn chế xuất khẩu dầu và năng lượng. Nhưng chưa rõ ràng liệu các nước có thể thỏa thuận để đạt được một lệnh cấm vận hoàn toàn hay không.

Các nhà phân tích của Citigroup đã lưu ý rằng: “Cũng chưa rõ liệu có thể đạt được thêm các biện pháp trừng phạt để thay đổi cách hành xử của chế độ Kim Jong-un hay không”.

Trung Quốc thì phản đối hoàn toàn việc cấm xuất dầu sang Bắc Hàn. Tờ Hoàn Cầu Thời báo, cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong một bài xã luận đăng hôm Chủ Nhật (3/9) tìm cách bào chữa rằng có cấm cũng chưa chắc có tác dụng.

Tờ báo này viết: “Nếu Trung Quốc hoàn toàn cắt đứt nguồn cung cấp dầu cho Bắc Triều Tiên hoặc thậm chí đóng cửa biên giới Trung -Triều, cũng không chắc liệu chúng ta có thể ngăn Bình Nhưỡng tiến hành các cuộc thử hạt nhân và phóng tên lửa thêm nữa hay không”.

Ông Shen Dingli, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, nói rằng bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Bắc Triều Tiên cũng sẽ không có ý nghĩa. Ông Shen cho hay: “Trừng phạt sẽ giống như hình thức. Bắc Triều Tiên quyết tâm phát triển vũ khí hạt nhân, và không ai trong số cả 2 cường quốc (Mỹ và Trung Quốc) có thể thay đổi điều đó”.

Nhưng tại sao không cấm? Trong 15 năm, qua 6 vụ thử hạt nhân, lần duy nhất Trung Quốc ngừng vận hành đường ống dẫn dầu tới Bắc Hàn là vào tháng 3/2003, và cũng chỉ kéo dài 3 ngày. Lý do mà Bắc Kinh đưa ra lúc đó cũng không phải là để phản đối Bắc Hàn đơn phương theo đuổi chương trình hạt nhân, mà là vì để “bảo trì kỹ thuật”. Rõ ràng là đường ống dẫn dầu của Trung Quốc tới Bắc Hàn đóng một vai trò quan trọng để nuôi sống chế độ nhà Kim và giúp Bắc Kinh ghìm cương “con ngựa điên” Bình Nhưỡng. Nhưng trước tình hình hiện tại, ngay cả khi ông Tập muốn làm cái gì đó để giải quyết sự xấc xược của Kim Jong-un, thì hai tay ông ta hiện nay đang bị trói chặt trước Đại Hội đảng 19, và cuộc đấu đá quyền lực phức tạp với phe Giang Trạch Dân khiến bất cứ một giải pháp thay đổi mạnh mẽ nguyên trạng quan hệ với Bình Nhưỡng là không khả thi.

Ông Rajiv Biswas, kinh tế gia trưởng Châu Á Thái Bình Dương của công ty phân tích thị trường IHS Markit, cho biết trong một email gửi hãng Blomberg rằng ngay cả khi Trung Quốc đồng ý cấm tất cả các nguồn cung cấp dầu, Bắc Triều Tiên chắc chắn sẽ vẫn có các kho dự trữ để duy trì các hoạt động quan trọng trong nhiều tháng và có thể kiếm được tiền mặt để đổ vào các chương trình vũ khí của nước này từ các mặt hàng xuất khẩu chưa được liệt vào danh sách trừng phạt.

Ông Biswas nói: “Những luồng ngoại hối này có thể đủ để cho Bắc Hàn tiếp tục duy trì các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa”. Chuyên gia kinh tế này cho rằng với tình hình hiện tại, để gây sức buộc đưa Bắc Hàn ngồi vào bàn đàm phán, tất cả các nước, bao gồm cả Trung Quốc, cần phải cùng cấm Bình Nhưỡng xuất khẩu tất cả các mặt hàng, phong tỏa toàn bộ nguồn cung nhiên liệu tới quốc gia này và không cho phép lao động Bắc Hàn làm việc ở nước ngoài và chuyển tiền về nước.

Tân Bình

Xem thêm: